Bệnh xương bánh chè hai mảnh có gì lạ?

Ngày 21/11/2013 10:00 AM (GMT+7)

Bệnh lý xương bánh chè hai mảnh khá hiếm gặp với đa số các trường hợp được phát hiện tình cờ.

Thông thường, tổn thương này không có triệu chứng, tuy nhiên, một số trường hợp có thể gây đau do vận động quá mức của khớp gối. Phần lớn các trường hợp này có thể kiểm soát bằng điều trị nội khoa, một số trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa thì phẫu thuật có thể được thực hiện.

Một trường hợp đặc biệt

Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 3 tháng, trong khi chơi thể thao, bệnh nhân có ngã khuỵu chân nhưng không đập gối xuống đất, sau đó xuất hiện đau và sưng gối, tự sơ cứu bằng băng chun, chườm đá, thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Triệu chứng cải thiện dần và hết sau 3 tuần, bệnh nhân trở lại chơi thể thao nhưng triệu chứng đau và sưng nề xuất hiện trở lại ngay. Bệnh nhân tới khám tại phòng khám chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Chẩn đoán vỡ cực trên ngoài xương bánh chè. Điều trị bảo tồn với việc sử dụng nẹp gối dài, thuốc kháng sinh, giảm đau, giảm nề, canxi. Sau 4 tuần, bệnh nhân tháo nẹp, tập đi nhẹ. Tuy nhiên, tình trạng đau và tràn dịch gối lại xuất hiện. Bệnh nhân tái khám, được chỉ định chụp phim cộng hưởng từ thấy có tổn thương cực trên ngoài, nhiều khả năng là thương tổn xương bánh chè hai mảnh, đã phẫu thuật lấy bỏ mảnh xương phụ. Sau mổ, bệnh nhân được đeo nẹp gối dài để bất động khớp gối trong 2 tuần, sau đó bắt đầu tập gấp gối nhẹ tăng dần, tập luyện thể thao trở lại sau 6 tuần. Khám lại sau 3 tháng, khả năng gấp gối của bệnh nhân hoàn toàn bình thường, không đau, không hạn chế vận động khi chạy, đi xe đạp...

Bệnh xương bánh chè hai mảnh có gì lạ? - 1

  Hình ảnh vị trí xương bánh chè trên phim Xquang

Thế nào là tổn thương xương bánh chè hai mảnh?

Tổn thương xương bánh chè hai mảnh xuất hiện khi điểm cốt hóa phụ của xương bánh chè không liền với xương bánh chè chính, gặp ở giai đoạn phát triển xương tuổi thiếu niên. Tỷ lệ gặp tổn thương này khoảng 2% và 50% các trường hợp bệnh nhân bị cả hai bên. Đa số các trường hợp bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng mà chỉ tình cờ phát hiện qua chụp phim thường quy khớp gối.

Biểu hiện tổn thương

Triệu chứng đau do xương bánh chè hai mảnh thường xuất hiện theo 1 trong 2 cách: tiến triển từ từ hoặc là đột ngột sau chấn thương. Đau thường khu trú ở cực trên ngoài của bánh chè tương ứng với vị trí của mảnh xương phụ, đau thường tăng lên khi vận động và ảnh hưởng đến vận động thường kèm theo sưng nề quanh vị trí xương phụ. Tràn dịch gối rất hiếm gặp, nếu có thường phải loại trừ các tổn thương trong khớp kèm theo. Ở những bệnh nhân có triệu chứng kéo dài, tình trạng teo cơ đùi thường xảy ra và kèm theo là hạn chế duỗi gối chủ động.

Chẩn đoán và điều trị thế nào?

Chụp Xquang, chụp cộng hưởng từ có giá trị vì ngoài việc chẩn đoán xác định tổn thương còn loại trừ các tổn thương trong khớp khác khi có tràn dịch khớp gối kèm theo.

Khi được xác định chẩn đoán xương bánh chè hai mảnh, việc điều trị bảo tồn vẫn có hiệu quả với việc sử dụng nẹp gối, giảm vận động, thuốc giảm đau đường uống và có thể dùng corticoid tiêm tại chỗ. Chỉ định phẫu thuật thường đặt ra khi đáp ứng kém với điều trị bảo tồn hoặc là giảm khả năng vận động của bệnh nhân sau điều trị.

Lời khuyên của bác sĩ

Tổn thương xương bánh chè hai mảnh khá hiếm gặp. Vì vậy, sau khi bị chấn thương, tai nạn, va đập mà có các biểu hiện nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để được khám và đánh giá đúng mức tổn thương.      

Ðiều trị nội khoa có hiệu quả với đa số các trường hợp. Bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt và vận động bình thường, một số trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc triệu chứng đau tái phát trở lại thì chỉ định phẫu thuật có thể được đặt ra. Việc phẫu thuật có thể là cố định lại mảnh xương bánh chè hoặc lấy bỏ mảnh xương, việc lấy bỏ mảnh xương có thể được thực hiện qua mổ mở hoặc mổ nội soi tùy theo vị trí và kích thước. Qua phẫu thuật và theo dõi kết quả của bệnh nhân, các bác sĩ nhận thấy phẫu thuật lấy bỏ mảnh xương phụ qua mổ mở cho kết quả tốt, phục hồi cơ năng khớp gối gần như hoàn toàn cũng như giải quyết được triệu chứng đau của bệnh nhân.

Theo TS. Trần Trung Dũng (Sức khỏe & Đời sống)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp