Tina Chow – nữ siêu mẫu châu Á đầu tiên lừng danh thế giới. Cô được xem là biểu tượng thời trang với nhan sắc hoàn mỹ, gu ăn mặc ấn tượng. Thế nhưng đến cuối đời cô lại chết vì căn bệnh thế kỷ sau một lần quan hệ đồng giới.
Nữ siêu mẫu châu Á có sự nghiệp lừng danh
Trong khi những người khác ở thập niên 70 và 80 thường thích phong cách quyến rũ thì người mẫu nổi tiếng thế giới Tina Chow lại nổi bật giữa đám đông với kiểu tóc ngắn và thời trang tối giản. Chow sở hữu hàng trăm bộ quần áo hàng hiệu nhưng quần jean và áo phông mới là trang phục yêu thích của cô. Không chạy theo xu hướng nhưng Chow luôn là người dẫn đầu và là người tạo ra xu hướng.
Tina Chow sinh năm 1950 tại Ohio, Hoa Kỳ và chuyển đến Nhật Bản vào năm 1966. Cô mang trong mình ba dòng máu là Nhật và Mỹ gốc Đức. Cô bắt đầu dấn thân vào ngành thời trang vào năm 16 tuổi khi một công ty quản lý người mẫu đã bị ấn tượng bởi nhan sắc của Chow. Sau một thời gian, Chow đã trở thành người mẫu cho một công ty mỹ phẩm hàng đầu ở Nhật Bản. Quãng thời gian sau này, cô liên tục xuất hiện trong các buổi trình diễn thời trang, bìa tạp chí và nhiều quảng cáo.
Tina Chow - siêu mẫu châu Á lừng danh làng thời trang thế giới.
Thế giới thời trang Hollywood nhưng năm cuối thập niên 60 khi ấy đã quá nhiều những nàng mẫu tóc dài vàng óng, dáng Mỹ. Vì vậy, sự xuất hiện đầy mới lạ của một cô nàng mang vẻ đẹp Á-Âu đã tác động mạnh tới làng mốt và giúp định nghĩa lại cách tiếp cận thời trang cũng như tiêu chuẩn cái đẹp.
Không chỉ được các tạp chí thời trang ca ngợi về phong cách đặc biệt của mình, Chow cũng chiếm được cảm tình của nhiều nhà thiết kế và nghệ sĩ nổi tiếng. Sau khi sự nghiệp người mẫu của Tina bắt đầu vào những năm 1970, cô kết hôn với người đàn ông sáng lập chuỗi nhà hàng Mr. Chow và nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trong thế giới nghệ thuật và thời trang.
Cuối đời điêu tàn vì căn bệnh thế kỷ
Cuối những năm 1980, Tina Chow đã kết thúc cuộc hôn nhân 17 năm sau khi vướng vào lưới tình với Richard Gere - người đã giới thiệu cô với Phật giáo Tây Tạng và Dalai Lama. Sau đó, cô lại rơi vào mối quan hệ đồng tính với nữ quý tộc người Pháp - Kim D'Estainvillle. Năm 1989, Chow bất ngờ chia sẻ rằng cô đã nhiễm HIV từ D'Estainville.
Tina Chow không may mắc phải căn bệnh thế kỷ từ mối quan hệ đồng giới.
Điều đáng buồn là Chow rất tích cực làm từ thiện cho các hoạt động liên quan tới HIV/AIDS bởi cô có nhiều người bạn đã qua đời vì căn bệnh thế kỷ. Nhưng điều không ngờ rằng chính cô lại mắc phải căn bệnh này.
Mặc dù biết bản thân bị AIDS nhưng Tina Chow lại từ chối điều trị. Trước khi mắc căn bệnh thế kỷ. Chow đã say mê với việc chữa bệnh bằng các loại đá quý, tinh thể.
Sau khi chẩn đoán bị AIDS, Chow tiếp tục muốn tự lành và từ chối dùng thuốc tây. Chow nghĩ rằng cô có thể xử lý virus một cách tự nhiên. Cô tin rằng mình có thể biến đổi bản thân thành thứ gì đó sạch sẽ hơn, tinh khiết hơn và không còn mắc bệnh nữa.
Cô tin rằng cơ thể có thể tự khỏi nên không điều trị bệnh.
Thật không may, cô không thể. Cuối cùng, Chow bị nhiễm toxoplasmosis (một bệnh nhiễm ký sinh trùng không có triệu chứng nào cho đến khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu), và chết một tháng sau đó vào ngày 24/1/1992. Dù đã ra đi nhưng Chow đã là người phụ nữ đầu tiên công khai việc mình mắc bệnh qua quan hệ tình dục đồng tính nữ - một điều khác biệt so với suy đoán của nhiều người rằng AIDS chỉ ảnh hưởng đến những người đồng tính nam.
HIV/AIDS là gì?
Theo HIV.gov (cổng thông tin về HIV và AIDS của Mỹ), có khoảng 37,9 triệu người trên toàn cầu bị nhiễm HIV/AIDS vào năm 2018. Trong số này, 36,2 triệu là người trưởng thành và 1,7 triệu là trẻ em (<15 tuổi).
Theo WHO, virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) lây nhiễm vào các tế bào của hệ thống miễn dịch, phá hủy hoặc làm suy giảm chức năng của chúng. Nhiễm vi-rút dẫn đến suy giảm dần hệ thống miễn dịch, dẫn đến "suy giảm miễn dịch". Hệ thống miễn dịch được coi là thiếu khi nó không còn có thể hoàn thành vai trò chống nhiễm trùng và bệnh tật. Nhiễm trùng liên quan đến suy giảm miễn dịch nghiêm trọng được gọi là "nhiễm trùng cơ hội", vì chúng lợi dụng hệ thống miễn dịch suy yếu.
Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) là một thuật ngữ áp dụng cho các giai đoạn nhiễm HIV tiến triển nhất. Nó được xác định bởi sự xuất hiện của hơn 20 bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc ung thư liên quan đến HIV.
Tina Chow và chồng cũ Michael Chow.
Con đường lây truyền HIV
HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục không được bảo vệ (âm đạo hoặc hậu môn) và quan hệ tình dục bằng miệng với người bị nhiễm bệnh; truyền máu bị ô nhiễm; và chia sẻ kim tiêm, ống tiêm, dụng cụ phẫu thuật hoặc dụng cụ sắc nhọn khác. Nó cũng có thể được truyền giữa mẹ và con trong khi mang thai, sinh con và cho con bú.
Để hạn chế nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục cần:
- Sử dụng bao cao su nam hoặc nữ chính xác mỗi khi bạn quan hệ tình dục.
- Dùng thuốc kháng vi-rút để điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP).
- Thực hành chỉ quan hệ tình dục không thâm nhập.
- Chung thủy một vợ một chồng, không quan hệ bừa bãi.