Khi trẻ bị sốt, rất nhiều người dùng phương thức chà xát rượu lên cơ thể giúp trẻ hạ sốt. Tuy nhiên, phương pháp này có thực sự tốt không? Các chuyên gia cho rằng, đây là một phương pháp hạ sốt sai lầm, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh, rất dễ dẫn đến ngộ độc rượu.
Gần đây, một bé trai 9 tháng tuổi được gia đình đưa đến phòng cấp cứu của Khoa Nhi thuộc Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Phúc Điền (Trung Quốc). Khi em bé đến bệnh viện, sắc mặt đã xám xịt, và nhiệt độ cơ thể lên tới 40 độ C trong suốt quá trình phát bệnh. Vào thời điểm đó, phản ứng về tinh thần rất kém, chân tay lạnh, da xuất hiến các nốt đỏ, tiếng tim đập rất yếu, huyết áp thấp,…
Đứa trẻ 9 tháng tuổi đang được điều trị tại Bệnh viện Sức khỏe bà mẹ và trẻ em Phúc Điền
Bác sĩ ban đầu nhận định là do ngộ độc rượu cấp tính, suy tim, sốc và phù não. Bệnh tình vô cùng nguy hiểm. Các bác sĩ Khoa Nhi lập tức tiến hành cấp cứu, sau hàng loạt các cuộc cấp cứu như hồi sức tim phổi, đặt nội khí quản, chống sốc, thở máy và bảo vệ não, các dấu hiệu quan trọng của trẻ dần ổn định và chuyển sang an toàn.
Theo tìm hiểu được biết, đứa trẻ này đã sốt 3 ngày, trước đó đứa trẻ được đưa đến phòng khám tư nhân để điều trị, nhưng kết quả vẫn không khả quan, Lúc này cha mẹ tự dùng rượu trắng để chà lên toàn thân của đứa trẻ giúp hạ sốt, chà sát trong gần 2 tiếng, một chai rượu 500ml dùng hết 2/3, trong quá trình chà rượu lên cơ thể, đứa trẻ dần xuất hiện trạng thái buồn ngủ và ngay lập tức thần chí mơ hồ. Sau đó cha mẹ thấy tình trạng của đứa trẻ bất ổn, mới đưa cậu bé đến bệnh viện cấp cứu.
Dùng rượu chà lên cơ thể trẻ để hạ sốt sẽ gây những nguy hiểm lớn
Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Phúc Điền nhắc nhở rằng, trẻ em sau khi sốt dùng rượu để chà xát lên cơ thể, thực sự có thể làm giảm thân nhiệt, nhưng phương pháp làm này rất có hại đối với trẻ. Rượu bay hơi làm mát da, nhưng vì rượu hoạt động quá nhanh, nó có thể gây ra một số vấn đề. Nếu trẻ hạ thân nhiệt quá nhanh (ví dụ dùng rượu hoặc dùng nước lạnh), sẽ phản tác dụng.
Dùng rượu để chà sát lên cơ thể trẻ giúp hạ sốt không những không có tác dụng còn gây hại cho sức khỏe của trẻ
1. Gây ngộ độc rượu: Da của trẻ tương đối mỏng và mềm, và các mạch máu dưới da rất phong phú. Khi sốt thân nhiệt tăng cao, lỗ chân lông được mở ra và rượu sẽ càng dễ dàng hấp thụ qua da, khiến trẻ bị các triệu chứng ngộ độc rượu và thậm chí hôn mê.
2. Gây dị ứng rượu: Đối với người lớn cũng bị dị úng do rượu, chỉ cần uống một chút rượu mặt đã đỏ bừng, huống chi là trẻ nhỏ. Sau khi rượu tiêp xúc trực tiếp với da của trẻ, có thể dẫn đến phản ứng dị ứng toàn thân, như phát ban, nổi nốt đỏ, ngứa…
3. Gây ngừng tim đột ngột: Một số trẻ bị kích thích thần kinh do cồn trong rượu, gây ra phản xạ nhịp tim chậm, rung tâm thất và dẫn đến ngừng tim.
4. Khiến cho trẻ càng khó chịu hơn: Khi trẻ bị sốt, chắc chắn là không thoải mái. Lúc này, dùng rượu để hạ sốt càng khiến cho trẻ khó chịu hơn. Vì tốc độ bay hơi của rượu nhanh, nhiệt độ bề mặt cơ thể giảm nhanh, dễ khiến em bé đột ngột phải chống lại cảm giác lạnh, khiến cơn sốt nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ Hà Nhan Vũ, trưởng Khoa Cấp cứu thuộc Bệnh viện Nhi Thâm Quyến cho biết, bất luận là rượu công nghiệp hay là rượu dùng trong y tế đều không phù hợp để làm hạ thân nhiệt ở trẻ. Bình thường khi nhiệt độ cơ thể của trẻ vượt quá 38 ° C, cha mẹ có thể hạ sốt cho trẻ theo phương pháp vật lý như: mặc ít quần áo, đắp chăn mỏng, cho trẻ uống nhiều nước ấm, nhiệt độ trong phòng tương đối phù hợp, giúp trẻ tản nhiệt một cách tự nhiên, dùng nước ấm hoặc khăn ấm để lau toàn thân của trẻ, điều này giúp tăng nhanh tốc độ tản nhiệt của da.
Tuy nhiên, bác sĩ Hà còn nhắc nhở, muốn hạ sốt cho trẻ trước tiên nên lựa chọn thuốc hạ sốt, phương pháp hạ nhiệt vật lý cần phải thận trọng, nếu làm không đúng cách cũng dễ dẫn đến co mạch máu, còn làm tăng thêm tình trạng bệnh. Trẻ nhỏ không có cách nào để biểu đạt ngôn ngữ, tình trạng bệnh nghiêm trọng cha mẹ chưa chắc có thể phát hiện kịp thời những bất thường, do đó trẻ một khi đã bị sốt, ho, buồn nôn, tiêu chảy,… thì lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.