Trẻ đau bụng, buồn nôn đừng vội nghĩ viêm gan bí ẩn, chuyên gia chỉ cách xử lý ngay tại nhà

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 09/05/2022 10:39 AM (GMT+7)

Khi trẻ đau bụng, buồn nôn rất nhiều người lo lắng vì giống triệu chứng của viêm gan cấp bí ẩn, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng không nên quá hoang mang và có thể xử lý tại nhà.

Trẻ đau bụng, buồn nôn cấp tính do đâu?

Thời gian vừa qua có nhiều phụ huynh, thậm chí là cả nhân viên y tế chia sẻ về việc nhiều trẻ gặp phải triệu chứng buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy, thậm chí có trường hợp còn phải nhập viện để thăm khám.

Điều đáng nói các triệu chứng trên giống với các triệu chứng căn bệnh viêm gan bí ẩn đang xuất hiện ở nhiều quốc gia nên khiến nhiều gia đình đã lo lại càng lo hơn. Theo đó, căn bệnh viêm gan cấp hiện xuất hiện ở nhiều quốc gia trong đó có cả Đông Nam á, triệu chứng của căn bệnh này bao gồm nôn nói, tiêu chảy, vàng da, vàng mắt…

TS.BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết, viêm gan cấp bí ẩn khả năng vào Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra, tuy nhiên bố mẹ không nên lo lắng, không vì thấy con tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn mà nghĩ đến căn bệnh này.

Trẻ bị buồn nôn, tiêu chảy không có dấu hiệu vàng da thì chăm sóc như bình thường, không cần lo lắng về việc mắc viêm gan bí ẩn. Ảnh minh họa.

Trẻ bị buồn nôn, tiêu chảy không có dấu hiệu vàng da thì chăm sóc như bình thường, không cần lo lắng về việc mắc viêm gan bí ẩn. Ảnh minh họa.

“Các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, nếu trẻ tiêu chảy, nôn ói mà kèm theo vàng da thì hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Thậm chí, trẻ không có biểu hiện về đường tiêu hóa mà thấy vàng da toàn thân, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu thì cũng cần đưa tới viện kiểm tra”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Vậy khi trẻ bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy nguyên nhân do đâu, dấu hiệu là gì và phải xử lý ra sao? PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hoá Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng và nôn ở trẻ em, vì thế tùy theo từng nhóm nguyên nhân khác nhau mà tình trạng của trẻ có thể diễn biến cấp tính trong vài ngày hoặc kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng. Đau bụng và nôn cấp tính nhiều khi là các dấu hiệu chỉ điểm của nhiều bệnh nguy hiểm cần phải được can thiệp khẩn cấp.

Đối với trường hợp đau bụng và buồn nôn cấp tính mà nhiều bố mẹ đang lo lắng thời gian gần đây, PGS Việt Hà chỉ ra một số nguyên nhân sau:

- Viêm dạ dày - ruột cấp do virus như rotavirus, norovirus, calicivirus, adenovirus, COVID-19.

- Nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm, bị nhiễm khuẩn.

- Ngộ độc thực phẩm: Trẻ bị ngộ độc thường có cảm giác buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng có thể có nhày máu. Trẻ có thể không sốt hay sốt cao trên 38 độ C.

- Chế độ ăn không phù hợp như ăn uống quá độ, dị ứng thức ăn, hay độc chất hoặc dùng thuốc quá liều cũng là nguyên nhân thường gặp gây nôn trớ và đau bụng ở trẻ em.

- Một số bệnh lý cấp cứu ngoại khoa cần phải nhanh chóng phẫu thuật như lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột…

Trẻ bị nôn, đau bụng do rất nhiều nguyên nhân do vậy việc điều trị cũng phải dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Ảnh minh họa.

Trẻ bị nôn, đau bụng do rất nhiều nguyên nhân do vậy việc điều trị cũng phải dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Ảnh minh họa.

Dấu hiệu khi trẻ nôn, đau bụng cấp tính là gì?

