BS dinh dưỡng khuyên cách ăn nội tạng động vật thoải mái không lo nhiễm sán hay bệnh

Ngày 25/09/2019 00:14 AM (GMT+7)

Nội tạng động vật thường được xem là những phế phẩm bỏ đi và chứa những chất độc hại. Thực tế, nếu được lựa chọn, chế biến khéo léo và sử dụng đúng cách, chúng sẽ mang đến những lợi ích dinh dưỡng không nhỏ cho người lớn và trẻ em.

Được xem là tín đồ của món cháo lòng nên hầu như tuần nào, gia đình chị Nguyễn Thị Bích Phương (35 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) cũng ăn sáng bằng cháo lòng 3-4 lần. “Cả nhà tôi ai cũng thích món này, đặc biệt là bé trai 4 tuổi. Đây là món ăn ngon, lại dễ ăn. Những hôm nào bận bịu thì tôi cho con ăn ở quán quen vẫn hay ăn dưới chung cư, hôm rảnh rỗi thì tôi sẽ tự đi chợ mua lòng về chế biến cho cả gia đình. Tôi khá an tâm vì lòng được chế biến sạch sẽ, hợp vệ sinh nên không sợ bị nhiễm bệnh”.

BS dinh dưỡng khuyên cách ăn nội tạng động vật thoải mái không lo nhiễm sán hay bệnh - 1

Cháo lòng là một món ăn khoái khẩu của nhiều người. (Ảnh minh họa)

Từng mở một cửa hàng phá lấu đắt khách trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) nên bà Lê Thị Giang (56 tuổi) có khá nhiều kinh nghiệm trong việc chế biến món ăn này. Theo lời bà, việc chế biến các món ăn có liên quan đến nội tạng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn nguyên liệu, không nên lựa chọn những loại nội tạng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. “Ví dụ như mua phải lòng lợn bệnh thì khi chế biến món ăn sẽ có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Theo tôi nghĩ chỉ cần lựa chọn thực phẩm sạch, chế biến hợp vệ sinh thì ăn sẽ an toàn. Lớn hay nhỏ gì cũng không sợ mắc bệnh”, bà Giang nói.

Phân tích về giá trị dinh dưỡng trong các loại nội tạng động vật, Thạc sĩ - bác sĩ Mai Quang Huỳnh Mai - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết nội tạng động vật thường được xem là những phế phẩm bỏ đi và chứa những chất độc hại. Thực tế, nếu được lựa chọn, chế biến khéo léo và sử dụng đúng cách, chúng sẽ mang đến những lợi ích dinh dưỡng rất lớn cho cả người lớn và trẻ em.

BS dinh dưỡng khuyên cách ăn nội tạng động vật thoải mái không lo nhiễm sán hay bệnh - 2

Cần lưu ý khi sử dụng những món ăn làm từ nội tạng động vật. (Ảnh minh họa)

Liệt kê chất dinh dưỡng từ một số loại nội tạng, bác sĩ Huỳnh Mai cho biết:

- Gan: Là nguồn nguyên liệu cung cấp vitamin A tuyệt vời. Bên cạnh đó, gan còn chứa các yếu tố vi lượng khác như acid folic, sắt, chromium, đồng, kẽm và góp phần cải thiện huyết sắc tố trên những bệnh nhân thiếu máu.

- Thận: Giàu đạm và acid béo omega 3, có chứa các chất có tác dụng kháng viêm.

- Não: Giàu omega 3, phosphatidyl choline, phosphatidyl serin, tốt cho hệ thần kinh. Các chất chống oxy hóa giúp chống đỡ quá trình vi tổn thương của hệ thần kinh trung ương.

