Không may nuốt phải chiếc đinh gim, bé gái 12 tuổi đã phải nhập viện vì ho sặc sụa, khạc ra máu, nôn nhiều…
Đó là trường hợp bé gái Nguyễn Thị T. (12 tuổi, ở Sơn La), được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
Sau khi tiến hành thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện có dị vật là một chiếc đinh ghim dài khoảng 1,5cm nằm ở vị trí thành ngực. Sau khi hội chẩn các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật nội soi lấy dị vật ra khỏi lồng ngực của bé.
Ca phẫu thuật nội soi gắp dị vật được tiến hành ngay, sau hơn 10 phút làm thủ thuật, chiếc đinh ghim nằm trong phế quản gốc trái của bé T đã được bác sĩ lấy ra.
Rất may được kịp thời cứu chữa nên không nguy hại đến tính mạng của bé. Hiện sức khỏe bé đã ổn định và đã được ra viện.
Dị vật được nhìn thấy trên phim chụp...
..và sau khi được lấy ra.
Theo người nhà bệnh nhân, chiều ngày 17/5, trong lúc chơi đùa với em gái ở nhà, bé T. nhặt được chiếc đinh ghim nên cho vào miệng và sơ ý nuốt phải.
Sau tai nạn, bé ho sặc sụa, khạc ra máu, nôn nhiều, người nhà đưa đến bệnh viện đa khoa Mộc Châu (Sơn La) khám. Sau khi chụp X-quang các bác sĩ xác định lồng ngực cháu bé có dị vật hình đinh ghim nên đã chuyển bé T. tới Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi và tiếp tục điều trị.
Ths.Bs Lê Thanh Chương – Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hóc dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ. Cùng thời điểm bé T. nhập viện, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 1 tuổi, người Úc bị hóc dị vật là hạt ngô ở trong khí quản.
BS Chương khuyến cáo, mọi lứa tuổi đều có thể bị dị vật đường thở, hay gặp nhất là trẻ dưới 4 tuổi. Khi bị sặc, hóc dị vật, nếu để lâu có thể dẫn đến tình trạng ho ra máu, gây viêm nhiễm hoặc áp xe quanh dị vật. Nguy hiểm hơn, khi bị sặc, dị vật chui vào đường thở, có thể bịt đường thở, gây suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong.
“Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện do hóc dị vật, có tuần tới 4-5 ca… Dị vật thường là đồng xu, đồ chơi, cúc áo, bi sắt, đồ ăn. Đặc biệt một số trường hợp trẻ nuốt phải các vật sắc nhọn như đinh vít, đinh ghim… đe dọa gây thủng thực quản gây nguy hiểm đến tính mạng”, BS Chương thông tin.
Do vậy, trong trường hợp bị sặc, nhất là đối với trẻ nhỏ, nếu có biểu hiện tím tái, khó thở thì phải tiến hành cấp cứu ngay tại chỗ bằng thủ thuật dùng tay ép chặt vào bụng nhằm tạo một áp lực mạnh trong đường dẫn khí để đẩy dị vật ra khỏi đường hô hấp. Sau đó, phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị kịp thời.