Chỉ trong vòng 1 tuần, có đến 4 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch trong tình trạng đuối nước, đáng nói là việc sơ cứu sai cách khiến trẻ bệnh càng nặng thêm.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong tuần nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, liên tục có 4 trẻ nhập viện do bị đuối nước trong tình trạng nguy kich. TS. BS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Nhi Trung ương) cho biết, cả 4 trường hợp đều rất nặng, nhập viện và phải thở máy, hiện có trường hợp vẫn chưa được rút máy thở.
Không chỉ có 4 trường hợp trên, từ đầu hè đến nay khoa còn tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhi khác, các trẻ đều trong độ tuổi còn rất nhỏ, đuối nước khi đi chơi gần ao hồ, hoặc đi bơi.
BS Tạ Anh Tuấn đang thăm khám cho một bé gái bị đuối nước.
Điển hình như trường hợp một bé gái 4 tuổi, ở Bắc Giang khi ra ao nước chơi cùng các anh chị lớn tuổi, bị trượt chân ngã xuống ao, sau đó dù được phát hiện và đưa lên kịp thời, nhưng do sơ cứu sai cách nên tình trạng càng nặng thêm.
Theo TS Anh Tuấn, việc sơ cứu đuối nước sai cách, khiến nước sặc vào phổi hoặc lên não rất nguy hiểm. “Khi các cháu bị đuối nước được phát hiện, thông thường người dân thường bế sốc đứa trẻ lên, dốc ngược đầu các cháu xuống rồi chạy, hoặc quay các cháu… đấy là hành động rất nguy hiểm, khiến tình trạng của trẻ ngày càng nặng thêm.
Bởi khi làm vậy, các dịch ở đường hô hấp sẽ trào ngược và đứa trẻ hít vào sẽ gây sặc, đặc biệt là khi hít các dị vật, thức ăn vào phổi sẽ khiến tình trạng vô cùng nguy cấp”, BS Tuấn Anh khuyến cáo.
Một trường hợp bệnh nhi đi bơi ở hồ bị đuối nước đang điều trị tại BV Nhi Trung ương.
TS Anh Tuấn cho rằng, sau khi cứu được trẻ bị đưới nước, tuyệt đối không bế, vác hoặc dốc đầu trẻ xuống, mà cần để trẻ nằm một chỗ, sau đó tiến hành hô hấp nhân tạo.
“Nếu thấy trẻ có dị vật ở đường hô hấp cần phải lau thật sạch, sau đó đánh giá xem đứa trẻ có tỉnh hay không tỉnh.
Nếu khi hỏi trẻ không phản ứng, phải tiến hành bắt mạch để đánh giá tình trạng trẻ. Nếu bệnh nhân không thở phải tiến hành hô hấp nhân tạo (hà hơi, thổi ngạt) và ép tim theo chu kỳ, cứ 2 lần thổi ngạt là 15 lần ép tim, làm liên tục như vậy trong hoảng 1-2 phút với 5-6 chu kỳ.
Khi trẻ có dấu hiệu tỉnh lại nhanh chóng đưa trẻ đi đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời”, BS Anh Tuấn nói.
Để hạn chế tình trạng đuối nước xảy ra, BS Tuấn Anh khuyên các gia đình nên chú ý đến trẻ nhỏ, nhất là ở thời điểm mùa hè như hiện nay. Ngoài ra, các nhà trường nên dạy trẻ bơi lội trong chương trình học tập, bởi khi trẻ biết bơi sẽ hạn chế được tình trạng đuối nước.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn 2010-2013, trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi bị tử vong do đuối nước. Năm 2016, có 1.900 trẻ em tử vong do đuối nước, theo ghi nhận ở 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em về các nguy cơ gây đuối nước còn hạn chế, chưa quan tâm đến công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Ngoài ra, việc nhiều gia đình giám sát, trông giữ trẻ nhỏ còn chưa tốt; nhiều thanh thiếu niên chưa biết bơi và chưa có kỹ năng an toàn trong môi trường nước… cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ đuối nước ở Việt Nam thuộc tốp cao nhất trong khu vực.