- Tim: Là nguồn cung cấp folate, sắt, kẽm và selen phong phú. Nó còn là kho chứa vitamine B1, B6, B12. Vitamin nhóm B có tác dụng bảo vệ trên hệ tim mạch, góp phần duy trì huyết áp ổn định, giảm cholesterol và giúp thành mạch được mạnh khỏe. Chúng còn có tác dụng tốt trên não, giảm thiểu nguy cơ bệnh Alzheimer’s, trầm cảm và lo âu. Tim động vật còn là nguồn cung cấp coenzyme Q10 - chất chống oxy hóa giúp chống quá trình chết tế bào theo chương trình, đặc biệt là tế bào cơ tim.

- Lưỡi: Giàu năng lượng và acid béo cùng những yếu tố vi lượng như kẽm, sắt, choline, vitamin B12. Lưỡi rất tốt cho bệnh nhân vừa hồi phục sau bệnh hoặc phụ nữ mang thai. Ngoài ra, trong nội tạng động vật cũng có chứa folate là một loại vitamin có giá trị hỗ trợ cho quá trình sinh sản và tránh dị tật trên thai nhi.

Lưu ý khi ăn nội tạng 

Mặc dù giàu giá trị dinh dưỡng nhưng cần thận trọng khi ăn vì trong nội tạng động vật chứa hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao. Do đó, bác sĩ Mai khuyến cáo cần sử dụng một cách cân đối. Việc ăn thường xuyên các loại nội tạng sẽ làm tăng mỡ máu và có hại cho tim mạch. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo chỉ nên bổ sung lượng chất béo bão hòa bằng 5%-6% lượng calo tiêu thụ hàng ngày. Đây là lý do người Mỹ không ăn hoặc ăn rất ít nội tạng.

“Bên cạnh đó, cần lưu ý các loại nội tạng cũng giàu purine nên hạn chế sử dụng với những bệnh nhân tăng acid uric máu. Một điều đặc biệt cần lưu ý là khả năng nhiễm độc khi dùng nội tạng. Nếu con vật bị nhiễm trùng, ký sinh trùng hoặc chất độc thì không chỉ nội tạng mà thịt động vật cũng có thể bị nhiễm theo”, bác sĩ Mai nhấn mạnh.

BS dinh dưỡng khuyên cách ăn nội tạng động vật thoải mái không lo nhiễm sán hay bệnh - 3

Mua nguyên liệu ở những địa chỉ uy tín vì con vật có khỏe mạnh thì thịt và nội tạng của chúng mới an toàn. (Ảnh minh họa)

Để ăn nội tạng động vật một cách hợp lí và tốt cho sức khỏe, cũng như việc cho trẻ em ăn loại thực phẩm này khoa học, bác sĩ Mai khuyến cáo phụ huynh cần:

- Mua nguyên liệu ở những địa chỉ uy tín (trong tình hình dịch bệnh ở động vật đang bùng phát) vì con vật có khỏe mạnh thì thịt và nội tạng của chúng mới an toàn.

- Bên cạnh đó phải luôn tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi trong chế biến.

- Không nên cho trẻ em ăn tiết canh vì không đảm bảo vệ sinh và tồn đọng nhiều nguy cơ nhiễm bệnh

- Không nên tin theo quan niệm ăn gì bổ nấy.

- Nội tạng là nguồn cung cấp chất đạm và béo là chủ yếu bên cạnh các yếu tố dinh dưỡng khác. Vì vậy, khi ăn phải cân đối khẩu phần (một phần ăn dặm của trẻ cần phải đảm bảo 4 nhóm thực phẩm tinh bột – đạm – béo – vitamine và chất xơ). Nên cho trẻ ăn đa dạng hóa thực phẩm, không tập trung một món kéo dài. Nếu trẻ không bị dị ứng với loại thực phẩm nào thì có thể bắt đầu tập ăn từ 6 tháng .

Không muốn bệnh đầy người thì đừng ăn lòng lợn theo cách này
Lòng lợn là món khoái khẩu của khá nhiều người, tuy nhiên ăn lòng lợn thế nào để không hại sức khoẻ, không rước bệnh vào người lại là điều không phải...
Huy Vân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe