Sau khi nằm ườn trên ghế suốt mấy tiếng đồng hồ, anh Lí ở Giang Tô (Trung Quốc) đột nhiên không thể đứng dậy được.
Anh Lí, 39 tuổi đến từ Giang Tô, Trung Quốc là một người nghiện điện thoại. Gần như cả một ngày, anh đều không rời khỏi chiếc điện thoại cho tới tận lúc ngủ. Đặc biệt anh Lí thường rất thích ngồi ngả người trên ghế sofa và nghịch điện thoại mà không chú ý tới tư thế.
Sau một lần ngồi ngả người trên ghế chơi điện thoại, anh Lí đột nhiên không đứng dậy nổi và thấy khó thở. Gia đình đã đưa anh tới bệnh viện, bác sĩ sau khi kiểm tra nhận định anh bị liệt nửa người. Phim chụp X-quang sau đó cho thấy anh có dấu hiệu bị thoát vị đĩa đệm, tủy sống bị chèn ép quá mức, các dây thần kinh cột sống cũng có vấn đề.
May mắn thay, anh Li đã được điều trị kịp thời nên đã hồi phục tốt sau ca phẫu thuật và có thể xuất viện sau một tuần. Anh Lí sau sự việc này cũng rất hối hận: “Tôi không ngờ thói quen nằm dài trên ghế chơi điện thoại của tôi lại gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy. Tôi biết cũng có không ít người phạm phải giống mình.”
Các bác sĩ cảnh báo mọi người nên chú ý tới tư thế nằm, ngồi để kịp thời sửa những thói quen xấu và không nằm xem điện thoại trong thời gian dài.
Đã có rất nhiều trường hợp gặp nạn vì thói quen sử dụng điện thoại quá nhiều như cô nàng “siêu vòng 3” Kim Kardashian đã từng phải đến gặp bác sĩ khi bị đau cổ tay. Kết luận của bác sĩ là cô nên hạn chế lại thói quen chụp ảnh tự sướng bằng điện thoại vì việc giữ điện thoại ở một vị trí cố định trong thời gian dài đã ảnh hưởng tới cổ tay của cô.
Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình ở San Francisco, Levi Harrison nói với phóng viên ABC7 TV cũng cho biết anh đã xử lý nhiều trường hợp mắc vấn đề y như cô nàng Kim vì sở thích chụp ảnh tự sướng và đặt hẹn giờ. Điều này xảy ra khi bệnh nhân muốn có một góc chụp hoàn hảo thường uốn cong cổ tay.
Sử dụng điện thoại di động có thể ảnh hưởng tới cột sống như thế nào?
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm phục hồi và phẫu thuật cột sống New York (Mỹ) đã tiến hành đo sức nặng đè lên đốt sống cổ ở các góc độ khác nhau khi sử dụng điện thoại. Kết quả cho thấy nếu người dùng lười nhấc điện thoại lên và cúi xuống một góc 60 độ thì sức ép sẽ tương đương với việc cõng một đứa trẻ 7 tuổi nặng 27 kg (60 lbs) trên vai.
Trung bình mọi người dành 2-4 tiếng mỗi ngày để nhìn màn hình điện thoại. Điều này đồng nghĩa với 700-1.400 tiếng mỗi năm họ đang tự tăng áp lực lên cột sống, nâng nguy cơ đối mặt với những vấn đề như thoái hóa đốt sống cổ.
"Khi bạn cúi cằm trong một thời gian dài, bạn đang làm dãn cấu trúc xương. Kết hợp với việc không thường xuyên tập thể dục, điều này sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng", chuyên gia vật lý trị liệu Sammy Margo cho biết.
Ngoài ra, nếu bạn vừa nằm trên giường hay trên ghế vừa sử dụng điện thoại nếu không đúng tư thế sẽ có thể dẫn tới tình trạng cong vẹo cột sống, gây thoái hóa.
Vì vậy, khi nằm sử dụng điện thoại, hãy giữ cho cổ và cột sống thẳng, không nằm nghiêng hoặc nằm sấp khi xem điện thoại vì sẽ gây khó khăn cho quá trình tuần hoàn máu ở não và tay. Nếu máu không lưu thông được tốt sẽ không cung cấp đủ cho các bộ phận, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Các bác sĩ tin rằng lời khuyên tốt nhất là giảm tần suất sử dụng điện thoại xuống, đồng thời tăng cường các đợt nghỉ trong khi sử dụng. Ngoài ra, hãy chăm tập các bài giúp cải thiện sức mạnh cơ cổ và vai.