Trường hợp trẻ đau bụng theo PGS Việt Hà, biểu hiện đau bụng ở trẻ em khác nhau theo nguyên nhân gây bệnh và lứa tuổi của trẻ:

- Với trẻ chưa biết nói thường sẽ biểu hiện bằng triệu chứng như: quấy khóc liên tục với vẻ mặt nhăn nhó đau đớn.

- Với trẻ lớn hơn có thể sẽ nói với cha mẹ về tình trạng đau bụng, xác định được vị trí đau và mô tả được tính chất của cơn đau dù không phải lúc nào cũng chính xác.

Trẻ cần được đưa đến bệnh viện nếu đau ở vị trí dưới rốn và nghiêng về phía bên phải, đau bụng lan xuống vùng bẹn kèm theo đi tiểu khó, cơn đau kéo dài quá 24 giờ hay mức độ đau trở nên trầm trọng hơn vì trong tình huống này đau bụng có thể do viêm ruột thừa hay những vấn đề nghiêm trọng khác.

Trường hợp trẻ nôn: Bác sĩ Việt Hà chỉ dẫn, hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu nôn kéo dài trên 24 giờ hoặc trẻ nôn liên tục, nôn ra tất cả mọi thứ sau khi ăn hoặc uống, dịch nôn có màu xanh hoặc vàng, có sự hiện diện của máu đỏ tươi hoặc máu đông.

Trường hợp trẻ tiêu chảy: Đây là triệu chứng thường xuất hiện đồng thời hoặc sau nôn, đau bụng. Tình trạng tiêu chảy có thể tồn tại ngay cả khi đau bụng đã hết. Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế nếu trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều nước, nhiều lần trong ngày, phân nhày máu hoặc có biểu hiện mất nước.

Cần lưu ý với trẻ đã mắc COVID-19 vì các nghiên cứu trên thế giới cho thấy 30-40% trẻ em nhiễm COVID-19 có biểu hiện triệu chứng tiêu hoá như nôn, đau bụng, tiêu chảy.  Sau nhiễm COVID-19 từ 4 đến 6 tuần khoảng 10% trẻ có biểu hiện đau bụng, nôn.

Việc xử lý khi trẻ bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy tại nhà là rất quan trọng trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Việc xử lý khi trẻ bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy tại nhà là rất quan trọng trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Cách xử trí khi trẻ đau bụng và nôn tại nhà

Việc xử trí trẻ đau bụng và nôn tại nhà là rất quan trọng, từ đó có thể xác định tình trạng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Cụ thể, PGS Nguyễn Thị Việt Hà hướng dẫn cha mẹ khi thấy trẻ đau bụng, buồn nôn tại nhà như sau:

- Trấn an, vỗ về và cho trẻ nằm nghỉ.

- Theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

- Không sử dụng thuốc giảm đau vì có thể làm che lấp những dấu hiệu cần thiết để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán.

- Cho trẻ uống nước đủ để tránh cho trẻ bị mất nước khi nôn hay tiêu chảy nhiều. Tốt nhất cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Khi trẻ uống bù nước và điện giải theo đúng hướng dẫn theo nguyên tắc ít một nhưng vẫn bị nôn, tình trạng đi ngoài còn nhiều, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch

- Không tự sử dụng thuốc cầm nôn và cầm tiêu chảy.

- Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh và cho ăn trở lại bình thường và ăn nhiều hơn khi trẻ hồi phục.

- Nếu trẻ có biểu hiện sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ hãy sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường như Efferalgan, Hapacol, Tylenol.

- Không tự ý dùng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.

Theo PGS Việt Hà, nôn trớ và tiêu chảy có thể làm gia tăng lây nhiễm trong gia đình. Cha mẹ nên chú ý phòng ngừa lây nhiễm trong gia đình và người xung quanh bằng cách rửa tay với nước và xà phòng sau khi thay bỉm, quần áo cho trẻ, trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ bệnh nghỉ học giúp hạn chế lây lan.

Con đau bụng 2 tuần mẹ nghĩ rối loạn tiêu hóa, tới viện phải vào mổ ngay vì bệnh hiếm
Nghĩ con bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhưng khi vào Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) cấp cứu, bé V.H.M. được chẩn đoán mắc bệnh bẩm sinh...

Các vấn đề sức khỏe khác

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Rối loạn tiêu hóa