Căn bệnh mùa đông bất ngờ rầm rộ đến giữa hè

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 06/07/2022 11:50 AM (GMT+7)

Căn bệnh lây truyền vốn hay xuất hiện vào mùa đông, năm nay lại rầm rộ trong mùa hè. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là sự bất thường của thời tiết nhưng các chuyên gia chưa có kết luận cuối cùng.

Gia tăng bất thường người lớn, trẻ nhỏ mắc cúm A

ThS.BS Nguyễn Thu Hường - Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca mắc cúm A có triệu chứng nặng. Bác sĩ Hường cho rằng, đây là điểm bất thường so với mọi năm, bởi loại cúm này thường xuất hiện rầm rộ vào mùa đông xuân chứ không phải mùa hè.

“Theo chu kỳ hàng năm, dịch sốt xuất huyết sẽ xuất hiện trước, xong mới đến cúm A, nhưng năm nay chúng tôi ghi nhận sự đảo ngược về mặt bệnh. Cụ thể, sốt xuất huyết chỉ ghi nhận lác đác vài ca nhưng bệnh nhân cúm A lại tăng, trong đó có cả những người trưởng thành”, bác sĩ Hường thông tin.

Đang điều trị tại bệnh viện, anh M (23 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, anh xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu và sốt cao từ ngày 2/7. Lúc đầu, anh điều trị tại nhà, sau đó tình trạng ngày càng nặng như sốt trên 40 độ C, đau đầu dữ dội, người đau mỏi… nên anh đã đi khám và được chẩn đoán mắc cúm A, phải nhập viện điều trị. Hiện tại sức khỏe đã ổn định, anh M hết sốt, dự kiến sẽ được ra viện 1-2 ngày tới.

Nhiều người trưởng thành mắc cúm A có triệu chứng nhẹ phải nhập viện điều trị tại BV Thanh Nhàn.

Nhiều người trưởng thành mắc cúm A có triệu chứng nhẹ phải nhập viện điều trị tại BV Thanh Nhàn. 

“Tôi mắc cúm A do lây từ người bạn sau lần uống chung cốc cà phê ở tiệm. Vì vậy, tôi cũng lưu ý để giữ cho các thành viên trong gia đình bằng cách không ăn chung, dùng chung đồ…”, anh M chia sẻ.

Còn tại BV Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, TS.BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi cho biết, vài tuần trở lại đây, khoa tiếp nhận số lượng bệnh nhân cúm A tăng bất thường so với cùng thời điểm ở các năm trước. Trong hàng trăm trường hợp đến thăm khám mỗi ngày tại đây, có đến 1/4 - 1/5 số bệnh nhân bị cúm A.

Tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu tháng 6 đến nay, tỷ lệ trẻ em được chẩn đoán mắc cúm A và số trẻ nhập viện cũng có xu hướng gia tăng, trong đó nhiều cháu có diễn biến nặng.

Không chỉ ở Hà Nội, tại Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ), bác sĩ Trần Thị Cườm - Phó trưởng khoa Nhi cho biết, trong số 200 bệnh nhi đến viện khám mỗi ngày thì có đến 30% trẻ mắc cúm và nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV nhập viện.

Nhiều người cho rằng, cúm A gia tăng đột biến gần đây có thể là do diễn biến bất thường của thời tiết, tuy nhiên TS.BS Đặng Thị Thúy cho rằng, hiện chưa thể khẳng định được nguyên nhân trên. 

Bác sĩ Hương cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch trong thời điểm hiện tại.

Bác sĩ Hương cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch trong thời điểm hiện tại. 

Trước thực trạng trên, bác sĩ Nguyễn Thu Hương lo ngại nguy cơ dịch chồng dịch, vì hiện ngoài cúm A thì sốt xuất huyết, COVID-19 vẫn đang diễn biến bất thường. Do vậy, việc giữ vệ sinh, diệt loăng quăng, bọ gậy, đeo khẩu trang, tiêm vắc xin… để phòng bệnh rất quan trọng.

Triệu chứng dễ phát hiện, không khó để phòng bệnh

Triệu chứng của cúm A hay các bệnh do virus gây viêm đường hô hấp khác thường có điểm chung là sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng… Ngoài các triệu chứng ban đầu như trên, trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da mắt xung huyết, họng đỏ xung huyết toàn bộ, đồng thời mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

Cúm mùa thường tiến triển lành tính, nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nặng và nguy hiểm, thường ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp.

Rất nhiều khoa Nhi các bệnh viện cũng ghi nhận tình trạng trẻ mắc cúm A nhập viện.

Rất nhiều khoa Nhi các bệnh viện cũng ghi nhận tình trạng trẻ mắc cúm A nhập viện. 

Bác sĩ Thúy khuyến cáo, khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, cho con uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng và dễ hấp thu, uống thuốc hạ sốt, thuốc điều trị triệu chứng (thuốc ho, thuốc cảm chống ngạt mũi), vitamin (đặc biệt là vitamin C) hỗ trợ tăng sức đề kháng... Lưu ý, các thuốc được sử dụng phải do bác sĩ chỉ định, cha mẹ không tự ý cho con dùng.

Bác sĩ Đặng Thị Thúy khuyến cáo, cúm A là bệnh rất dễ lây lan, mọi người đều có thể, mắc đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng cúm chủ động. Ngoài ra cần chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ: cho trẻ ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp…

Ngoài ra, cần giữ vệ sinh cá nhân, hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng. Gia đình cần thường xuyên vệ sinh không gian sống và nơi vui chơi của trẻ. Tránh đưa trẻ tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm. Chúng ta cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để để hạn chế lây nhiễm.

Phân biệt cảm cúm và mắc COVID-19, có một dấu hiệu đặc trưng không thể bỏ qua
Mùa cúm đang tới và dịch COVID-19 cũng vẫn diễn biến phức tạp, điều đó có nghĩa là mỗi cơn ho, đau mỏi người hay đau đầu đều có thể khiến bạn hoang...

Sống khỏe

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch cúm A/H1N1