Không phải trẻ cứ có triệu chứng nôn ói, tiêu chảy là nghĩ đến viêm gan cấp tính bí ẩn, mà cần cắn cứ vào một số biểu hiện điển hình khác.
Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Thời gian gần đây, thông tin về việc nhiều quốc gia phát hiện trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, thậm chí gây tử vong khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Theo thông tin từ ngành y tế, tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp nào bị viêm gan cấp tính bí ẩn này, tuy nhiên các chuyên gia đánh giá khả năng bệnh xâm nhập vào trong nước là rất cao.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Úc) khả năng virus gây bệnh này vào Việt Nam là rất cao và khó tránh khỏi. Vì thế, bà Thu Anh cho rằng các bác sĩ phải đề cao cảnh giác để phát hiện và báo cáo ca bệnh, cập nhật thông tin trên thế giới, đồng thời phụ huynh cần chú ý theo dõi triệu chứng ở trẻ, đặc biệt là dấu hiệu vàng da, vàng mắt và giữ gìn vệ sinh cá nhân cho con tốt.
TS.BS Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng chung nhận định khi cho rằng, hiện ở Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh, nhưng khả năng vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên người dân không nên quá hoang mang, lo lắng nhưng cũng tuyệt đối không chủ quan.
Dù chưa có kết luận về nguyên nhân, nhưng theo bác sĩ Khanh nhiều khả năng nguyên nhân gây viêm gan cấp tính ở trẻ em này là do virus adeno 41, loại virus này đã lưu hành và chủ yếu gây bệnh ở hệ hô hấp, khả năng vào đường tiêu hóa, sau đó gây viêm gan là rất ít và khó thành dịch. Tuy nhiên, đây mới là giả thuyết, còn nguyên nhân cụ thể phải chờ các cơ quan y tế có trách nhiệm công bố.
Mọi người không quá chủ quan, nhưng cũng không hoang mang trước thông tin về bệnh viên gan cấp tính bí ẩn.
Nếu virus gây viêm gan cấp tính bí ẩn xuất hiện ở Việt Nam, phụ huynh nên làm gì?
TS Trương Hữu Khanh cho rằng, theo như báo cáo hiện nay thì triệu chứng bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn thường gặp là nôn ói, tiêu chảy, vàng da, vàng mắt và một số trường hợp ở Anh có thêm viêm đường hô hấp. Tuy nhiên, không thể đánh đồng trẻ nào nôn ói, tiêu chảy cũng bị viêm gan cấp tính bí ẩn, mà cần phân biệt thật rõ ràng.
Trường hợp trẻ có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy, cảm cúm thì chăm sóc như khi mắc bệnh bình thường, tốt nhất có tham vấn của bác sĩ. Khi trẻ có các triệu chứng trên, kèm theo vàng da toàn thân, tiểu sẫm màu hoặc vàng mắt thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
“Phụ huynh đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không được cho trẻ uống thuốc lung tung, ví dụ em bé đang bị viêm gan nhưng không biết mà uống paracetamol vào thì sẽ hỏng gan và làm tình trạng nặng thêm”, bác sĩ Khanh cảnh báo.
Về vấn đề phòng bệnh, mọi người nên thường xuyên theo dõi sức khỏe, rửa tay, ăn uống đúng cách, khoa học, đeo khẩu trang. Đặc biệt những người có bệnh lý chuyển hóa, có sẵn bệnh lý viêm gan B, liên quan đến cơ địa thì dễ mắc hơn nên khi thấy dấu hiệu bất thường cần được đưa đến bệnh viện.
Tin liên quan
Tết với mọi người là giây phút đoàn viên, sum họp bên gia đình. Nhưng với những đứa trẻ không may mắc ung thư, Tết chỉ là thời gian tạm nghỉ...
Tin bài cùng chủ đề TS.Bs.Trương Hữu Khanh
Theo các bác sĩ, vi khuẩn bạch hầu lây qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, nhưng chỉ những người chưa tiêm vắc xin hoặc có kháng thể yếu mới có nguy cơ mắc bệnh.