Bé trai 4 tuổi đuối nước ở Thanh Hà: 5 bước sơ cứu chính xác nhất tránh mất mạng

Ngày 14/06/2019 12:33 PM (GMT+7)

Nếu không nắm được các phương pháp sơ cứu trẻ bị đuối nước thì rất dễ khiến trẻ tử vong nhanh hơn, hoặc có cứu được cũng để lại di chứng lâu dài.

Mới đây, sự việc một cháu bé 4 tuổi bị đuối nước sau đó tử vong ở Công viên nước Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) khiến không ít người hoang mang, lo lắng. Đặc biệt, đây lại là thời điểm học sinh được nghỉ hè nên các hoạt động vui chơi, trong đó có bơi lội diễn ra thường xuyên hơn, vì thế nguy cơ trẻ bị đuối nước cũng cao hơn.

Theo số liệu công bố của cơ quan chức năng tại lễ phát động "Phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến đuối nước cho trẻ em, học sinh trong mùa mưa lũ" vừa diễn ra vào ngày 3/6/2019 cho thấy, số trẻ em Việt Nam thiệt mạng do đuối nước dù đã giảm nhưng vẫn ở mức rất cao, khoảng 2.000 trẻ em/năm.

Con số đau lòng này cao gấp 10 lần so các nước phát triển, cao hơn 5 lần các nước ASEAN. Đây là hồi chuông báo động về tình trạng đuối nước, nhất là trong dịp nghỉ hè ở nước ta.

Bé trai 4 tuổi đuối nước ở Thanh Hà: 5 bước sơ cứu chính xác nhất tránh mất mạng - 1

Bé trai đuối nước thương tâm ở công viên nước Thanh Hà.

Quay trở lại với trường hợp bé trai 4 tuổi vừa bị đuối nước ngày 12/6 ở công viên nước Thanh Hà, theo thông tin ban đầu khi phát hiện bị đuối nước các cháu đã được đưa lên bờ và được sơ cứu, sau đó có tỉnh lại. Tuy nhiên, khi đưa đi cấp cứu do tình trạng quá nặng cháu bé đã tử vong vào sáng ngày hôm sau.

Từ những trường hợp trẻ bị đuối nước thương tâm xảy ra, các bác sĩ cho rằng những trẻ tử vong khi bị đuối nước đa số là không được cứu vớt kịp thời hoặc khi cứu vớt được thì lại sơ cứu sai cách.

Ths.BS Phạm Ngọc Toàn – Khoa Cấp cứu chống độc (BV Nhi Trung ương) cho biết, thực tế cho thấy rất nhiều trẻ bị đuối nước khi được vớt lên bờ người lớn thường dốc ngược hoặc vác, chạy nhằm cho nước ra ngoài... Tuy nhiên, đó là cách sơ cứu hoàn toàn sai lầm. Khi trẻ bị đuối nước, BS Toàn khuyên người dân cần phải làm theo các bước sau:

Bước 1: Đưa nạn nhân ra khỏi nước. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.

Bước 2: Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Gọi hỏi nạn nhân xem còn tỉnh táo hay không. Đồng thời, gọi người đến hỗ trợ cấp cứu.

Bước 3: Bắt mạch nạn nhân ở tay, cổ hoặc bẹn của nạn nhân, kiểm tra bệnh nhân còn thở hay không bằng cách áp tai vào miệng và quan sát lồng ngực..

Bé trai 4 tuổi đuối nước ở Thanh Hà: 5 bước sơ cứu chính xác nhất tránh mất mạng - 2

Sơ cứu đúng cách sẽ gành lại được sự sống cho trẻ.

Bước 4: Dùng 2 tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.

Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.

Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Bước 5: Tiếp tục bắt mạch, nếu nạn nhân tỉnh lại, cho nạn nhân nằm nghiêng để đẩy nước và dị vật còn sót ra ngoài, sau đố chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục cấp cứu. Trường hợp nạn nhân chưa tỉnh, tiếp tục thực hiện các biện pháp hà hơi, ép tim ngoài lồng ngực trong lúc chờ các cán bộ y tế tới.

Cấp cứu tai nạn đuối nước
Tai nạn đuối nước thường xảy ra do người không biết bơi ngã xuống nước, bị đuối sức do phải dầm người trong mưa, gió lạnh, đói, cơ thể mất nhiệt do...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ em chết đuối