Mới đây một người dùng Facebook tên Bumm Montira đã đăng tải hình ảnh cậu con trai của anh đang nằm trên giường với phần khăn quấn kín quanh cổ kèm theo lời cảnh báo “đừng cho trẻ tới gần điện thoại.”
Theo như chia sẻ trên mạng xã hội của người cha, sau khi học xong trên trường, cậu con trai 12 tuổi của anh đã lấy điện thoại ra chơi và nghịch máy tính liên tục 5- 6 tiếng đồng hồ. Đến ngày 18/8, cậu bé bắt đầu kêu nhức đầu và bị sốt, gia đình đã mua thuốc cho con trai uống. Mặc dù sau đó cơn sốt biến mất nhưng cơn đau vẫn còn.
Đến ngày 22/8, cậu bé lại than phiền đau đầu cổ dữ dội và thậm chí còn nôn mửa. Gia đình mau chóng đưa con tới bệnh viện, kết luận của bác sĩ cho thấy cậu bé mắc hội chứng của dân văn phòng. Cha mẹ cậu sau khi nghe tin rất sốc bởi cậu bé mới chỉ là một đứa trẻ, chưa hề đi làm sao lại mắc bệnh của người lớn.
Theo giải thích của bác sĩ căn bệnh cậu bé mắc phải thường gặp ở những người dành phần lớn thời gian ngồi làm việc trước máy tính. Lúc này, người cha mới nhận ra sai lầm khi thường xuyên để con trai chơi máy tính, điện thoại. Anh đã nghĩ rằng đó là cách để giúp con giải trí và tránh làm phiền khi cha mẹ đang bận rộn lo công việc.
Sau khi đứa trẻ nhập viện các bác sĩ đã tiến hành massage cổ và các biện pháp điều trị khác giúp cậu bé dần phục hồi. Bác sĩ cũng khuyên các bậc phụ huynh nên kiểm soát việc sử dụng điện thoại, máy tính của con trẻ, không nên chơi quá 1 tiếng mỗi ngày. Khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao.
Bác sĩ Yongyuth Wongpiromsarn - Cố vấn cho Sở Sức khỏe tâm thần cho biết các triệu chứng của hội chứng văn phòng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trong trường hợp này, đứa trẻ do chơi điện thoại và máy tính trong một thời gian dài. Vì vậy, nó ảnh hưởng đến các cơ bắp. Việc sử dụng điện thoại, máy tính quá nhiều còn có thể ảnh hưởng đến thị lực.
Ngoài ra trẻ em dùng điện thoại quá nhiều sẽ khiến đứa trẻ dễ mắc bệnh ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) khiến trẻ chậm phát triển, có xu hướng bạo lực.