Bé gái bị dị ứng mũi nghiêm trọng, khuôn mặt sưng vù lên nhưng không biết nguyên nhân tại sao cho đến khi người mẹ phá vỡ bức tường trong phòng ngủ.
Mỗi khi thay đổi mùa, trẻ em rất dễ bị dị ứng gây hắt hơi dữ dội, chảy nước mũi, ngứa mắt, dụi mắt, gây sưng mắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
Một bé gái 7 tuổi được mẹ đưa tới bệnh viện gặp bác sĩ Wu Zhaokan vì bị dị ứng mũi nghiêm trọng. Vì nghẹt mũi nên cô bé phải thở bằng đường miệng nên miệng rất hôi. Mỗi khi cơn dị ứng bùng phát, bé gái lại hắt hơi dữ dội, mắt ngứa ngáy và sưng lên khiến cô bé bị bạn bè chế giễu.
Mẹ bé gái cho biết bất cứ khi nào con gái lên giường ngủ thì bắt đầu chảy nước mắt, nước mũi và hắt hơi. Vì ngứa mắt nên cô bé dụi rất nhiều, khiến mắt sưng vù.
Bé gái bị dị ứng nghiêm trọng, mắt sưng vù, hắt hơi liên tục mà không rõ nguyên nhân. (Ảnh minh họa)
Đầu tiên, bác sĩ hỏi mẹ bé gái về thói quen sinh hoạt và sắp xếp xét nghiệm chất gây dị ứng. Đồng thời, đề nghị gia đình thường xuyên vệ sinh ga, gối, chăn và thay chăn ga 2 tuần một lần. Tốt nhất sử dụng thêm máy làm sạch không khí và kê toa thuốc kháng histamine và steroid cho bé gái. Ngoài ra, bác sĩ còn khuyên người mẹ rửa mũi cho con để hiệu quả tốt hơn.
Sau một tuần, kết quả thử nghiệm chất gây dị ứng cho thấy tỷ lệ hải sản, da động vật, mạt bụi,... không cao. Thay vào đó, giá trị của "nấm mốc" lại tăng vọt nên bác sĩ Wu Zhaokan đã nhắc nhở người mẹ dọn dẹp nhà. Lúc này, bác sĩ mới biết nhà của cô bé là một ký túc xá cũ do công ty phân bổ. Mỗi tuần, nhân viên dọn dẹp sẽ đến nhà để dọn dẹp nên người mẹ không hiểu tại sao căn nhà của cô lại có vấn đề.
Sau khi uống thuốc được hai tuần, các triệu chứng của bé gái không biến mất. Người mẹ cho hay các triệu chứng của con gái đã lặp đi lặp lại và còn nặng hơn. Người mẹ lúc này đột nhiên nhớ ra giường ngủ của con gái gần nhà vệ sinh.
Bức tường cạnh giường ngủ liên tục bị thấm nước từ nhà vệ sinh tầng trên là nguyên nhân gây dị ứng cho bé gái. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Wu Zhaokuan ngay lập tức cảm thấy có vấn đề với bức tường bên cạnh nhà vệ sinh nên yêu cầu người mẹ về kiểm tra. Người mẹ làm theo lời khuyên của bác sĩ và phát hiện có nước ở dưới giường ngủ của con gái rất hôi. Người mẹ mới gọi thợ đến nhà và phát hiện ra rằng sàn nhà bên trên bị nứt, khiến nước nhà vệ sinh bị rò rỉ.
"Mỗi khi nhà vệ sinh tầng trên xả nước, nước sẽ từ từ chảy xuống, nước này có chứa chất thải ngấm vào tường nhà vệ sinh nên tạo thành môi trường sống cho nấm mốc, vi khuẩn. Bé gái ngủ ngay cạnh nhà vệ sinh hàng ngày tiếp xúc mà không biết nên đã bị dị ứng", bác sĩ Wu Zhaokan giải thích.
Cuối cùng khi đã tìm ra nguyên nhân, bác sĩ đã có phương hướng điều trị phù hợp và gia đình bé gái cũng cải tạo lại căn nhà.
Bác sĩ Wu Zhaokuan chỉ ra rằng các triệu chứng phổ biến của viêm mũi dị ứng là ngứa mắt, mắt đỏ, chảy nước mắt, chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa họng, ho, quầng thâm, đau đầu và khứu giác không nhạy cảm.
