Việc áp dụng chế độ thực dưỡng, nhất là với những người đang có bệnh lý mãn tính là vô cùng nguy hiểm vì có thể sẽ phải trả giá bằng tính mạng.
Hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội có rất nhiều bài viết về việc áp dụng chế độ ăn thực dưỡng tốt cho sức khỏe, thậm chí có những thông tin cho rằng ăn thực dưỡng có thể chữa được các bệnh lý như ung thư, tiểu đường. Tin theo lời quảng cáo trên mạng, không ít người bệnh tự ý bỏ điều trị, áp dụng ăn thực dưỡng và đã có trường hợp tử vong.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân tên L.T.H. (38 tuổi, là giáo viên ở Hà Tĩnh). Sau khi tới Bệnh viện K Trung ướng khám và được chẩn đoán bị ung thư vú, thay vì điều trị tại viện, bệnh nhân chọn ăn thực dưỡng với mong muốn đẩy tế bào ung thư ra khỏi cơ thể màkhông cần dao kéo.
Sau khi áp dụng chế độ ăn với thực đơn chủ yếu là gạo lứt, muối mè, bệnh nhân H. bị suy kiệt sức khỏe, sụt gần 10kg, khó thở… Thấy vậy, gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu khẩn cấp. Tại bệnh viện, do sức khỏe suy yếu, ung thư vú di căn kèm tràn dịch màng phổi, dù đã được các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng bệnh nhân không thể qua khỏi.
Việc thực hiện chế độ ăn chỉ có gạo lứt, muối mè rất có hại với những người có bệnh lý kèm theo nhất là ung thư. (Ảnh minh họa)
Cũng tại Bệnh viện K Trung ương, vào giữa năm 2020, câu chuyện một bé gái 3 tuổi bị ung thư máu tử vong vì bỏ điều trị, ăn theo chế độ thực dưỡng khiến nhiều người đau lòng.
Theo đó, sau khi được chẩn đoán bị ung thư máu dạng cấp, dù được chuyển lên tuyến trung ương để điều trị nhưng mẹ cháu bé đã xin về chữa bằng thực dưỡng. Hàng ngày, người mẹ cho con nhai gạo sống, ăn cơm gạo lứt với tương tekka, nhai trà thất vị (một loại trà gồm nhiều loại gạo và đậu rang lên, nấu nước), ăn tương sắn dây…
Mẹ bé cũng phải áp dụng ăn theo công thức thực dưỡng số 7, chỉ ăn cơm lứt và muối vừng rồi cho con bú. Sau một thời gian áp dụng phương pháp trên, cháu bé chưa đầy 3 tuổi đã tử vong trong sự xót thương và ân hận của bố mẹ.
TS.BS Đỗ Huyền Nga, phụ trách khoa Nội Hệ tạo huyết - Bệnh viện K chia sẻ, trường hợp của bệnh nhi trên rất đáng tiếc. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với những người mắc ung thư không nên mù quáng tin vào các phương pháp không có cơ sở khoa học.
TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết các thực phẩm có trong chế độ ăn thực dưỡng không hề xấu. Ví dụ như ngũ cốc nguyên cám, rau củ, thực phẩm ít chế biến đều rất tốt và có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tuy nhiên, cách áp dụng những thực phẩm này trong chế độ ăn, hay nói cách khác là ăn thực dưỡng để kiểm soát hoặc chữa các bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường là hoàn toàn sai lầm.
Theo đó, dù là người bệnh hay người khỏe mạnh chế độ ăn cũng phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất cần thiết (đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Đối với những người có bệnh lý như tiểu đường, tim mạch, ung thư, trong quá trình thăm khám các bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn phù hợp nhất.
Ví dụ người mắc bệnh ung thư, nếu không cung cấp đủ năng lượng, chỉ ăn các thực phẩm như gạo lứt, muối mè, sữa hạt (thực dưỡng), cơ thể sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật cũng như áp dụng các phương pháp điều trị.
“Với bệnh nhân ung thư, thực dưỡng không những không có lợi, mà còn gây hại vì khi bổ sung dinh dưỡng kém, bệnh nhân sẽ không đủ sức điều trị, tăng nguy cơ biến chứng, nhiễm trùng…”, TS Sơn chia sẻ.
Ngoài dùng thực dưỡng chữa bệnh, nhiều người áp dụng thực dưỡng để giảm cân. Đây cũng là điều không nên, mà cách giảm cân khoa học được các tổ chức y khoa và dinh dưỡng khuyến cáo là áp dụng chế độ ăn hạn chế năng lượng ăn vào dựa trên chính chuyển hóa cơ bản của mỗi người.
Trong đó, việc cân bằng giữa các nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng bao gồm đạm, chất béo và chất bột đường, rau xanh hoa quả và sữa rất cần thiết vì sẽ giúp cơ thể không bị thiếu hụt quá nhiều vi chất dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, việc tăng cường tập thể dục phù hợp để tăng tiêu hao năng lượng cũng nên được chú trọng. Đây là cách giảm cân truyền thống, hiệu quả tuy chậm nhưng chắc chắn và bền vững.