Nữ ca sĩ Hari Won từng không ít lần bị co giật do bị hạ canxi khiến ông xã Trấn Thành lo lắng.
Tham gia chương trình Vô lăng tình yêu, mới đây Trấn Thành chia sẻ Hari Won từng lên cơn co giật ngay tại sân bay và tiết lộ căn bệnh hạ canxi mà cô hay gặp phải.
"Không biết mọi người có nghe thấy bệnh tụt canxi không nhưng vợ tôi thường xuyên bị tụt canxi”, nam diễn viên hài kể lại. Theo lời kể của Trấn Thành, sau một lần cả hai cãi nhau, Hari Won bất ngờ bị run tay chân, mất tự chủ, không kiểm soát được, méo miệng. Lúc đó, nam danh hài không biết Hari Won đang bị tụt canxi, chỉ thấy vợ bảo chóng mặt quá. Sau đó, Trấn Thành mau chóng đưa vợ tới bệnh viện tại Hải Phòng.
Trấn Thành kể lại chuyện Hari Won từng bị hạ canxi vài lần khiến anh lo lắng.
Một lần khác, vợ chồng Trấn Trành lại cãi nhau và Hari Won cũng bị lên cơn co giật y như vậy. "Đến lúc đó bác sĩ mới chỉ cho tôi biết đây là chứng hạ canxi. Chứng này còn nặng hơn tụt đường huyết, khiến mình bị co giật. Nguyên là do vợ tôi xúc động, stress mạnh quá'' - MC Trấn Thành nói.
Trước đó, nam ca sĩ Lam Trường cũng từng phải nhập viện vì bị hạ canxi hồi tháng 5. Nam ca sĩ từng chia sẻ: "Tôi cảm, sốt, khó chịu trong người. Tối qua, tôi bị choáng, đầu óc quay cuồng nên được người nhà đưa vào bệnh viện. Trước đây những khi lo lắng, tôi cũng bị hạ canxi. Nếu nghỉ ngơi vài ngày chắc tôi khỏe lại".
Ngoài Hari Won, nam ca sĩ Lam Trường cũng từng nhập viện vì bị hạ canxi.
Chứng hạ canxi là gì? Những nguyên nhân nào gây hạ canxi?
Hạ canxi hay chính xác hơn là hạ canxi máu là hiện tượng thường gặp ở những đối tượng thiếu canxi như: suy dinh dưỡng, ăn uống không đủ canxi, mắc các bệnh lý tuyến giáp, suy thận... Nếu không được điều trị kịp thời, hạ canxi máu có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng thiếu canxi.
Do bệnh lý: Những bệnh như suy tuyến cận giáp trạng, phẫu thuật tuyến giáp, suy thận cấp giai đoạn phục hồi… có thể gây hạ canxi máu
Không do bệnh lý: Nhóm nguyên nhân này có thể do mất canxi nhiều qua nước tiểu do dùng thuốc lợi tiểu, do suy dinh dưỡng hoặc do ăn uống kiêng khem quá mức dẫn đến thiếu lượng canxi và vitamin D cần thiết cho cơ thể.
Hiện tượng kiềm máu: Một trường hợp đặc biệt gây nên sự thiếu tương đối canxi ion hóa (có hoạt tính) đó là hiện tượng kiềm máu (pH máu trên 7,45). Khi máu có tính kiềm cao, một lượng đáng kể canxi ion hóa sẽ tăng gắn vào protein huyết tương (trở thành canxi không hoạt tính) dẫn đến lượng canxi có hoạt tính bị thiếu và các triệu chứng của thiếu canxi máu sẽ xảy ra. Hiện tượng kiềm máu này rất hay gặp ở người bình thường nhất là phụ nữ trẻ, sau những stress tâm lý dẫn đến việc kích thích, thở nhanh gây kiềm hô hấp và hiện tượng thiếu tương đối canxi ion hóa sẽ xảy ra.
Bàn tay co quắp là biểu hiện của hạ canxi máu. (Ảnh minh họa)
Triệu chứng của hạ canxi máu
- Co thắt các cơ: Người bệnh đột ngột thấy tê đầu chi, lưỡi; thở nhanh, kích thích hoảng hốt, chuột rút các bắp chân; co cứng không chủ động các đầu chi khiến cho bàn tay co quắp, mỗi cơn có thể kéo dài từ vài phút đến hàng giờ.
- Các cơ trơn cũng có thể bị co thắt gây nên triệu chứng đau bụng, nôn mửa. Trong nhiều trường hợp, khi cơn hạ canxi máu xảy ra khiến cho bệnh nhân hoảng sợ, kích thích thở nhanh càng làm cho tình trạng nặng hơn.
- Nguy hiểm nhất là co thắt thanh môn khiến cho bệnh nhân bị suy hô hấp và loạn nhịp tim nếu lượng canxi máu xuống quá thấp, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Làm thế nào có thể ngăn ngừa hạ canxi máu?
Sữa và chế phẩm sữa, cá nhỏ nguyên xương, cua đồng, tôm tép là nguồn cung cấp canxi quan trọng, trong đó, canxi trong sữa dễ hấp thu hơn là từ các nguồn thực phẩm khác. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hàm lượng canxi trong 100g thực phẩm ăn được tính như sau: Cua đồng: 5.040mg; Rạm tươi: 3.520mg; Tép khô: 2.000mg; Ốc đá: 1.660mg; Sữa bột tách béo: 1.400mg; Ốc nhồi: 1.357mg; Ốc bươu: 1.310mg; Tôm đồng: 1.120mg; Sữa đặc có đường: 307mg; Tôm khô: 236mg; Lòng đỏ trứng vịt: 146mg; Hến: 144mg; Lòng đỏ trứng gà: 134mg; Sữa bò tươi: 120mg; Sữa chua: 120mg
Chỉ nên dùng viên canxi bổ sung khi có chỉ định của bác sĩ.
Hạn chế ăn muối, uống cà phê, rượu,… vì những chất này thường kìm hãm khả năng hấp thu canxi.
Một chế độ ăn nhiều đạm, đặc biệt là đạm động vật (thịt, cá, tôm…) hoặc nhiều muối có thể gây ra hiện tượng tăng thải và mất canxi qua nước tiểu.
Với phụ nữ mang thai và trẻ đang phát triển, cần bổ sung thực phẩm giàu canxi trong thực đơn của mình. Ở người trưởng thành bình thường mỗi ngày cần 700mg/ngày, với phụ nữ mang thai là 1.000mg/ngày.
Bên cạnh đó, mỗi ngày nên dành ít nhất 15-20 phút để tắm nắng vào buổi sáng sẽ giúp cơ thể hấp thu được vitamin D vì vitamin D rất cần thiết để hấp thu canxi ở dạ dày và cho các hoạt động chức năng của canxi trong cơ thể. Vitamin D một phần nhỏ là từ thức ăn đưa vào, còn phần lớn thì phải do da tổng hợp khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời.