Đánh thức con dậy buổi sáng, mẹ bé N.V.T.N, một tuổi, ở TP.HCM phát hiện bé bị cảm, sổ mũi, miệng méo xệch sang trái, liền đưa con tới khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3.
Ngày 16/8, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé T.N bị liệt dây thần kinh số 7 do thời tiết giao mùa, đêm ngủ bị quạt thổi vào vùng gáy.
Theo lời mẹ bệnh nhi, đêm trước đó, chị cho quạt thổi trực tiếp vào vùng mặt, đầu gáy để con mát, đỡ mồ hôi. Không ngờ sáng hôm sau phát hiện nửa mặt con bị liệt, miệng méo.
Bes T.N bị méo miệng sau khi nằm quạt thốc vào gáy và được châm cứu bấm huyệt tại BV Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: BSCC.
Sau 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM bằng phương pháp xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, sức khỏe của bé T.N đã hồi phục.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hay liệt mặt nguyên phát là liệt ngoại biên toàn bộ nửa bên mặt, có thể là bên trái hoặc bên phải. Nguyên nhân bên ngoài thường là phong hàn (gió lạnh), phong nhiệt (gió nóng hay sốt nóng, nhất là viêm tai giữa…), do khí huyết ứ trệ (chấn thương vùng đầu, chảy máu tai)… Đối chiếu với trường hợp bé trai một tuổi trên thì có khả năng trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do phòng Hàn (gió lạnh từ quạt).
Bác sĩ cho biết, do cơ chế gây bệnh chưa rõ nên việc điều trị chủ yếu là giải quyết triệu chứng. Phần lớn những trường hợp liệt mặt ngoại biên có thể áp dụng phương pháp trị liệu bằng xoa bóp bấm huyệt, châm cứu và tập luyện cơ mặt...
Để phòng tránh liệt dây thần kinh số 7 cũng như bảo vệ sức khỏe trẻ nói chung, bác sĩ cảnh báo, trong điều kiện thời tiết thất thường giai đoạn giao mùa hiện nay, khi sử dụng quạt, điều hòa, cha mẹ chú ý không để hướng gió thốc thẳng vào mặt đầu trẻ hay bật máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp.