Loại cây này giờ đây được nhiều người mang về trồng để bán ra thị trường, vừa làm món ăn ngon vừa làm thuốc.
Với người dân ở cả 3 miền, rau ngải cứu vô cùng quen thuộc. Chúng có vị đắng, nhưng khi chế biến thành món ăn lại vô cùng hấp dẫn và có nhiều công dụng với sức khoẻ.
Cây ngải cứu tên khoa học là Ar temisia vulgaris L. Họ Cúc (Asteraceae), là loại cây cỏ sống lâu năm, thân có rãnh dọc. Lá mọc so le không cuống, màu 2 mặt lá khác nhau, mặt trên nhẵn, màu lục, mặt dưới có nhiều lông nhỏ. Đây vốn mọc hoang thành từng đám ở ven đường, ven rừng, trên nương rẫy hoặc gần khe suối. Loại cây này sinh trưởng mạnh từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm.
Trước đây ngải cứu mọc dại khắp nơi nhưng ít ai ngó ngàng, chỉ có một số người hái về sắc nước uống. Khoảng chục năm gần đây, ngải cứu thành nguyên liệu cho nhiều món ăn đặc sản, có mặt trong các nhà hàng, quán ăn. Theo đó, ngải cứu được làm thành các món: trứng rán ngải cứu, gà hầm thuốc bắc, lẩu gà, lẩu hải sản, cá chép hấp ngải cứu, ócc heo hầm ngải cứu, cháo ngải cứu, bánh ngải Lạng Sơn...
Bánh ngải cứu của Lạng Sơn rộ lên trong thời gian gần đây vì lạ miệng và hấp dẫn. Bánh có màu xanh sẫm với mùi thơm rất khẽ khàng của lá ngải, hương vị nhẩn đắng nhẹ nhẹ thêm phần nhân ngọt ngào béo thơm.
Trên thị trường, rau ngải cứu được bán ở chợ, siêu thị hay trên chợ mạng với giá khá rẻ, khoảng 10.000 đồng/bó. Nhiều hộ dân mở rộng mô hình trồng ngải cứu để bán ở thị trường trong nước và cả xuất khẩu, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
"Ngải cứu là loại cây dễ trồng, kháng sâu bệnh, tốn ít công đầu tư, chăm sóc, trồng một lần cho thu hoạch quanh năm, hơn nữa cứ nửa tháng lại cho thu hoạch lứa mới. Với giá bán trung bình từ 12.000-18.000đồng/kg trừ chi phí, gia đình thu về khoảng hơn 100 triệu đồng/năm", anh Tốt (ở Quảng Ninh) chia sẻ.
Trong dân gian, cây ngải cứu được dùng rất nhiều trong những bài thuốc chữa các bệnh thông thường. Ngoài lá tươi, nhiều người còn phơi khô để dùng dần. Trong Đông y, ngải cứu có vị đắng, cay, tính ấm, vào kinh tỳ, can, thận, có tác dụng ôn bào cung, cầm máu, an thai, khứ hàn, giảm đau.
Những tác dụng của rau ngải cứu:
Chữa bệnh về xương khớp
Nhờ tính ấm nên ngải cứu được dùng phổ biến trong những bài thuốc chữa bệnh về xương khớp. Cây giúp lưu thông khí huyết, tăng cường khả năng lưu thông máu, tốt cho hệ xương khớp, giảm đau, kháng viêm, nhất là với những người bị gai cột sống, thấp khớp.
Bạn có thể giã ngải cứu lấy nước cốt pha mật ong để uống hoặc đâm nhuyễn làm thuốc đắp.
Lợi ích tiêu hóa
Ngải cứu cũng có thể có hiệu quả đối với một số vấn đề về tiêu hóa, bao gồm: Chán ăn, đau bụng, khó tiêu, bệnh tiêu chảy, táo bón, say xe... Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh những công dụng này.
Giảm bớt các triệu chứng kinh nguyệt
Một số người cũng tin rằng ngải cứu có thể giúp thư giãn tử cung, nhờ đó làm chậm chu kỳ kinh nguyệt và giảm bớt chứng chuột rút liên quan đến nó.
Có thể tốt cho người mắc bệnh thận
Nghiên cứu ban đầu cho thấy dùng ngải cứu hàng ngày trong vòng 6 tháng có thể làm giảm huyết áp và nồng độ protein trong nước tiểu ở những người bị bệnh thận IgA.
Tuy nhiên những tác dụng trên cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác thực công dụng của ngải cứu.
Chữa bệnh đường hô hấp trên
Ngải cứu còn được dùng kết hợp với một số loại thảo dược khác như: lá bưởi, khuynh diệp chứa các chứng cảm mạo, ho khan, đau họng. Các gia đình có thể dùng đun nước uống hoặc xông ngải đều rất tốt với những trường hợp này.
Chống phù nề, giảm đau cơ
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, thành phần của cây ngải cứu chứa nhiều tamin có tác dụng chống phù nề, chất mineol chống xơ hóa, giảm đau cơ, giúp phục hồi cử động, tốt cho các trường hợp đau dây chằng khớp, căng cơ.
Các thành phần thujone, tanacetone, azlene, cadinene có tác dụng tăng cường sức đề kháng và tốt cho quá trình xây dựng cơ bắp. Tinh dầu trong lá ngải cứu có tác dụng kháng khuẩn với các vi khuẩn phế cầu, lao và một số vi khuẩn khác. Chất acetylcholin trong lá ngải khô được coi như kháng sinh thực vật, giảm đau, an thần.
Lưu ý, ngải cứu có dược tính cao nên không sử dụng ngải cứu thường xuyên trong thời gian dài, vì có thể gây nóng trong, mất ngủ, hồi hộp trống ngực, nổi mụn nhọt. Đối với những chị em cần dùng các món có ngải cứu để tẩm bổ hoặc an thai… chỉ nên dùng 3 - 5 ngọn nhỏ (9 - 15g tươi), tránh dùng quá liều.
Trứng gà ngải cứu là món ăn bài thuốc bổ dưỡng nâng cao sức khỏe nhưng những người bệnh sỏi thận, xơ vữa động mạch vành... nên hạn chế. Những người ốm dậy thể trạng còn yếu, người già, phụ nữ sau sinh nếu không có bệnh như nói trên thì nên ăn cách ngày một quả trứng là tốt nhất hoặc 7 - 10 ngày là một liệu trình và phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Đối với những người mắc bệnh xương khớp, bên cạnh cách giảm đau bằng ngải cứu, cần kết hợp với chế độ ăn uống điều độ, điều chỉnh các tư thế xấu và tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức khỏe và độ dẻo dai của xương khớp.