Rối loạn tiêu hóa là tình trạng thường gặp khi chúng ta dung nạp những loại thức ăn không phù hợp hoặc thay đổi chế độ ăn đột ngột. Vậy bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng thường gặp khi chúng ta ăn những loại thực phẩm không phù hợp. Tuy không quá nguy hiểm nhưng rối loạn tiêu hóa khiến cơ thể khó chịu và gặp nhiều triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, khó tiêu... Tình trạng kéo dài khiến sức khỏe suy kiệt.
Hệ thống tiêu hóa có vai trò chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng và năng lượng mà cơ thể có thể sử dụng. Một số loại thực phẩm, bao gồm rau và sữa chua, có thể giúp quá trình tiêu hóa trở nên thuận lợi hơn.
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa
Ăn một số loại thực phẩm hoặc thay đổi chế độ ăn đột ngột có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Ở một số người, rối loạn tiêu hóa có thể dẫn đến các triệu chứng bao gồm:
- Đầy hơi, khó tiêu
- Trung tiện nhiều lần
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Nôn
- Ợ nóng
Rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?
Ngay khi thức ăn đi vào cơ thể qua miệng, quá trình tiêu hóa bắt đầu. Cơ thể dần dần di chuyển thức ăn qua hệ thống tiêu hóa, chuyển hóa thức ăn thành các phần nhỏ hơn, dễ dung nạp hơn.
Một số loại thực phẩm có thể hỗ trợ tiêu hóa ở các giai đoạn khác nhau.
Chất xơ rất cần thiết cho hệ tiêu hóa nói chung. Nếu một người không quen ăn chất xơ thường xuyên, hãy tăng lượng chất xơ từ từ, bắt đầu với chất xơ hòa tan như từ bột yến mạch, táo và chuối.
Tăng dần chất xơ bằng cách thêm khoảng một khẩu phần chất xơ vào chế độ ăn sau mỗi 4 - 5 ngày. Tăng lượng chất xơ quá nhanh có thể có hại cho tiêu hóa.
Vậy rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?
Gừng
Gừng là một loại thực phẩm có thể làm giảm đầy hơi và các vấn đề tiêu hóa khác. Bột gừng khô là một loại gia vị tuyệt vời cho các bữa ăn, và chúng ta cũng có thể sử dụng những lát gừng để pha trà.
Chất béo không bão hòa
Loại chất béo này giúp cơ thể hấp thụ vitamin. Nó cũng kết hợp với chất xơ để giúp gia tăng nhu động ruột. Dầu thực vật như dầu ô liu là một nguồn chất béo không bão hòa rất tốt.
Đồng thời, bạn cần lưu ý về lượng chất béo nạp vào cơ thể. Không nên ăn quá nhiều hoặc quá ít.
Các loại củ
Các loại củ rất giàu chất xơ và là chất dinh dưỡng quan trọng cho hệ tiêu hóa. Chất xơ kích thích ruột di chuyển phân ra khỏi cơ thể.
Vỏ củ thường chứa nhiều chất xơ, và tốt nhất là nên ăn cả vỏ. Một số loại rau củ có nhiều chất xơ bao gồm khoai tây, khoai lang, các loại đậu, đỗ.
Trái cây
Nhiều loại trái cây cũng giàu chất xơ. Chúng cũng chứa vitamin và khoáng chất tốt cho tiêu hóa, chẳng hạn như vitamin C và kali.
Ví dụ, táo, cam, chuối, dứa là những loại trái cây bổ dưỡng có thể giúp tiêu hóa tốt hơn.
Ngũ cốc
Ngũ cốc nguyên hạt cũng có hàm lượng chất xơ cao có thể hỗ trợ tiêu hóa. Cơ thể phá vỡ ngũ cốc từ từ, giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Sữa chua
Nhiều sản phẩm sữa chua có chứa men vi sinh. Đây là những vi khuẩn và nấm men sống có thể có lợi cho hệ tiêu hóa.
Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng hữu ích cho tiêu hóa.
Theo một bài báo trên tạp chí Nature Chemical Biology, những loại rau này cũng chứa sulfoquinovose. Đây là một loại đường có thể nuôi vi khuẩn có lợi cho dạ dày, do đó thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
Rối loạn tiêu hóa không nên ăn gì?
Mặc dù hầu hết các loại thực phẩm đều tốt để tiêu thụ ở mức độ vừa phải, nhưng vẫn có một số đồ ăn bạn không nên sử dụng khi bị rối loạn tiêu hóa.
Một số thực phẩm và đồ uống làm tăng nguy cơ đầy hơi, ợ nóng và tiêu chảy, bao gồm:
- Có chứa chất ngọt nhân tạo, chẳng hạn như rượu đường.
- Đồ uống có ga hoặc đồ uống có đường.
- Carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng.
- Rượu.
- Sữa hoặc sô cô la trắng.
- Thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chẳng hạn như phô mai và kem.
- Cà phê và đồ uống khác có chứa caffeine.
- Thực phẩm cay, chẳng hạn như một số loại cà ri, ớt, tiêu...
- Thức ăn nhiều dầu mỡ, như pizza, khoai tây chiên,...
Một số thói quen xấu cũng có thể khiến hệ tiêu hóa tồi tệ hơn. Ví dụ như ăn quá nhanh và nằm xuống ngay sau khi ăn.
Cơ thể cũng có thể mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa các bữa ăn quá lớn. Khi bị rối loạn tiêu hóa, tốt nhất nên ăn nhiều bữa nhỏ thay vì một bữa lớn. Đồng thời nên tránh xa những loại thực phẩm mà bạn bị dị ứng.
Hầu hết các loại thực phẩm giúp tăng cường tiêu hóa và khi bị rối loạn tiêu hóa nên ăn đều giàu chất dinh dưỡng như chất xơ. Ví dụ về thực phẩm giàu chất xơ bao gồm rau và ngũ cốc.
Nếu vẫn tiếp tục bị rối loạn tiêu hóa, bạn hãy tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn.
Nguồn tham khảo: Foods that help digestion: What to eat and avoid - đăng tải trên trang tin y tế Medical News Today. Xuất bản ngày 9/10/2019. |