Bí ẩn "bào thai ma" của Nữ hoàng đầu tiên trị vì nước Anh, mang bầu 11 tháng và cái kết gây phẫn nộ

HOÀNG DƯƠNG - Ngày 24/10/2022 11:40 AM (GMT+7)

Nữ hoàng đầu tiên của nước Anh, Mary I không chỉ nổi tiếng với cái tên "Blood Mary" do cuộc đàn áp tàn bạo mà bà khởi xướng mà còn gây xôn xao khi từng mang "bào thai ma".

Vào tháng 11/1554, người dân nước Anh đã vô cùng hân hoan khi nghe tin Nữ hoàng Mary I (con gái của Henry VIII) vừa mới lên ngai vàng đang mang bầu. Thực tế, tháng 9 năm đó đã có thông tin Nữ hoàng Mary I mang thai. Dù vậy, bản thân Nữ hoàng cũng không dám chắc chắn. Theo những ghi chép y tế thời kỳ này, rất khó để xác định một người mang thai hay không.

Hơn nữa, thời điểm đó, nữ hoàng 37 tuổi (đã qua tuổi sinh đẻ thông thường trong vương tộc Tudor) và mới chỉ kết hôn với người em họ nhỏ hơn cô nhiều tuổi, Hoàng thân Philip của Tây Ban Nha, kể từ tháng 7. 

Nhưng sau đó, các cận thần, cố vấn và thần dân nước Anh đã rất vui mừng và tin rằng Mary thực sự mang bầu. Các đại sứ Tây Ban Nha còn báo cáo cho Hoàng đế La Mã thần thánh, Charles V (cha chồng của nữ hoàng Mary) rằng: "Không còn gì nghi ngờ nữa, Nữ hoàng đang mang bầu vì bụng của cô ấy đã to lên và những chiếc váy không còn vừa với Nữ hoàng nữa", "Nữ hoàng đang có sức khỏe rất tốt. Cô ấy tăng cân lên và có sắc vóc đẹp hơn so với khi mới cưới, đây là dấu hiệu Nữ hoàng đang rất hạnh phúc với việc mang bầu". 

Nữ hoàng Mary I - Nữ hoàng đầu tiên trị vì nước Anh được mệnh danh là Blood Mary (Nữ hoàng đẫm máu)

Nữ hoàng Mary I - Nữ hoàng đầu tiên trị vì nước Anh được mệnh danh là Blood Mary (Nữ hoàng đẫm máu)

Đến năm 1555, Nữ hoàng Mary I tự tin mình đã mang thai. Nữ hoàng còn tuyên bố đã cảm thấy cử động của thai nhi khiến mọi người càng thêm tin tưởng. Cô dự kiến sẽ sinh vào giữa năm. Hoàng gia đã sẵn sàng để chuẩn bị chào đón một thành viên quan trọng mới. Các phòng sinh được chuẩn bị hết. Những chiếc nôi tuyệt đẹp được chạm khắc tinh xảo. Hàng chục vú em đã sẵn sàng. Những bản thông báo đã được soạn thảo sẵn, chỉ chờ ngày giờ sinh, giới tính đứa trẻ để điền vào là xong.

Tất cả mọi người đều hy vọng và thậm chí còn cho rằng đứa trẻ sẽ là con trai - một vị vua Công giáo trong tương lai. Chính bản thân Nữ hoàng Mary I cũng mong đợi sự ra đời của đứa trẻ sẽ giúp xóa bỏ đi những biến động của thập kỷ trước, đất nước sẽ được gắn kết hơn. Mary cuối cùng cũng biết được niềm vui làm mẹ, điều mà cô ấy coi là mục đích chính của mình với tư cách là người phụ nữ, người vợ và Nữ hoàng.

Nữ hoàng Mary còn nổi tiếng vì mang bào thai ma.

Nữ hoàng Mary còn nổi tiếng vì mang "bào thai ma".

Tuy nhiên, đến mùa xuân năm 1555, các bác sĩ của nữ hoàng đã hết sức lo lắng khi thấy cô bắt đầu có dấu hiệu bất ổn về tinh thần khi mang thai và chán ăn đến mức các bác sĩ sợ thai nhi sẽ không nhận đủ dinh dưỡng để sống. 

Khi Nữ hoàng bước vào nơi được sắp xếp cho cô đợi đến ngày sinh, các nữ hầu đã báo cáo những hành vi bất thường của cô. Họ mô tả có những lúc Nữ hoàng nằm cuộn tròn trong tư thế bào thai trên sàn nhà, khóc nức nở một cách khó hiểu hoặc có thể ngồi đung đưa một chân trên sàn và chân còn lại kéo gập lên ngực (một điều mà phụ nữ mang thai không bao giờ làm được). Dần dần, mọi người bắt đầu lo sợ điều tồi tệ nhất: hoặc Mary bị sảy thai, hoặc cô ấy chưa từng mang thai. 

