Ngoài giàu vitamin C hơn cam, trong rau thì là còn chứa các chất chống oxy hóa có tác dụng ngừa huyết áp, tiểu đường và các bệnh mạn tính khác.
Vitamin C trong rau thì là cao hơn cam
Theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, thì là (thìa là) còn gọi là thời là, đông phong. Lá của nó là gia vị quen thuộc không thể thiếu trong món canh cá, canh lươn, ốc, làm thơm ngon món ăn, át được mùi tanh.
Tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lại ở TP.HCM, thì là có giá bán khoảng từ 80.000 đồng đến 90.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cây rau này lại rất ít người mua về ăn. Chủ một cửa hàng bán rau tại TP Thủ Đức cho biết, thì là chỉ những người sành về cây rau này mới mua về chiên với trứng, nấu canh cá chép, làm nguyên liệu cho các món chả...
Rau thì là không thể thiếu trong món chả cá la võng ở Hà Nội. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Vũ cho biết, trong Đông y, thì là là một vị thuốc rất thông dụng. Theo Nam dược thần hiệu, hạt và lá thì là vị cay, tính ấm, không độc, điều hòa món ăn, bổ thận, mạnh tỳ, tiêu trướng, trị đau bụng và đau răng. Ngoài ra, nó còn có tác dụng là kích thích giúp ăn ngon miệng và tiêu hóa tốt, lợi sữa cho những chị em phụ nữ đang trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ.
Trong Y học hiện đại, thì là ít calo, chất béo và không có cholesterol nhưng lại rất giàu kali, sắt, các loại vitamin, nhất là vitamin C. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), rau thì là có vitamin C cao hơn cam. Cụ thể, trong 100g cam chứa 55,2mg vitamin C, còn trong 100g rau thì là chứa tới 85mg vitamin C.
Các nghiên cứu chỉ ra, vitamin C rất quan trọng đối với hệ thống miễn dịch của bạn, giúp chữa lành vết thương và trao đổi chất. Ngoài ra, vitamin C đã được chứng minh là một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ các tế bào chống lại các ảnh hưởng của các gốc tự do.
Ngoài ra, trong rau thì là cũng giàu vitamin A. Đây là một chất dinh dưỡng thiết yếu rất quan trọng để duy trì thị lực và hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản ở cả giới nam và nữ. Thì là cũng là một nguồn mangan tốt, hỗ trợ hoạt động bình thường của não, hệ thần kinh, giúp chuyển hóa đường và chất béo. Ngoài ra, rau thì là còn có những lợi ích khác cho sức khỏe như sau:
Giá bán rau thì là khoảng 90.000 đồng/kg. Ảnh minh họa.
Cung cấp chất chống oxy hóa
Cả hạt và lá của cây thì là đã được ghi nhận rất giàu một số hợp chất thực vật có đặc tính chống oxy hóa, bao gồm như flavonoid, terpenoids, tannin… Đây là các chất chống oxy hóa tự nhiên giúp bảo vệ các tế bào chống lại ảnh hưởng gây ra bởi các phân tử không ổn định được gọi là gốc tự do. Tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm mãn tính và ngăn ngừa hoặc thậm chí điều trị một số bệnh, bao gồm bệnh tim, Alzheimer, viêm khớp dạng thấp và một số dạng ung thư.
Có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong trên toàn thế giới. Chất flavonoid được tìm thấy trong thì là, đã được chứng minh là bảo vệ sức khỏe của tim do đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ của chúng. Hơn nữa, các nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng chiết xuất từ cây thì là có thể có tác dụng hạ cholesterol và triglyceride.
Có thể giúp giảm lượng đường trong máu
Lượng đường trong máu cao kéo dài có thể dẫn tới tình trạng kháng insulin, hội chứng chuyển hóa và tiểu đường. Rau thì là đã được chứng minh có tác dụng tốt trong việc hạ đường huyết. Một số nghiên cứu trên động vật mắc bệnh tiểu đường đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về lượng đường trong máu lúc đói nếu được bổ sung chiết xuất từ rau thì là hàng ngày. Tuy nhiên, các nghiên cứu ở người còn hạn chế.
Thì là trong món canh nghêu. Ảnh minh họa.
Những lưu ý khi ăn rau thì là
Theo bác sĩ Vũ, thì là nói chung là an toàn. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, nó cũng gây ra phản ứng dị ứng, nôn mửa, tiêu chảy, ngứa miệng, sưng đỏ ở lưỡi và sưng họng. Vì vậy cũng cần lưu ý khi ăn.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên sử dụng tinh dầu chiết xuất từ cây thì là, vì các nghiên cứu về sự an toàn của chúng còn hạn chế.
- Chỉ nên sử dụng thì là như một món trang trí, bằng cách thái nhỏ, rắc nó lên trên món salad, nước sốt hay nêm cho món nấu từ cá, lươn, thịt cừu hoặc trứng…