Các bác sĩ tại Cameroon, phía tây châu Phi, đã báo cáo lại trường hợp của một cậu bé 4 tuổi sống tại Phân khu Menchum, Tây Bắc đất nước về tình trạng mắc giun sán nghiêm trọng.
Bé trai được nhập viện trong tình trạng đau dạ dày, nôn mửa, đầy bụng và táo bón nặng kéo dài trong suốt 6 tháng. Theo bác sĩ, cậu bé chưa từng được uống thuốc ngừa giun sán trước đây, và gia đình lại không đủ khả năng để đưa cậu đến bệnh viện gần nhất (cách 74km).
Các bác sĩ đã chẩn đoán bé trai mắc bệnh giun đũa – một loại bệnh nhiễm giun kí sinh ở ruột non. Họ tiến hành siêu âm ổ bụng và phát hiện ra “một đống thứ quằn quại”, chặn hoàn toàn ruột non của cậu bé. Ngay lập tức, một cuộc phẫu thuật được thực hiện và những thứ ấy hóa ra là những con giun đũa kí sinh trong cậu. Tiến sĩ Valiri Ndip Agbor, người dẫn đầu cuộc phẫu thuật, nói: “Bệnh nhân của chúng tôi đã 4 tuổi nhưng chưa bao giờ được tẩy giun kể từ khi sinh ra.” Cậu bé đã được cho về nhà sau 7 ngày, và các bác sĩ đã chuẩn bị thuốc tẩy giun cho cả gia đình cậu.
Theo các bác sĩ, bệnh nhiễm giun kí sinh phổ biến nhất trên thế giới, ảnh hưởng đến khoảng 800 triệu người, chủ yếu ở độ tuổi 2 đến 10. “Điều này sẽ dẫn đến khả năng phát triển mạnh của giun sán, và đỉnh điểm có thể là tắc ruột như trường hợp trên.”
“Trường hợp này là một hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc tẩy giun định kì (6 tháng/lần hoặc ít nhất là 1 năm/lần). Không chỉ loại bỏ giun trưởng thành, thuốc tẩy giun còn có khả năng loại bỏ cả trứng giun, giảm khả năng giun phát triển và ngăn ngừa sự xuất hiện của các biến chứng mãn tính khác đe dọa đến tính mạng. Nếu những con giun không được “trừ khử” sớm, chúng có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, các vấn đề về tăng trường thể chất, đặc biệt là về trí nhớ và khả năng não bộ”, các bác sĩ nói thêm.
Họ cũng lên tiếng về nạn đói nghèo và giáo dục sức khỏe kém, đã gây khó khăn cho việc kiểm soát sự lây lan của bệnh nhiễm trùng ở Cameroon.
Các bác sĩ thực hiện cuộc phẫu thuật đã viết một báo cáo trên Tạp chí Báo cáo về các trường hợp y tế: “Cộng động cần hiểu được tầm quan trọng của việc tẩy giun thường xuyên và thực hiện những hói quen lành mạnh như: đun sôi nước trước khi uống; rửa tay đúng cách với nước và xà phòng trước khi xử lí thực phẩm; rửa và nấu chín thực phẩm trước khi ăn.
Không khuyến khích sử dụng phân người làm phân bón trong các trang trại, đồng thời khuyến khích sử dụng nhà vệ sinh (tránh đại tiện mở), phát triển hệ thống xử lí nước thải động vật (đặc biệt là lợn).”
Bệnh giun đũa là gì?Đây là một bệnh nhiễm giun kí sinh ảnh hưởng đến con người, là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Khoảng 800 triệu đến 1,2 tỉ người trên toàn thế giới bị nhiễm giun kí sinh, hầu hết là ở các quốc gia nghèo và đang phát triển – nơi vấn đề vệ sinh không được đảm bảo, đồng thời nước, thực phẩm và đất có thể bị ô nhiễm do chất thải của con người. Trứng có thể lây truyền qua phân nếu con người đại tiện mở, không sử dụng nhà vệ sinh (khoảng 1/8 dân số thế giới làm điều này), hoặc nếu phân người được sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Trứng sau đó có thể trưởng thành thành giun trong cơ thể và sống trong hệ tiêu hóa, phát triển nhờ ăn thực phẩm mà con người ăn. Tình trạng tệ nhất sẽ xảy ra khi giun gây tắc nghẽn ruột, dẫn đến táo bón nghiêm trọng, suy dinh dưỡng và các vấn đề tăng trưởng ở trẻ em vì thiếu hụt chất dinh dưỡng. Các triệu chứng của bệnh giun đũa bao gồm: táo bón, nôn mửa, ốm yếu, đau bụng. |