Khi sắp hết tháng 4, tin tức về việc Nữ hoàng đã sinh một bé trai bất ngờ được lan ra, cả nước tưng bừng ăn mừng nhưng chỉ một thời gian ngắn, sự thật đã được phơi bày. Đến tháng 6, Nữ hoàng vẫn chưa có dấu hiệu sinh. Tuy nhiên, cô tuyên bố rằng bản thân đã nhầm lẫn về thời gian dự sinh, có lẽ cô sẽ lâm bồn vào tháng 7. Nhưng khi tháng 7 qua đi, Mary vẫn không có dấu hiệu sinh nở. Cô bắt đầu cho rằng bản thân đang bị trừng phạt nên đã quyết định mở cuộc đàn áp hết tất cả những kẻ dị giáo để chuộc tội, vì vậy cô mới được mệnh danh là "Blood Mary (Nữ hoàng đẫm máu). Cho đến tháng 8/1555, tức là 11 tháng sau khi mang thai, Mary lúc này buộc phải chấp nhận sự thật cô không có em bé.

Nữ hoàng quyết định rời khỏi Hampton Court - nơi cô đã ở để chờ sinh. Người dân đã vô cùng phẫn nộ vì cho rằng Nữ hoàng lừa dối. Đồng thời, có rất nhiều tin đồn về Nữ hoàng rằng cô đã sinh ra một con khỉ hoặc chó hoặc đứa trẻ đã chết trong bụng và bị loại bỏ một cách lặng lẽ hoặc có người đồn rằng cô đã mang bào thai ma. 

Đáng buồn cho Nữ hoàng Mary I khi cô không chỉ không có thai mà người chồng của cô cũng bỏ đi sau khi biết tin. Đến cuối đời, Nữ hoàng không người nối dõi đã phải nhường ngôi cho em gái Elizabeth. 

Nữ hoàng Mary I và chồng.

Nữ hoàng Mary I và chồng.

Bí mật phía sau "bào thai ma" của Nữ hoàng Mary I

Các nhà khoa học tin rằng có một số cách giải thích cho hiện tương "bào thai ma" của Nữ hoàng. 

Mary có thể đã trải qua chứng mang thai giả, một hội chứng dùng để mô tả trường hợp phụ nữ có cảm xúc và triệu chứng cơ năng như người mang thai tháng đầu tiên, nhưng thực chất là không phải. Hội chứng này thường liên quan đến chấn thương tinh thần trong quá khứ, trầm cảm hoặc mong muốn có con mãnh liệt. Tình trạng này rất hiếm, đặc biệt là trong thời hiện đại khi các xét nghiệm mang thai và chẩn đoán hình ảnh chính xác. Ngày nay, cứ 22.000 ca sinh thì có 1-6 ca mang thai giả, nhưng tình trạng này phổ biến hơn ở các nước đang phát triển, nơi phụ nữ ít được đánh giá sức khỏe trước khi sinh hơn.

Mặc dù không thể chẩn đoán xác định trong khoảng thời gian gần 500 năm trước nhưng dựa trên những thông tin về tình trạng thể chất và tâm lý của Nữ hoàng khi đó khá phù hợp với hội chứng mang thai giả. Cô đã trải qua giai đoạn kinh nguyệt không đều và suy nhược do đau bụng kinh kể từ khi dậy thì và lớn lên trong tình trạng rối loạn cảm xúc và đau khổ liên tục.

Các nhà nghiên cứu khác đã đề xuất bệnh lý là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của Nữ hoàng. Tiến sĩ Milo Keynes đã viết trong một bài báo năm 2000 rằng ông tin Mary bị một khối u tuyến yên, và sự mất cân bằng nội tiết tố là nguyên nhân dẫn đến nhiều triệu chứng mà cô ấy gặp phải. Suy giáp có thể khiến cô bị rụng lông mày, đau đầu, tăng cân, táo bón dẫn đến chướng bụng, đầu óc rối bời; sự tiết quá nhiều prolactin sẽ gây ra tình trạng thiếu kinh nguyệt, rong kinh và thậm chí là trầm cảm. Để chứng minh cho lý thuyết của mình, ông nói đến bức chân dung của Nữ hoàng năm 30 tuổi, trong đó khuôn mặt cô đỏ bừng, sưng húp, chân tóc ngả màu và làn da nhợt nhạt cho thấy có khả năng bị suy giáp. 

Một khả năng khác là Mary bị ung thư buồng trứng hoặc tử cung, hoặc u nang trên buồng trứng có thể phát triển lớn đến mức gây ra những cơn đau bụng dữ dội mà Mary gặp phải. 

Dù là nguyên nhân nào, có một điều chắc chắn là không có phép lạ nào xảy ra cho Mary.

Bí ẩn người đàn ông miễn nhiễm với nọc độc rắn, bị rắn cắn gần 200 lần không chết
Từng bị rắn cắn gần 200 lần, trong đó có cả những loài rắn độc nhưng người đàn ông Mỹ Bill Haast vẫn sống sót và còn thọ hơn 100 tuổi nhờ khả năng đặc biệt.

Bệnh lạ

HOÀNG DƯƠNG
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác