Tiểu đường là bệnh lý nội khoa khá phổ biến liên quan đến lượng đường quá cao trong máu, bệnh thường xảy ra ở cả nam và nữ, nhóm người cao tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn.
Bệnh tiểu đường hay còn được gọi là đái tháo đường, là một căn bệnh mãn tính, biểu hiện rõ nhất khi mắc bệnh là lượng đường trong máu ở mức cao hơn bình thường. Lý do là bởi cơ thể của bệnh nhân bị thiếu hụt hoặc kháng với insulin dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.
Khi đã mắc bệnh, các chất bột, đường từ thực phẩm ăn hàng ngày không thể chuyển hóa một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng, từ đó dẫn đến lượng đường dần tích tụ trong máu. Nếu xảy ra thường xuyên và ở mức cao rất dễ làm tăng nguy cơ bị các bệnh về đường tim mạch, gây tổn thương ở các cơ quan khác như thận, thần kinh, mắt và một vài bệnh lý nghiêm trọng khác.
Tiểu đường là bệnh lý khá phổ biến
Triệu chứng của bệnh tiểu đường
- Bệnh tiểu đường type 1
Tiểu đường type 1 hay còn được gọi là chứng rối loạn tự miễn. Ở giai đoạn này, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công các tế bào tuyến tụy thay vì những yếu tố khác bên ngoài. Điều đó gây ra thiếu hụt insulin và tăng lượng đường huyết.
Với tiểu đường type 1, các dấu hiệu mắc bệnh thường xuất hiện sớm ở độ tuổi vị thành niên hoặc trẻ nhỏ.
- Bệnh tiểu đường type 2
Đây là loại tiểu đường phổ biến nhất, chiếm tới 90-95% tổng số bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Giai đoạn này còn được gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin. Đa số bệnh nhân giai đoạn này đều ở tuổi trưởng thành, tuy nhiên do tỉ lệ người bị béo phì ngày một tăng cao nên bệnh đã xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi và vị thành niên.
Khi mắc bệnh tiểu đường type 2, các tế bào của bạn trở nên đề kháng với insulin, tuyến tụy không thể tạo ra đủ lượng insulin cần thiết để chống lại sự đề kháng này. Đường sẽ tích tụ trong máu của bạn thay vì chuyển vào các tế bào để tạo ra năng lượng.
- Tiểu đường thai kỳ
Là loại tiểu đường chỉ xảy ra ở phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, tiểu đường thai kỳ thường sẽ biến mất sau khi chuyển dạ.
Bệnh tiểu đường có lây không?
Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường không phải do virus, vi khuẩn hay nấm gây ra, chính vì vậy, bệnh không có sự lây lan từ người này qua người khác. Bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi tiếp xúc với những người mắc bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu thì bệnh tiểu đường có liên quan đến di truyền. Những người có cha mẹ, ông bà bị tiểu đường sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Biến chứng của bệnh tiểu đường
Khi mắc bệnh tiểu đường, nếu không điều trị kịp thời và hiệu quả sẽ rất dễ dẫn đến biến chứng. Biến chứng của bệnh được chia thành 2 loại: Mãn tính và cấp tính.
Bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng
- Các biến chứng mãn tính: Là biến chứng do lượng đường trong máu tăng cao mãn tính, các chất đường, béo và đạm bị rối loạn chuyển hóa gây ra suy giảm chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể:
+ Biến chứng về tim mạch: Khi bị biến chứng tiểu đường, bạn có thể mắc một số loại bệnh về tim mạch như huyết áp cao, tăng mỡ máu, xơ động mạch ngoại vi gây tắc mạch.
+ Biến chứng mắt: Lượng đường huyết tăng cao có thể làm hệ thống mao mạch ở đáy mắt bị tổn thương. Về lâu dài, thị lực của người bệnh có thể bị suy giảm, nghiêm trọng hơn là dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số biến chứng khác như: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể…
+ Biến chứng về thận: Đường huyết tăng cao dẫn đến tổn thương vị mạch trong thận, từ đó làm giảm chức năng lọc của thận, thậm chí suy thận.
