Chỉ một hành động sai lầm khi bảo quản thực phẩm mà một người đàn ông đã mất mạng, 5 thành viên khác trong gia đình bị ngộ độc nặng.
Sau khi nấu một nồi lớn thức ăn nóng, bạn để nguội rồi cất vào tủ lạnh hay cho vào tủ ngay sau khi nấu xong? Các chuyên gia đều khuyến cáo rằng thức ăn mới nấu xong nên để bên ngoài cho nguội bớt rồi mới cất vào tủ lạnh, sẽ đảm bảo an toàn và tránh gây ảnh hưởng đến khả năng bảo quản của tủ. Tuy nhiên nếu bạn cất đồ ăn vẫn nóng sốt vào tủ lạnh ngay thì điều gì sẽ xảy ra?
Bác sĩ chuyên khoa thận người Đài Loan Jiang Shousan chia sẻ trong chương trình y tế về trường hợp một gia đình đã bị ngộ độc và thậm chí có người đã tử vong vì cách làm trên.
Theo lời kể của Jiang Shousan, cách đây vài ngày bác sĩ tiếp nhận một người đàn ông đã điều trị chạy thận suốt 10 năm. Người này vì được điều trị thường xuyên nên sức khỏe cũng khá ổn định, không có bất thường nhưng rồi một ngày được đưa tới phòng cấp cứu và đột ngột ra đi. Sau đó, 5 thành viên khác trong gia đình của nam bệnh nhân cũng được đưa vào phòng cấp cứu do ngộ độc thực phẩm.
Để nồi canh nóng hổi vào ngay tủ lạnh đã vô tình gây ra hậu họa cho cả gia đình. (Ảnh minh họa)
Khi nhân viên y tế hỏi gia đình đã ăn gì hôm đó, họ mới từ từ suy luận ra nguyên nhân sâu xa khiến cả 6 thành viên trong gia đình nhập viên có lẽ xuất phát từ nồi canh. Hóa ra, một người đàn ông trong gia đình vì sợ thời tiết nắng nóng, để nồi canh bên ngoài sẽ khiến cho vi khuẩn sinh sôi, ăn vào nguy hiểm. Vì vậy, ngay sau khi vợ vừa nấu canh xong, ông đã lấy đủ lượng canh cho cả nhà rồi cất nguyên nồi canh nóng hổi vào tủ lạnh mà không đợi canh nguội.
Và chính hành động bảo quản tưởng chừng như vô ý đó lại khiến nhiệt độ tủ lạnh bị tăng cao, ảnh hưởng đến việc bảo quản các thực phẩm khác, tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi và làm hỏng thực phẩm khác, khiến cả gia đình bị ngộ độc thực phẩm.
Bác sĩ Jiang Shousan nhắc nhở canh chủ yếu là nước, một khi nước ở nhiệt độ cao, thường sẽ rất lâu mới nguội đi. Tủ lạnh gia đình không phải là kho làm lạnh nhanh, canh quá nóng sẽ khiến nhiệt độ trong tủ lạnh tăng cao, làm tăng nguy cơ hư hỏng các thực phẩm khác. Nên làm nguội hoàn toàn thức ăn đã nấu chín trước khi cất vào tủ lạnh, để không làm tủ lạnh mất nhiều thời gian hơn để làm nguội và tăng khả năng làm hỏng các thực phẩm khác.
Cho thức ăn nóng vào tủ lạnh có an toàn không?
Thức ăn để ngoài càng lâu thì nguy cơ phát triển vi khuẩn có hại càng cao. Tuy nhiên, việc cho thực phẩm nóng vào thẳng tủ lạnh có thể làm tăng nhiệt độ xung quanh thiết bị, đặt thực phẩm bên trong vào "vùng nguy hiểm" tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Sự phát triển của vi khuẩn nguy hiểm xảy ra trong khoảng từ 5 độ C đến 58 độ C. Khoảng này được gọi là vùng nguy hiểm đối với thực phẩm. Vi khuẩn có khả năng gây hại phát triển nhanh nhất ở những nhiệt độ này.
Đặt nhiều thức ăn nóng vào tủ lạnh có thể làm tăng nhiệt độ của tủ lạnh vào vùng nguy hiểm này. (Nhiệt độ tủ lạnh phải luôn được đặt dưới 5 độ C). Điều này có thể ngăn quá trình làm lạnh nhanh cần thiết để đưa thực phẩm xuống dưới vùng nguy hiểm càng nhanh càng tốt.
Thức ăn nóng nên để bên ngoài cho nguội bớt trong tối đa 2 tiếng trước khi cho vào tủ lạnh. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, bạn có thể đặt món ăn nóng đã nguội một chút vào tủ lạnh hoặc có thể chia nhỏ thức ăn nóng ra thành các phần đựng trong hộp nhỏ và nông để chúng nhanh nguội hơn khi được đặt trong tủ lạnh. Hoặc nếu bạn cần làm nguội thực phẩm nhanh hơn trước khi bảo quản trong tủ lạnh, bạn có thể đặt các hộp đựng thức ăn nhỏ hơn vào chậu nước đá hoặc cho chúng dưới vòi nước lạnh.
Ngoài ra, thức ăn đã nấu chín chỉ có thể để ở nhiệt độ phòng không quá 2 giờ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nếu thực phẩm để ngoài ở nhiệt độ trên 32 độ C, thì không nên để ngoài trời quá một giờ. Thức ăn thừa có thể trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn nguy hiểm nếu chúng bị bỏ đi quá lâu và có thể gây bệnh cho con người.