Các dữ liệu cho thấy nguy cơ chuyển nặng ở phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có triệu chứng cao hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai, đồng thời có thể tăng nguy cơ sinh non...
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn dự phòng và xử lý COVID-19 cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh nhằm giảm thiếu những ảnh hưởng của COVID-19 tới nhóm đối tượng này.
COVID-19 ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thế nào?
Theo Bộ Y tế, hiện nay, nguy cơ mắc thể nặng ở phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 có triệu chứng cao hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai. Trong đó có cả nhóm phải nằm ở khoa chăm sóc tích cực, thở máy và hỗ trợ thông khí (ECMO). Tỷ lệ tử vong khi mắc COVID-19 ở mẹ bầu cũng cao hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai có triệu chứng.
Hiện cũng đã có những bằng chứng khoa học cho rằng viêm phổi do virus ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong chu sinh...
Phụ nữ mang thai mắc COVID-19 dễ chuyển nặng hơn phụ nữ không mang thai.
Đối với trẻ sơ sinh Bộ Y tế cho biết, qua các báo cáo cho thấy đa phần trẻ có triệu chứng vừa và nhẹ, khoảng 2% trẻ cần hồi sức tích cực và tỉ lệ tử vong là 0,08%. Trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 được báo cáo có thể có các triệu chứng sốt, li bì, ho, thở nhanh, thở gắng sức, ngưng thở, nôn, tiêu chảy và bú kém. Một số triệu chứng rất khó phân biệt với các bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh như chậm hấp thu dịch phế nang, bệnh màng trong và nhiễm trùng sơ sinh.
Phương pháp chăm sóc thiết yếu đối với trẻ sơ sinh sớm gồm da kề da với mẹ và bú sữa mẹ được chứng minh là giảm tỷ lệ hạ thân nhiệt, hạ đường máu, suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh, giảm sang chấn tâm lý, giảm tử vong và bệnh tật cho mẹ và trẻ.
Khi nào nên can thiệp sản khoa?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về điều trị dọa sảy thai, dọa đẻ non, cần căn cứ vào tình trạng của thai phụ, thai nhi và nên hội chẩn với các chuyên khoa truyền nhiễm/hồi sức/sơ sinh.
Đối với những trường hợp mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng hoặc chỉ ở mức độ nhẹ thì cần điều trị theo hướng. Nếu tuổi thai từ 39 tuần trở lên thì xem xét chỉ định chấm dứt thai kỳ.
Tùy vào diễn biến, tuổi thai các bác sĩ sẽ đưa ra quyết định chấm dứt thai kỳ.
Nếu tuổi thai 37 tuần-38 tuần 7 ngày mà không có chỉ định sản khoa khác cần xem xét theo dõi thai thường quy cho đến 14 ngày kể từ khi thai phụ có xét nghiệm COVID-19 dương tính hoặc 7 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng hoặc 3 ngày kể từ khi có sự cải thiện các triệu chứng.
Đối với những trường hợp mắc COVID-19 nặng hoặc tiên lượng diễn tiến nặng/nguy kịch trong vòng 24 giờ: trường hợp không thở máy, nếu tình trạng mẹ diễn tiến xấu dần, thì cân nhắc chấm dứt thai kỳ khi thai lớn hơn 32 tuần bằng cách khởi phát chuyển dạ, theo dõi sinh đường dưới hoặc mổ lấy thai.
Trường hợp có thở máy, nếu thai lớn hơn 32 tuần thì xem xét chỉ định mổ lấy thai; Nếu thai từ 32 tuần trở xuống và có khả năng sống, được chỉ định sinh thì nên trì hoãn trong trường hợp tình trạng của mẹ ổn định hoặc có cải thiện; nếu trường hợp tình trạng mẹ diễn tiến xấu hơn thì mổ lấy thai;
Bộ Y tế lưu ý, cần cân nhắc chỉ định mổ lấy thai khi tuổi thai dưới 30 tuần; cân nhắc đến việc chấm dứt thai kỳ trong trường hợp sản phụ mắc COVID-19 thể nặng, ảnh hưởng nặng đến chức năng hô hấp sau khi hội chẩn giữa chuyên khoa sản, chuyên khoa hồi sức, gây mê hồi sức, sơ sinh.
Trẻ sơ sinh mắc COVID-19 cũng có hướng dẫn điều trị cụ thể tùy vào tình trạng của trẻ.
Với trẻ sơ sinh mắc COVID-19: Nếu trẻ có dấu hiệu suy hô hấp, cần được theo dõi các chức năng sống liên tục qua monitor. Nếu trẻ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, ghi nhận các chức năng sống 4-6 giờ/lần.
Đối với trẻ sơ sinh cần được chăm sóc lâu dài tại bệnh viện, người chăm sóc nên tiếp tục sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân thích hợp để phòng lây nhiễm bệnh. Trẻ sơ sinh mắc COVID-19 đang được hỗ trợ hô hấp cần được nằm trong lồng ấp hoặc trong phòng riêng. Lưu ý khoảng cách 2 mét giữa các nôi trẻ bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo.