Gần đây một bác sĩ khoa Nhi ở Thượng Hải đã khám cho một cậu bé đã bị mù mắt phải. Thủ phạm chính là một thứ rất quen thuộc hay thấy trong các thực phẩm đóng gói.
Bà mẹ của cậu bé ở Hạ Môn, Trung Quốc sau sự việc đáng tiếc đã quyết định đăng tải câu chuyện để cảnh báo các bậc phụ huynh nên chú ý tới những thứ tưởng chừng như vô hại.
"Con trai tôi, Khả Khả năm nay 8 tuổi vừa mới học lớp 2. Vào ngày xảy ra sự việc, thằng bé vừa hoàn thành kì thi giữa kỳ với kết quả khá tốt nên tôi đã đi siêu thị mua một ít đồ ăn vặt mà con thích coi như là phần thưởng cho sự cố gắng của con.
Khi về nhà, Khả Khả ngồi trên ghế sofa ăn đồ ăn vặt và xem hoạt hình còn tôi thì nấu nướng trong bếp. Khoảng 15 phút sau, tôi nghe thấy tiếng con hét thất thanh ngoài phòng khách và vội vàng chạy ra.
Trước mắt tôi là cảnh tượng con trai đang nheo một bên mắt và ngã lăn ra đất, khóc trong đau đớn. Trên mặt đất là một chai nước uống đã biến dạng, sàn nhà thì đầy nước.
Cậu bé Khả Khả, 8 tuổi bị tổn thương mắt phải do gói hút ẩm dạng bột.
Tôi ngay lập tức bế con xuống và gọi taxi đi tới bệnh viện gần nhất, cách nhà khoảng 20 phút. Tuy nhiên tôi đã không thể ngờ rằng chỉ trong 20 phút, mắt phải của Khả Khả đã bị phá hủy hoàn toàn.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ nói với tôi rằng mắt phải của Khả Khả đã bị xói mòn do chất lỏng kiềm, toàn bộ nhãn cầu bị tổn thương nghiêm trọng và con trai tôi sẽ bị mù mắt phải tới suốt đời mà không cách nào cứu chữa.
Khi bác sĩ hỏi tại sao con trai tôi lại bị thương nghiêm trọng như vậy, thằng bé mới kể lại sau khi ăn xong gói snack thì thấy có một túi nhỏ bên trong. Vì không biết là gì nên thằng bé đã đưa lên mũi ngửi thử. Sau đó thằng bé cho túi nhỏ vào trong chai nước uống, bất ngờ chai nước phát nổ, một vật lạ đã bắn thẳng vào mắt khiến mắt như bị đốt cháy rất đau đớn.
Hóa ra túi nhỏ mà Khả Khả nhắc tới chính là gói hút ẩm thực phẩm. Là một người mẹ, tôi rất hối hận về sự thiếu hiểu biết và sơ suất của bản thân. Trước đây tôi chỉ biết rằng gói hút ẩm không thể ăn được nhưng không ngờ nó có thể gây nguy hiểm tới vậy.
Khả Khả mới chỉ 8 tuổi, thằng bé rất thông minh, năng động nhưng giờ đây nó sẽ vĩnh viễn mất một bên mắt. Tôi phải làm gì cho tương lai của thằng bé bây giờ?”
Thực tế đã có không ít trường hợp trẻ em bị thương vì gói hút ẩm. Năm 2011, một học sinh học trung học tại tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) đã cho gói hút ẩm vào cốc nhiệt. Không lâu sau, chiếc cốc đột nhiên phát nổ khiến mắt phải của học sinh bị mù.
Năm 2015, một đứa trẻ 5 tuổi ở tỉnh Giang Tây đã vô tình làm văng hạt hút ẩm vào mắt gây bỏng và nhiễm trùng mắt, suy giảm thị lực vĩnh viễn.
Chất hút ẩm phát nổ thế nào?
Chất hút ẩm phổ biến trong cuộc sống là hạt chống ẩm silicagel, đất sét montmorillonite, hợp chất canxi oxit,...
Ngày nay, mọi người chủ yếu dùng hạt chống ẩm silicagel - cấu tạo từ silic được sản xuất từ Natri silicat và axit sulfuric. Dù không có độc nhưng chất này có đặc tính là hút ẩm rất mạnh. Nếu không may trẻ nuốt hoặc bắn vào mắt có thể gây nguy hiểm.
Còn trong trường hợp của Khả Khả, chất hút ẩm là hợp chất canxi oxit (vôi sống) có thể xảy ra phản ứng hóa học với nước để sản xuất canxi hydroxit, và giải phóng một lượng nhiệt lớn.
Gói hút ẩm dạng bột từ canxi oxit khá nguy hiểm.
Do các bao bì thực phẩm thường có độ ẩm thấp nên chất hút ẩm không bị thay đổi nhiều nhưng nếu cho vào một chai nhựa chứa nước đóng kín sẽ dẫn đến việc không khí trong bình tăng nhanh chóng, vượt quá khả năng chịu áp lực của chai và gây nổ. Và khi nổ, nước trong chai lúc này phản ứng với chất hút ẩm tạo thành canxi hydroxit, chất lỏng có tình kiềm mạnh có thể ăn mòn. Nếu chất lỏng này bắn vào cơ thể sẽ gây ra tổn thương.
Thí nghiệm cho gói hút ẩm dạng bột canxi oxit vào chai nước đóng kín.
Vì gói hút ẩm được sử dụng khá rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm, y học, thời trang, dệt may, thiết bị điện,… nên các gia đình cần hết sức lưu ý nên để các vật này tránh xa tầm tay của trẻ.
Cách xử lý khi trẻ gặp phải tai nạn với gói hút ẩm
- Sau khi bị thương cần rửa sạch với nước trong khoảng 15 phút và mau chóng đưa tới bệnh viện.
- Nếu vết bỏng trên mắt cần xả nước lên mắt trong khoảng 30 phút, và đưa tới bệnh viện điều trị.
- Nếu vô tình ăn phải gói hút ẩm, nó có khả năng sẽ đốt cháy đường tiêu hóa. Trong trường hợp này hãy ngay lập tức uống nước nhưng không vượt quá 200ml và mau chóng đưa nạn nhân tới viện.