Cha mẹ cần cảnh giác 3 loại bệnh dễ xảy ra với trẻ nhỏ khi thời tiết chuyển lạnh

Ngày 02/11/2019 00:14 AM (GMT+7)

Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm nên mỗi khi giao mùa, khí hậu nước ta thường thay đổi làm cho cơ thể con người nếu thích nghi không kịp sẽ có những phản ứng không mong muốn. Nhạy cảm như trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, khi chuyển mùa từ nắng sang mưa, từ khô sang ẩm, lạnh, càng cần phải đặc biệt chú ý và chăm sóc sức khỏe cẩn thận.

Vào thời điểm cuối năm, thời tiết trở lạnh nhiều. Buổi sáng sớm thức dậy nhiệt độ giảm chỉ còn 18-19 độ C. Với tiết trời như thế, cả người lớn lẫn trẻ em đều dễ bị cảm lạnh, biểu hiện bởi hắt xì, sổ mũi, ho, sốt nhẹ. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi dễ bị mắc bệnh viêm tiểu phế quản, là bệnh do siêu vi gây ra, gây nên ho, khò khè, khó thở. 

Các chuyên gia liệt kê những bệnh có thể xảy ra ở trẻ khi chuyển mùa mà các bậc phụ huynh nên lưu ý:

1. Nhiễm trùng đường hô hấp

Đây là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở phổi, ngực, xoang, mũi và cổ họng. Nhiễm trùng mãn tính là những bệnh xảy ra lặp đi lặp lại theo thời gian, đặc biệt khi chuyển mùa từ thu sang đông do mọi người dành nhiều thời gian hơn trong nhà và tạo thành nhóm người. Do số lượng vi trùng gia tăng và nhiều người tiếp xúc gần với nhau khiến những vi trùng dễ lây lan hơn.

Ngoài ra, các virus gây bệnh cảm lạnh dễ dàng phát triển và lan truyền hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Đường hô hấp là nơi mà nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập khi chúng ta hít thở. Do đó, các triệu chứng như ho và ngứa họng rất phổ biến khi thời tiết thay đổi, biểu hiện bằng hắt hơi sổ mũi, ho, khò khè, nặng hơn là viêm đường hô hấp dưới.

Bên cạnh đó, khi trời se lạnh hơn, không khí vào đường thở của bé không được sưởi ấm (do đường hô hấp của trẻ ngắn hơn và không có lông sưởi như ở người lớn), biến động nhiệt độ diễn ra nhanh sẽ làm hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu.

Nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn có thể được điều trị bằng kháng sinh nhưng virus thì không thể điều trị bằng kháng sinh, mặc dù thuốc kháng virus có thể được sử dụng trong một số trường hợp. Đối với người bệnh mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mãn tính thì bác sĩ dựa trên các triệu chứng mà người bệnh đang mắc phải để chẩn đoán và điều trị.

Các bệnh điển hình trong nhóm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như: cảm lạnh thông thường, viêm phổi, viêm phế quản mãn tính, viêm mũi, viêm họng liên cầu khuẩn và cúm.

Cha mẹ cần cảnh giác 3 loại bệnh dễ xảy ra với trẻ nhỏ khi thời tiết chuyển lạnh - 1

Trẻ bị viêm amidan cấp sẽ sốt cao (Ảnh minh họa: Internet)

2. Bệnh hen suyễn

Theo các chuyên gia, thời điểm chuyển mùa từ mùa thu sang mùa đông là thời điểm tồi tệ nhất đối với trẻ em mắc bệnh hen suyễn do trẻ phải tiếp xúc với nhiều loại virus bệnh đường hô hấp. 

Trong suốt sự thay đổi của các mùa, trẻ hen suyễn có thể bị các dị ứng khác nhau, tùy thuộc vào thụ phấn và nở hoa của các loại hoa và cỏ khác nhau. Phản ứng dị ứng hoặc kết hợp với các yếu tố môi trường khác như virus, ô nhiễm trong nhà và ngoài trời... đều có thể khởi phát cơn hen suyễn.

3. Bệnh về da

Theo Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh, trưởng khoa Nội 1, bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM khi thời tiết thay đổi, bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khí hậu ngoài đường hô hấp còn có da. Thường da của chúng ta sẽ khô ráp hơn, có khi có cảm giác bong tróc, hơi rát và có khi khô da, bong vẩy. Ở trẻ nhỏ, nhất là ở trẻ có cơ địa dị ứng, như cha hay mẹ có tiền căn viêm mũi dị ứng, nồi mề đay hay suyễn, trẻ dễ bị khô da và nếu không kịp thời phòng ngừa thì khô da dễ dẫn đến chàm da.

Cha mẹ cần cảnh giác 3 loại bệnh dễ xảy ra với trẻ nhỏ khi thời tiết chuyển lạnh - 2

Thời tiết thay đổi, cần lưu ý đến việc chăm sóc sức khoẻ cho trẻ.

Do đó khi thời tiết chuyển sang lạnh, phụ huynh nên lưu ý:

- Giữ ấm cho trẻ, mang vớ đội mũ khi ra ngoài. Trong phòng giữ ấm và thoáng cho trẻ.

- Uống nước nhiều, giúp da và đường hô hấp luôn ẩm.

- Bú sữa mẹ nhiều nếu được và ăn dặm đúng cách, nhằm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất và vitamin cần thiết cho sự phát triển của trẻ, trong đó có hệ miễn dịch của cơ thể.

- Chích ngừa đầy đủ.

- Khi da bé hơi khô, lập tức bôi những loại kem giữ ẩm cho bé.

- Tắm rửa cho trẻ  mỗi ngày, ngay cả khi trời lạnh , nhưng bằng nước ấm.

- Khi bé hắt hơi sổ mũi thì nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, mát xa lưng và tay chân trẻ bằng ít dầu khuynh diệp để kích thích máu huyết lưu thông, tăng cường miễn dịch.

- Khi trẻ bệnh nên đưa đi khám, không nên tự ý dùng thuốc.

Hai bộ phận cơ thể phải bảo vệ đặc biệt khi trời lạnh nếu không sẽ phải nhập viện
Với điều kiện thời tiết khắc nhiệt như hiện nay, không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng phải đặc biệt chú ý bảo vệ hai bộ phận cơ thể này.
Huy Vân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp