Bị mắc cúm A, nên làm gì và tránh điều gì để mau khỏi, không lây cho người nhà?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 11/08/2022 14:30 PM (GMT+7)

Hiện số ca mắc cúm A vẫn đang tiếp tục gia tăng, vậy khi mắc cúm mọi người cần làm gì và tránh điều gì? Thắc mắc này sẽ được bác sĩ nội trú Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Medlatec) giải đáp.

Hồng An (Hà Nội) (anhongnguyen***@gmail.com)

Chào bác sĩ!

Những ngày vừa qua, một số thành viên trong gia đình tôi bắt đầu có dấu hiệu như chảy nước mũi trong, nóng mắt, hơi ho, hắt hơi nhiều… sau đó đã test COVID-19 nhưng đều âm tính. Lo ngại bị mắc cúm, tôi có đi khám và xét nghiệm thì có đến 4/5 người đều mắc cúm A.

Hiện các thành viên trong gia đình tôi chưa có chỉ định phải nhập viện, tuy nhiên chúng tôi cũng khá lo lắng vì trẻ nhỏ phải đi học, còn người lớn vẫn phải đi làm. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi khi bị mắc cúm như vậy thì chúng tôi cần làm gì và phải tránh những gì?

img alt src/upload/3-2022/images/2022-08-11/cum-1660199572-753-width600height400.jpg stylewidth: 600px; height: 400px; /
Bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm Trần Tiến Tùng

Đây là vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm, vì số lượng ca mắc cúm theo thống kê vẫn đang gia tăng. Cụ thể thống kê của Trung tâm Xét nghiệm tại bệnh viện tôi đang công tác cho thấy, chỉ trong tuần đầu tháng 8 ghi nhận 4.846 ca xét nghiệm cúm, trong đó có 1.455 ca cúm A (chiếm 30%), cúm B là 156 ca (chiếm 3,2%). So với cùng kỳ tháng 7, số lượng người xét nghiệm cúm tăng 467% và phát hiện cúm A tăng 144%. Qua số liệu trên có thể thấy, số người mắc cúm vẫn gia tăng và chủ yếu là cúm A.

Cúm A là bệnh thường gặp, tuy nhiên người dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nhất là trong giai đoạn dịch diễn biến khó lường như hiện nay rất có nguy cơ “dịch chồng dịch” gồm cúm, sốt xuất huyết, COVID-19...

Việc điều trị cúm không quá khó khăn, nhưng nó chỉ dễ dàng khi và hiệu quả khi được phát hiện sớm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời cúm có thể để lại hậu quả nặng nề như viêm xoang, viêm tai, viêm xoang, nặng hơn là suy đa cơ quan.

Do đó, khi có dấu hiệu người dân cảnh giác đi khám ngay để được phát hiện kịp thời, đặc biệt bệnh nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.

Bị mắc cúm A, nên làm gì và tránh điều gì để mau khỏi, không lây cho người nhà? - 2

Bác sĩ Tùng đang tư vấn cho người bệnh về cách phòng tránh bệnh cúm A. 

Để tránh biến chứng và sự lây lan, mọi người nên thực hiện những việc sau:

- Khi có các dấu hiệu như sốt đột ngột, đau mỏi cơ, chảy nước mũi, đau đầu… cần đi đến các cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm xem có chính xác bị cúm hay không. Đây là việc có ý nghĩa quan trọng, mang tính quyết định để chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân.

- Tuân thủ hướng dẫn, kê đơn: Cúm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên người bệnh không được uống thuốc bừa bãi, cần uống thuốc theo đơn bác sĩ hướng dẫn.

- Người bệnh không nên quá lo lắng khi mắc cúm, bởi thông thường bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau vài ngày và hết hẳn các triệu chứng sau 1 - 2 tuần.

- Chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt cần:

+ Bổ sung nước (vì nước giải độc cho cơ thể người bệnh, nước còn có tác dụng làm loãng dịch gây tắc nghẽn mũi và ngăn ngừa nhiễm trùng cơ thể).

+ Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu và nhiều dinh dưỡng (cháo, súp gà...).

+ Bổ sung thực phẩm giàu kẽm (thịt bò, tôm, hàu, sò, thịt gà, ngũ cốc, yến mạch...).

+ Ăn các loại rau củ quả;

+ Thêm gừng, tỏi khi chế biến đồ ăn; Ăn các loại trái cây giàu vitamin C tăng hệ miễn dịch (cam, quýt, bưởi...).

- Khi mắc cúm nên ở trong nhà, không nên đến cơ quan, trường học, nơi công cộng để tránh lây lan cho người khác. Trường hợp bắt buộc phải ra ngoài cần tuân thủ đeo khẩu trang và rửa tay đúng quy trình. Khi hắt hơi cần che miệng, vệ sinh mũi họng, nơi ở sạch sẽ, thông thoáng.

- Hãy tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, cũng như các biến chứng có thể xảy ra.

Tiêm vắc xin phòng cúm là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả. Ảnh minh họa.

Tiêm vắc xin phòng cúm là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả. Ảnh minh họa. 

Khi đã được chẩn đoán mắc cúm không nên làm những việc sau:

- Tùy tiện dùng thuốc để tự điều trị: Đây là việc tuyệt đối tránh. Thực tế đã có không ít trường hợp nhập viện vì tự dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, nhất là các loại kháng sinh. Kháng sinh không hề có tác dụng trong việc điều trị các bệnh do virus gây nên, dùng bừa bãi có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm.

- Không dự trữ thuốc, nhất là Tamiflu. Với người mắc cúm thông thường thì không cần dùng đến Tamiflu, gây lãng phí. Việc dùng thuốc này phải có chỉ định của bác sĩ.

- Không nên đóng kín cửa, trùm chăn để toát mồ hôi dẫn đến mất nước và kiệt sức, suy giảm đề kháng, khiến bệnh trầm trọng hơn.

- Không nên quá hoang mang, lo lắng khi mắc cúm. Với người mắc cúm triệu chứng nhẹ hoàn toàn có thể điều trị ở nhà, dưới sự tư vấn của bác sĩ. Không cần thiết phải ồ ạt nhập viện.

Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý độc giả đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe.

4 triệu chứng cúm A và các biến chứng nguy hiểm ai cũng cần biết khi bệnh đến trái mùa
Cúm A là bệnh thường xuất hiện vào mùa đông xuân ở nước ta. Nhưng năm nay, giữa mùa hè, nhiều bệnh viện tại Hà Nội ghi nhận số ca mắc cúm A tăng bất...

Sống khỏe

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch cúm A/H1N1