Các vị cấu thành trong phương thuốc của đông y có cơ chế phòng ngừa chuột rút giống như tân dược.
Chuột rút (còn gọi là vọp bẻ) gây ra cảm giác đau bởi sự co rút, thường là co cơ, có thể do trời lạnh hay hoạt động quá mức, sức khỏe giảm sút hoặc bị ngộ độc.
Nhìn chung, chứng chuột rút thường không có nguyên nhân rõ ràng. Các nguyên nhân có thể gặp là thiếu nước, ôxy và khoáng chất trong cơ thể như canxi, magiê, natri kali, kẽm hay tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới bởi chúng là dưỡng chất cũng là chất xúc tác giúp hơn 300 enzym hoạt hóa chức năng duy trì và phát triển bền vững cơ thể; phòng chống rối loạn nhịp tim, run cơ, co giật, trầm cảm, chuột rút… Song điều này còn có thể xảy ra sau khi tập thể dục, lọc thận, đổ mồ hôi quá nhiều mà không được bù đủ nước và muối, dùng thuốc lợi tiểu, đang có thai...
Đông y cho rằng chứng chuột rút là do lạnh gây co cứng và khí huyết ứ trệ. Bởi vậy, thường dùng phương thuốc thư cân hoạt huyết gồm 11 vị (phòng phong, kinh giới, độc hoạt, đương quy, tục đoạn, thanh bì, hồng hoa, chỉ xác, ngũ gia bì, đỗ trọng, ngưu tất), gia giảm từng vị từ 6 - 12 g. Sắc uống, mỗi đợt 5 ngày. Xét về các vị cấu thành trong phương thuốc trên có cơ chế phòng ngừa chuột rút giống như tân dược.
Nguyên nhân gây chuột rút có thể do thiếu nước, ôxy, một số khoáng chất trong cơ thể hay tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới... (Ảnh: Internet)
Đặc biệt hơn là có thể sử dụng các món ăn bài thuốc nhằm bổ sung những khoáng chất như canxi, magiê, natri, kali, kẽm, vitamin B6… thường là những yếu tố khi cơ thể thiếu dẫn đến chứng bệnh này. Dưới đây xin giới thiệu những món ăn ấy:
- Cháo hến: Hến sông 1,5 kg, gạo tẻ 100 g, gia vị chanh, ớt.
Cách làm: Hến luộc chín, lấy nước và thịt, bỏ vỏ. Nước luộc hến cùng gạo nấu thành cháo, thịt hến trộn gia vị, sau đó phi hành mỡ thơm, cho thịt hến vào cùng gia vị mắm, muối xào chín. Chờ khi cháo chín kỹ, cho món xào này vào trộn đều là được, thêm chanh, ớt, rau thơm; ăn nóng. Một tuần dùng 3-4 lần. Công dụng: Thịt hến tính mát, tác dụng bổ âm, cung cấp một số vi lượng cần thiết cho cơ thể, chủ yếu là canxi và kẽm. Tái lập và hoàn thiện quá trình dẫn truyền thần kinh, ổn định chức năng cơ bắp, từ đó có giá trị hữu hiệu phòng chống co cơ, chuột rút.
- Cháo thuốc với chân gà: Chân gà 6 cái, gạo tẻ 100 g, hoàng kỳ, đương quy, phòng sâm mỗi vị 15 g; gia vị vừa đủ.
Cách làm: Chân gà nướng vàng, chín thơm là được. Hoàng kỳ, đương quy, phòng sâm cho vào ấm đổ nước sắc cho sôi kỹ, lọc lấy nước, bỏ bã. Gạo, nước thuốc, chân gà hầm cùng nhau thành cháo cho chín kỹ, nêm gia vị, hành hoa rồi ăn nóng. Công dụng: Bổ khí huyết, tăng sức bền và chức năng hoạt động của cơ bắp, phù hợp với người sức yếu, hay bị run giật, co cơ, chuột rút, ăn ít, sức lao động giảm sút.
- Dùng cây việt quất hoặc cây nham lê: Sử dụng lá. Uống 3 ly nhỏ mỗi ngày.
- Đập dập cây tầm ma, hạt lanh, cây nữ lang và chanh: Sau đó thêm nửa lít nước vào hỗn hợp thảo mộc trên. Tiếp tục đun sôi từ 2- 5 phút. Thêm mật ong vào hỗn hợp nước này trước khi uống.
- Cây húng tây: Sử dụng hoa rồi đem sắc uống 4 ly nhỏ mỗi ngày.
- Cây thìa là: Sử dụng quả và hạt rồi sắc lấy nước uống mỗi ngày 4 ly nhỏ.
Nếu chuột rút ở cơ bắp có thể dùng các loại sau để mát-xa sẽ nhanh chóng thoát khỏi chứng co rút.
- Dầu ô liu: Mát-xa phần cơ bắp bị ảnh hưởng bởi chuột rút với dầu ôliu.
- Cúc La Mã (cúc làm thuốc), hoa oải hương và hương thảo: Mát-xa nhẹ nhàng vùng đau với các loại thảo mộc này đã được pha loãng trong một chút dầu ôliu (điều này giúp thư giãn và kích thích tuần hoàn).
- Dùng giấm táo: Khi bị một cơn co cứng đau đớn, nhanh chóng ngâm một bông gòn trong giấm táo. Lấy bông gòn ra vắt rồi đặt trên các vùng bị ảnh hưởng do chuột rút. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng giảm sự khó chịu.
Lưu ý: Nếu da quá mỏng và nhạy cảm, hãy giảm bớt thời gian nén bông gòn thấm giấm táo.