+ Biến chứng nhiễm trùng: Đường huyết cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và làm suy yếu hệ miễn dịch trong cơ thể, khiến cơ thể bị nhiễm trùng hoặc vết thương lâu lành hơn người bình thường.
+ Biến chứng về thần kinh: Là biến chứng xuất hiện sớm nhất và thường xuyên hơn cả. Bao gồm: nhịp tim và nhịp thở không ổn định, hay ra mồ hôi, có cảm giác tê, đau ở chân…
- Biến chứng cấp tính
+ Hạ đường huyết: Khi lượng đường trong máu giảm đột ngột dưới mức an toàn (3,6mmol/l).
+ Hôn mê: Đường huyết lên quá cao có thể gây hôn mê đột ngột. Bệnh nhân cần phải được cấp cứu ngay khi gặp phải biến chứng này.
Điều trị tiểu đường
Đối với bệnh nhân tiểu đường type 1 và 2, bạn nên kiểm soát bằng cách có chế độ ăn uống đặc biệt và tập các bài tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu.
Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên bằng dụng cụ đo đường huyết tại nhà hoặc đến cơ sở y tế để đảm bảo nắm rõ về bệnh trạng.
Bệnh đái tháo đường điều trị khá khó khăn bởi 50% khả năng chữa bệnh thành công phụ thuộc vào chế độ ăn uống của người bệnh. Phần còn lại phụ thuộc vào thuốc và phác đồ điều trị của bác sĩ.
Chế độ ăn uống cho người bị tiểu đường
- Những thực phẩm người bị tiểu đường nên ăn:
+ Ăn nhiều thịt nạc, cá, thịt da cầm bỏ da, các loại đậu đỗ… được chế biến đơn giản như hấp, luộc để giảm lượng mỡ sử dụng.
+ Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, nước ép trái cây tươi.
+ Các loại ngũ cốc nguyên hạt, gạo còn vỏ cám…
+ Các thực phẩm có chất béo không bão hòa được như dầu đậu nành, dầu cá, mỡ cá…
- Bệnh tiểu đường nên kiêng các loại gạo trắng, bánh mỳ, miến, bột sắn dây, hạn chế thực phẩm chứa chất béo bão hòa. Hạn chế ăn thịt mỡ, nội tạng động vật, dầu dừa, bánh kẹo ngọt, hoa quả sấy khô, mứt hoa quả…
Một số câu hỏi thường gặp về bệnh tiểu đường
- Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Tiểu đường thai kỳ gây ra các bất thường cho thai nhi như phì đại phủ tạng, thai lưu, thai to, tăng tỷ lệ mổ đẻ và tai biến sản khoa, tỷ lệ nhập viện sơ sinh, tử vong sơ sinh tăng.
Bào thai bị rối loạn bởi tăng đường huyết có thể dẫn đến tình trạng phổi chậm hoặc kém phát triển, suy tim, tim to, ảnh hưởng đến não bộ, hạ canxi, đa hồng cầu…
Mẹ bầu dễ bị tăng huyết áp thai kỳ, sản giật, đa ối…sau này dễ mắc tiểu đường thật sự. Đứa trẻ sinh ra cũng rất dễ bị đái tháo đường hoặc béo phì.
- Bệnh nhân tiểu đường nên ăn gì thay cơm?
Để hạn chế mức tiêu thụ tinh bột quá mức, bạn có thể sử dụng một số loại thực phẩm để thay cơm như: Gạo lứt, yến mạch, lúa mì, diêm mạch.
- Bệnh tiểu đường có chữa được không?
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể kiểm soát được và giảm thiểu nguy cơ phát triển nếu bệnh nhân tuân thủ lối sống lành mạnh và sử dụng thuốc đúng chỉ định.
- Bệnh tiểu đường ăn gì tốt nhất?
Những người bị mắc bệnh tiểu đường nên ăn nhiều các loại rau xanh, củ quả tươi giàu chất xơ, các thực phẩm chứa tinh bột lành mạnh như gạo lứt, hạn chế chất đạm, các loại cá…
Trên đây là những thông tin chi tiết về bệnh tiểu đường. Hãy luôn ghi nhớ để đảm bảo sức khỏe cho bạn và gia đình.