Thứ quả này từng có nhiều ở các miền quê, nay được bán ở thành phố, được nhiều người ưa chuộng vì ngon miệng và có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ.
Quả roi có nhiều tên gọi khác nhau theo vùng miền. Miền Bắc gọi là roi, miền Nam gọi là mận, miền Trung gọi là đào. Chúng cũng có nhiều màu sắc khác nhau, từ đỏ, hồng nhạt, hồng đậm, trắng sữa cho đến xanh lá.
Cây roi có nguồn gốc từ Java (Indonesia), Ấn Độ, Malaysia, các nước Nam – Trung Mỹ và cả Đông Nam Á, phân bố chủ yếu ở những vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, quả roi có mặt rộng rãi và phổ biến tại hầu hết các tỉnh thành ở nước ta.
Về đặc điểm bên ngoài, quả roi có hình giống quả chuông, dài tầm 4cm - 6cm. Bên trong ruột có màu trắng xốp, hạt màu nâu đen. Khi chín quả có vị ngọt, giòn, mọng nước.
Không chỉ ngon miệng, ở một số nơi người dân còn dùng quả roi để trưng bày trong mâm ngũ quả ngày Tết với ý nghĩa mang lại sự may mắn.
"Ngày còn nhỏ, trong vườn nhà mình có một cây roi trước sân, đến mùa quả chín đỏ rồi rụng đầy gốc. Hồi đó chị em mình thường trèo lên cây chọn những quả chín nhất, mọng nhất để ăn chứ không ai mang ra mua bán ở chợ.
Bây giờ roi có nhiều loại, loại ngon được bán với giá đắt nhưng vẫn được ưa chuộng. Thứ quả này thích hợp nhất vào những ngày hè", bạn Ngọc (ở TP.Vinh, Nghệ An) chia sẻ.
Trên chợ mạng hay các cửa hàng hoa quả sạch, trái roi được bán với giá từ 20.000-50.000 đồng/kg. Quả roi sở hữu nhiều dưỡng chất như sắt, canxi, chất xơ, protein, vitamin C, vitamin A. Cụ thể, trong 100g quả roi có 93g nước, 0,6g protein, 29mg canxi, 0,07mg sắt, 5mg magiê, 8mg phosphor, 123mg kali, 0,06mg kẽm, 22,3mg vitamin C, 0,8mg vitamin B3 và 17mg vitamin A.
Những tác dụng của quả roi đối với sức khoẻ:
Tăng hệ thống miễn dịch
Quả roi rất giàu vitamin C giúp ngăn ngừa tác hại của các gốc tự do, chất ô nhiễm và hóa chất độc hại dẫn đến các bệnh về sức khỏe như bệnh tim, ung thư và viêm khớp. Các gốc tự do được phát triển trong cơ thể khi cơ thể tiếp xúc với bức xạ, thuốc lá hoặc khói và trong quá trình phân hủy thực phẩm. Vitamin C tăng cường sản xuất tế bào bạch cầu và cũng hỗ trợ chức năng. Vì vitamin C là một chất chống oxy hóa, giúp loại bỏ các tổn thương oxy hóa, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Kiểm soát bệnh tiểu đường
Quả roi chứa Jambosine, một loại alkaloid có thể ngăn chặn hoặc điều chỉnh quá trình trao đổi tinh bột thành đường. Điều này rất cần thiết cho những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Phòng ngừa ung thư
Quả roi chứa Vitamin A và C cùng với các hợp chất có lợi khác có thể bảo vệ con người chống lại bệnh ung thư. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, quả roi có thể chống lại ung thư vú và tuyến tiền liệt.
Tốt cho hệ tiêu hoá
Quả roi có hàm lượng chất xơ cao, giúp điều chỉnh lượng thức ăn đi qua đường tiêu hóa một cách tốt nhất. Điều này giúp giảm táo bón và các vấn đề sức khỏe khác. Ngoài ra, hạt của quả roi còn được sử dụng để ngăn ngừa bệnh tiêu chảy và kiết lỵ.
Tốt cho mắt
Quả roi chứa nhiều vitamin A, một trong những dưỡng chất tốt cho mắt, giúp mắt sáng hơn, giảm nguy cơ bệnh về mắt.
Cung cấp dưỡng chất cho làn da
Vitamin A và vitamin C trong quả roi giúp ngăn ngừa ảnh hưởng từ stress, lão hoá, không khí ô nhiễm. Quả roi có chứa nhiều nước, giúp làn da căng mịn, ngăn chặn hiện tượng mất nước trên bề mặt da.
Thúc đẩy sức khỏe não bộ
Các nghiên cứu nói rằng quả roi được sử dụng như một loại thuốc bổ cho não. Các terpenoit trong trái cây có tác dụng ngăn ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và cải thiện các chức năng não, trí nhớ và khả năng học tập nhờ thúc đẩy khả năng sống của tế bào thần kinh.