Theo Lương y Nguyễn Thị Thạnh, cá khoai có vị ngọt, khi nấu canh, nấu cháo hay ăn lẩu đều giúp thanh nhiệt, tốt cho huyết áp và ngừa được nhiều bệnh.
Cá khoai ít xương nhưng giàu dinh dưỡng
Cá khoai (cá cháo) sống nhiều các vùng biển nước ta. Nó có mình tròn xương sụn và mềm, không có vảy.
Nếu như trước đây, cá khoai bị nhiều người chê, thì hiện nay nó trở thành thực phẩm đặc sản tại các nhà hàng và được nhiều người lùng mua về ăn. Tại các chợ dân sinh, cá khoai được bán với giá từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng/kg, tùy vào độ tươi ngon, kích thước cá to hay nhỏ.
Cá khoai hiện đang được nhiều người lùng mua về ăn. Ảnh minh họa.
Nhiều người sành ăn cá khoai cho biết, họ mua cá về nấu canh với các loại rau, nấu lẩu, nấu cháo… ăn giúp thanh nhiệt, bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Các nghiên cứu chỉ ra, cá khoai chứa nhiều chất đạm, chất béo, vitamin cùng một số những dưỡng chất thiết yếu. Cụ thể, trong 100g cá khoai cung cấp 220 calo, 10g chất béo, cholesterol 18.4mg, chất đạm 15g, chất xơ 4g và nhiều dưỡng chất khác có lợi cho sức khỏe.
Theo Lương y Nguyễn Thị Thạnh, Hội Đông y Nghệ An, cá khoai có hàm lượng calo cao, nhưng lại ít chất béo, khi ăn sẽ giúp bạn có cảm giác no, không gây béo mà có thể giảm cân. Đặc biệt, hàm lượng chất đạm trong cá dồi dào, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn.
Trong Đông y, cá khoai có vị ngọt, tính mát, không độc, tác dụng bổ hư, mát huyết, nhuận tràng, ích ngũ tạng... Thường xuyên ăn cá khoai có thể rất tốt với người gầy nóng, huyết hư, vị nhiệt miệng khô khát, táo bón, ho khan, tiểu đường, huyết áp, viêm lở miệng lưỡi các chứng liên quan đến âm huyết hư nội nhiệt ăn đều tốt.
Một số món ăn dinh dưỡng từ cá khoai
Canh cá khoai nấu rau cải cúc: cá khoai, cải cúc, gừng, hành gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ phế, nhuận táo, chỉ khái… Chữa phế nhiệt ho khan, viêm.
Canh cá khoai được nhiều người thích ăn. Ảnh minh họa.
Cá khoai nấu rau cần: cá khoai, cà chua, rau cần ta, thì là, mùi tàu gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ huyết, mát huyết, dưỡng tỳ vị… Chữa chứng nội nhiệt khó lên cân, đau đầu chóng mặt, tăng huyết áp, ho khan, đại tiểu tiện không thông.
Lẩu cá khoai: cá khoai, xương lợn, giá đậu, dứa, cà chua, ớt, đậu phụ, ớt, gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn. Rau ăn lẩu là cải cúc, rau muống. Công dụng: bổ hư, mát huyết, sinh tân… Chữa đái tháo đường, sắc mặt hình thể khô khan, người mệt mỏi, đau đầu chóng mặt.
Canh chua cá khoai: cá khoai, dứa, cà chua, dọc mùng, giá đậu, rau ngổ, hành lá, ớt, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ huyết, thanh nhiệt, hạ khí... Trị táo bón, tiểu vàng ít, đau đầu chóng mặt, tăng huyết áp và các chứng liên quan nóng nhiệt.
Cháo cá khoai: cá khoai, gạo mới, đậu xanh, hành, ngò mùi, tiêu, mắm muối gia vị vừa đủ. Cá khoai tươi làm sạch cắt khúc, khi cháo chín bỏ cá vào, nêm gia vị ăn nóng. Công dụng: bổ hư, dưỡng tỳ vị, sinh tân… Thích hợp người già ăn kém, mệt mỏi, chứng phù do suy dinh dưỡng, trẻ em còi cọc chậm lớn.
Những lưu ý khi ăn cá khoai
Theo Lương y Nguyễn Thị Thạnh, cá khoai tự nhiên ăn rất tốt cho sức khỏe, nhưng trong quá trình vận chuyển đến nơi bán, cá có thể bị “ngậm” hóa chất bảo quản, vì vậy khi mua cá mọi người cần lưu ý các điều sau:
- Nhận biết qua mùi của cá. Với các loại cá, trong đó có cá khoai khi có dấu hiệu hư hỏng luôn có mùi mùi tương tự amoniac hay thậm chí tanh quá mức. Vì vậy, khi thấy cá có mùi này thì không nên mua.
Cá khoai có thể chế biến được món ăn tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
- Màu sắc bên ngoài của cá khoai có độ tươi, sáng bất thường thì không nên mua, bởi đặc trưng của loại cá này là thân mềm rất dễ bị nhão, khó bảo quản.
- Với các loại cá ướp urê nhìn bề ngoài thấy rất tươi, mắt cá trong, mang cá đỏ tươi hơn bình thường. Tuy nhiên, độ đàn hồi thân cá không cao, khi ấn tay vào sẽ mềm, mình cá lõm xuống, ngửi kỹ cá có mùi khai chứ không phải mùi tanh đặc trưng.
- Cá khoai tươi có màu xám bạc, thân trong. Cá khoai càng ươn sẽ càng có màu hồng, thân đục trắng, mềm nhũn.
- Tốt nhất, nên chọn mua cá ở những nơi uy tín và không nên mua loại cá đã được bảo quản từ 3-4 ngày.