Nhiều người cho rằng dùng gừng buổi tối độc như thạch tín. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây chỉ là nói quá, không có cơ sở khoa học nào chứng minh điều đó.
Thời gian gần đây khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh rất nhiều người chia sẻ những bài thuốc dân gian nhằm tăng sức đề kháng, giữ ấm cơ thể… trong đó có một số bài thuốc từ củ gừng. Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng việc dùng gừng không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe.
"Gừng ăn buổi tối độc ngang thạch tín" là lời truyền miệng, không có cơ sở
Cụ thể, có ý kiến cho rằng nếu ăn (sử dụng) gừng vào buổi sáng thì sẽ tốt hơn cả uống nhân sâm, còn sử dụng vào buổi tối thì “độc ngang thạch tín”. Trước những chia sẻ trên, đại tá - lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y quận Ba Đình - Hà Nội) cho biết, câu nói ăn gừng vào buổi tối độc ngang thạch tín chỉ là lời truyền miệng, không có cơ sở khoa học.
Lương y Minh cho biết, trong sách cổ có câu nói này, tuy nhiên đây chỉ là kinh nghiệm chứ nhiều nghiên cứu đều không chứng minh được điều này. Thực tế cho thấy, việc sử dụng gừng vào buổi tối bằng cách này hay cách khác như nấu canh cho thêm chút gừng, gà rang gừng… vẫn được người dân sử dụng thường xuyên vào bữa cơm tối và không ai bị sao cả.
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, gừng là vị thuốc tốt việc nói dùng buổi tối độc như thạch tín là không đúng.
Còn về phương diện đông y, lương y Bùi Hồng Minh vẫn sử dụng gừng trong một số bài thuốc dùng vào buổi tối để trị bệnh, điển hình như việc dùng gừng + muối + mật ong, cô thành viên để ôn ấm thận, an thần giúp ngủ ngon…
Đồng quan điểm trên, lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, gừng có thể chữa được cảm lạnh và là vị thuốc được sử dụng rất phổ biến trong đông y. Theo đó, có khoảng 70% đơn thuốc đông y có vị gừng, qua đó có thể thấy rằng gừng có vị trí cực kỳ quan trọng trong hỗ trợ chữa bệnh.
Còn theo phân tích của y học hiện đại, gừng có chứa tinh dầu 2%–3%, chất nhựa 5%, chất béo 3%, tinh bột và các chất cay như zingeron, shogaola. Gừng được cho là có nhiều công dụng tốt với sức khỏe.
Việc mọi người nói kiêng ăn gừng vào buổi tối là do trong gừng có chứa chất Cineole giúp giải tỏa stress, trị bệnh nhức nửa đầu, giúp tinh thần sảng khoái. Tuy nhiên nếu uống hoặc ăn gừng nhiều vào bữa tối, hoặc sau bữa tối sẽ khiến tinh thần sảng khoái, gây mất ngủ…
Lưu ý khi sử dụng gừng để không gây hại
Việc sử dụng dù bất kỳ loại thực phẩm hay gia vị, bài thuốc nào cũng chỉ nên dùng vừa đủ, bởi cái gì ăn nhiều cũng không tốt và gừng cũng không ngoại lệ. “Do gừng có tính nóng vì vậy không nên dùng liều cao, quá nhiều vào buổi tối. Liều dùng gừng làm thuốc trị bệnh an toàn 1,5-5g”, lương y Bùi Hồng Minh chia sẻ.
Một số người không nên dùng gừng vào buổi tối.
Hai chuyên gia trên cũng khuyến cáo, người âm hư, nóng bên trong (hàn nhiệt, thể nhiệt) và phụ nữ có thai không nên dùng gừng. Tốt nhất, khi sử dụng gừng làm thuốc, trị bệnh nên hỏi ý kiến thầy thuốc. Ngoài ra, khi sử dụng gừng không nên gọt vỏ vì vỏ gừng cũng có rất nhiều công dụng chữa bệnh. Vỏ gừng được gọi là khương bì có tác dụng lợi tiểu.
Dưới đây là một số bài thuốc từ gừng dùng để hỗ trợ điều trị một số bệnh:
- Người bị đau nửa đầu, dùng nước gừng nóng xoa đều ra hai tay sau đó bóp đều quanh vùng đầu bị đau khoảng 15 phút, cảm giác đau đớn sẽ nhanh chóng giảm dần.
- Khi bị đau lưng và đau vai, dùng nước gừng cùng muối chườm vào chỗ đau. Gừng sẽ giúp giảm đau nhanh và lưu thông khí huyết.
- Dùng nước ép gừng tươi uống thay trà giúp chữa lành vết loét. Hay dùng nước gừng tươi thêm muối uống nóng 2-3 lần/ngày trị chứng cổ họng bị rát, ngứa. Nước gừng còn có tác dụng trị sâu răng và phòng ngừa các bệnh về răng miệng.
- Trẻ nhỏ bị giun kim, dùng nước gừng ấm vệ sinh hậu môn giúp giảm ngứa. Nếu uống thêm nước gừng ấm trong 10 ngày sẽ có tác dụng diệt giun kim.