Sau nhiều năm bị sỏi thận, gần đây nữ bệnh nhân đã được các bác sĩ phẫu thuật lấy sỏi thận có kích thước lớn, trọng lượng khủng lên đến cả nửa cân.
TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E) cho biết, các bác sĩ trong khoa mới tiếp nhận phẫu thuật và đang theo dõi điều trị cho một bệnh nhân bị sỏi thận khá đặc biệt. Nữ bệnh nhân 70 tuổi, bị sỏi thận nhiều năm, sau khi phẫu thuật đã lấy ra được viên sỏi nặng 4,5 lạng, kích thước 14cm.
“Đây là một trong những bệnh nhân được đánh giá là có sỏi thận lớn nhất Việt Nam. Còn với sỏi bàng quang, có thể có viên sỏi sẽ lớn và nặng hơn, nhưng sỏi thận như vậy là hiếm gặp”, bác sĩ Liên chia sẻ.
Hình ảnh sỏi thận trên phim chụp và một phần sỏi được lấy ra từ thận bệnh nhân.
Trước khi được phẫu thuật, nữ bệnh nhân đau nhiều vùng thắt lưng nên đi khám, các bác sĩ chẩn đoán bị xẹp đốt sống và xử lý bằng phương pháp bơm xi măng sinh học để điều trị. Sau đó, bệnh nhân vẫn đau nhiều vùng thắt lưng, qua chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện cả hai thận của nữ bệnh nhân này đều có sỏi rất lớn.
Do bệnh nhân tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế nên các bác sĩ phải cân nhắc về việc mổ. Trước Tết Nguyên đán, các bác sĩ tạm xử lý bằng cách đặt JJ (ống dẫn lưu) cho bệnh nhân để hạn chế tình trạng ứ đọng nước trong thận. Ra Tết, bệnh nhân có mong muốn phẫu thuật loại bỏ viên sỏi nên bác sĩ Liên cùng các đồng nghiệp đã lên phương án và tiến hành phẫu thuật.
“Do viên sỏi to nên chúng tôi phải tiến hành mổ mở. Trước khi mổ chúng tôi có thực hiện tán (bóp) sỏi vụn ra trước để hạn chế kích thước vết mổ. Ca phẫu thuật diễn ra khá thuận lợi, viên sỏi nặng 4,5 lạng được lấy ra. Tuy nhiên, điều chúng tôi vui mừng nhất là vẫn giữ được chức năng của thận bên phải cho người bệnh. Thông thường, với những trường hợp sỏi thận lớn như vậy, nguy cơ cắt bỏ thận rất lớn”, bác sĩ Liên chia sẻ.
Hiện sỏi thận bên trái của bệnh nhân cũng có kích thước, trọng lượng bằng khoảng 2/3 so với viên sỏi vừa được phẫu thuật lấy ra. Do người bệnh mới trải qua ca phẫu thuật, sức khỏe còn yếu nên chưa thể xử lý ngay. Sau khoảng 3-4 tháng nữa, nếu sức khỏe hồi phục, bệnh nhân có mong muốn thì các bác sĩ sẽ xử lý tiếp sỏi thận ở bên còn lại. Hiện sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân ăn uống bình thường và tiếp tục được theo dõi.
Nhiều người có thói quen ăn mặn cũng gây nên sỏi thận nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Theo nhận định của bác sĩ Liên, trường hợp này là do bị sỏi ứ đọng lâu năm, khiến cho kích thước ngày càng lớn dần. Nếu không được phẫu thuật, xử lý kịp thời sẽ gây ra tình trạng ứa mủ, đau tức, suy thận hoặc gây biến chứng tăng huyết áp rất nguy hiểm.
Vị chuyên gia này cho biết có rất nhiều nguyên nhân gây sỏi thận như dị dạng đường tiết niệu, rối loạn chuyển hóa gây tăng canxi máu, thay đổi pH nước tiểu, cường tuyến cận giáp... Trong đó, các yếu tố như cơ địa, tiền sử gia đình, môi trường lao động, nhiễm trùng, chế độ ăn (lười uống nước, lười vận động gây ra ứ đọng nước tiểu) là những yếu tố tăng nguy cơ bị bệnh.
"Quả thận như một nhà máy lọc nước. Khi có quá nhiều chất cặn bã, thận không thể lọc hết và đào thải ra ngoài, sẽ gây hiện tượng lắng đọng kết tinh các chất vô cơ, tạo thành sỏi. Do vậy, một số người ăn quá nhiều thực phẩm có chứa oxalate, canxi... sẽ là đối tượng có nguy cơ cao hình thành sỏi thận, sỏi tiết niệu. Thực tế, có một số trường hợp bổ sung quá nhiều canxi không theo chỉ định của bác sĩ đã dẫn tới hình thành sỏi thận. Hay một số người có thói quen ăn mặn dẫn tới cô đặc nước tiểu thì cũng có nguy cơ tạo ra sỏi", bác sĩ Liên cảnh báo.
Theo bác sĩ Liên, sỏi thận sẽ có triệu chứng điển hình là đau vùng hông lưng. Trường hợp khi sỏi di chuyển xuống niệu quản sẽ gây ra cơn đau quặn thắt, đau đột ngột lan ra sau lưng và lan xuống vùng hông, tiểu lắt nhắt rất khó chịu. Do vậy, khi có biểu hiện trên cần nhanh chóng đi đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Thận Tiết niệu để thăm khám. Kể cả khi không có triệu chứng cũng cần đi khám sức khỏe nói chung, thận tiết niệu nói riêng ít nhất 6 tháng/lần.