Mặc dù những triệu chứng này không đe dọa đến tính mạng, nhưng chúng có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, giấc ngủ. Điều trị y tế nhiều lần có thể dễ dàng khiến các thành viên gia đình và trẻ em cảm thấy thất vọng và lo lắng.
Các nguyên nhân gây dị ứng thường gặp
Dị ứng mạt bụi nhà: Mạt bụi nhà gây dị ứng cho con người chính là những hạt phân và các chất tiết của con mạt nhà. Một con mạt nhà có thể sản xuất 20 hạt phân mỗi ngày. Các hạt phân và chất tiết này rất nhẹ, có thể bay lơ lửng trong không khí, nên con người có thể dễ dàng tiếp xúc bằng cách hít phải qua đường hô hấp, từ đó gây khởi phát nên các triệu chứng của bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng…
Dị ứng gián: Ở những nơi gián xuất hiện và di chuyển qua, thường sẽ để lại những chất tiết, phân của gián. Chính những thành phần này sẽ gây dị ứng cho con người khi tiếp xúc phải. Biểu hiện dị ứng với chất tiết, phân của gián bao gồm như: ho, khò khè, khó thở, xuất hiện cơn hen hay ngứa da, ngứa mắt, ngứa mũi…
Dị ứng lông súc vật và chất tiết: Nước bọt, lông và những vảy gàu nhỏ của chó, mèo rất bám dính. Chúng rơi ra và bám vào người, quần áo, thảm, ghế nệm, ghế salon và các vật dụng trong nhà. Ngoài ra, chúng cũng có thể lơ lửng trong không khí. Với những người có cơ địa mẫn cảm, khi các dị nguyên này tiếp xúc với cơ thể do hít phải hoặc thông qua niêm mạc mắt, mũi, sẽ gây ra các biểu hiện bệnh dị ứng.
Có rất nhiều nguyên nhân gây dị ứng như mạt bụi, lông chó mèo, phấn hoa,... (Ảnh minh họa)
Dị ứng nấm mốc: Nấm mốc, bào tử của nấm mốc có ở khắp nơi trong không khí, phổ biến ở những nơi ẩm ướt, nơi không được vệ sinh, lau dọn thường xuyên như: hốc kẹt, tầng hầm, phòng tắm, nhà vệ sinh… Ngoài trời, nấm mốc có thể sống trong đất, các thảm thực vật ẩm ướt. Những nấm mốc và bào tử của nấm có kích thước rất nhỏ, mắt thường không thể nhận biết được. Vì vậy, khi con người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với chúng, có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng của dị ứng.
Dị ứng phấn hoa: Hạt phấn hoa rất nhỏ, mắt thường khó có thể nhìn thấy, bay lơ lửng trong không khí. Đặc biệt ở những vùng miền có trồng nhiều loại hoa cỏ, số lượng phấn hoa là rất lớn. Khi người có cơ địa mẫn cảm tiếp xúc với các hạt phấn hoa sẽ có thể khởi phát lên các triệu chứng dị ứng như ngứa mắt, ngứa mũi, ho, hắt hơi, sỗ mũi, chảy nước mũi, khò khè, khó thở v.v..
Dị ứng thức ăn: Hiện nay, một số thống kê cho thấy bệnh nhân dị ứng thức ăn ngày càng gia tăng, tỷ lệ dị ứng ước tính dao động trong khoảng 8% ở trẻ em dưới 3 tuổi và khoảng 5% ở người lớn. Những món ăn hằng ngày của chúng ta, tưởng chừng như bình thường nhưng lại hoàn toàn có thể gây các tình trạng dị ứng với các biểu hiện khác nhau như: nhẹ thì ngứa da, nổi mẩn đỏ ở da, hoặc kích phát lên cơn hen với các triệu chứng khò khè, khó thở hoặc nặng nhất là tình trạng sốc phản vệ, có thể đe dọa tính mạng.. Các thức ăn thường dễ gây dị ứng cho con người bao gồm: hải sản (tôm, cua, cá biển, sò ốc…), thịt bò, thịt gà, đậu phộng, đậu nành, bột mì…