Diễn viên Phước Sang tái đột qụy, chuyên gia chỉ ra 3 điều ai cũng cần nhớ để tránh gặp mối nguy

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 27/03/2024 14:08 PM (GMT+7)

Đột quỵ có tỉ lệ tử vong hoặc để lại di chứng rất nặng nề, tuy nhiên căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng những biện pháp không khó.

Mới đây, thông tin diễn viên Phước Sang bị đột quỵ khiến nhiều người hâm mộ lo lắng. Trên trang cá nhân, một số diễn viên cũng bày tỏ sự lo lắng, đồng thời gửi lời chúc cho đạo diễn, diễn viên Phước Sang sớm bình phục để trở lại công viêc.

Được biết, hiện nam diễn viên này đang được điều trị tại khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM. Do mắc nhiều bệnh nền,  từng có tiền sử đột quỵ nên anh vẫn cần phải được theo dõi sát sao. Trước đó, diễn viên Phước Sang từng chia sẻ, anh bị huyết áp cao, nhiều lần đột quỵ nên không tránh khỏi những di chứng, thể trạng cũng không khỏe như người bình thường.

Nghệ sĩ Phước Sang từng bị đột quỵ trước đây. Ảnh minh họa.

Nghệ sĩ Phước Sang từng bị đột quỵ trước đây. Ảnh minh họa. 

TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng khoa Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, đột quỵ có thể xảy ra với bất kể ai, và hiện nay tình trạng người trẻ bị đột quỵ đang ngày càng gia tăng. “Đột Quỵ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào dù người bệnh đang làm việc gắng sức hay nghỉ ngơi. Bệnh nhân đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt để đảm bảo “thời gian vàng”, nhằm giảm thiểu những nguy hiểm có thể xảy ra, thậm chí là tử vong”, bác sĩ Thắng cho hay.

Bác sĩ Thắng dẫn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, đột quỵ là nguyên nhân tử vong thứ 2 trên thế giới với khoảng 6,5 triệu người tử vong mỗi năm. Như vậy, nếu tính trung bình thì cứ 6 giây lại có một ca tử vong do đột quỵ. Đột quỵ còn là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên thế giới với hơn 17 triệu ca bệnh mỗi năm. Tại Việt Nam, theo thông tin ghi nhận từ Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ và đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với tỷ lệ 10-20%.

Với trường hợp như diễn viên Phước Sang, khi đã bị đột quỵ rồi thì cần phòng ngừa ra sao để không tái phát? TS.BS Nguyễn Bá Thắng cho biết, với người từng bị đột quỵ thì nguy cơ tái phát rất cao. Do đó, cần thực hiện các biện pháp kiểm soát phòng ngừa nhằm hạn chế tình trạng tái phát đột quỵ, bởi thường những lần tái phát sau sẽ nặng hơn những lần trước.

Quản lý bệnh huyết áp là biện pháp phòng bệnh đột quỵ hữu hiệu. Ảnh minh họa.

Quản lý bệnh huyết áp là biện pháp phòng bệnh đột quỵ hữu hiệu. Ảnh minh họa. 

Cụ thể, người đã từng bị đột quỵ cần phòng bệnh như sau:

- Thay đổi lối sống: Người từng bị đột quỵ cần thay đổi lối sống bằng cách tăng cường vận động; giảm cân chống béo phì; ăn uống lành mạnh: không ăn nhiều mỡ béo, không ăn nhiều chất ngọt, đường, không ăn mặn và tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây.

- Điều trị tăng huyết áp: Người bệnh cần giữ huyết áp ổn định, tối ưu ≤ 120/80 mmHg hoặc theo mức chỉ định của bác sĩ, theo dõi huyết áp định kỳ (mỗi ngày, mỗi tuần…)​. Quản lý huyết áp theo đơn thuốc hàng ngày và khám định kỳ đầy đủ.

- Điều trị đái tháo đường:​ Đây cũng là điều rất quan trọng nhưng khó thực hiện, bởi nó phụ thuộc nhiều vào lối sống hàng ngày. Cụ thể, người bệnh cần ăn uống đúng chế độ (cữ đường, giảm bột, ăn nhiều rau, đủ chất đạm, ít chất béo)​; chia nhỏ bữa ăn​; uống hoặc tiêm thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ; tái khám và xét nghiệm đường máu định kỳ.​

- Ngoài ra, phòng đột quỵ tái phát cần không để tăng cholesterol máu, bỏ thuốc lá, ngưng rượu, điều trị bệnh tim nếu có.​

Cuối cùng, bác sĩ Thắng khuyến cáo, để giảm nguy cơ tử vong và tai biến do đột quỵ nói chung, việc phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, đúng cách là rất quan trọng.

Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng đang khám cho một bệnh nhân bị tai biến sau đột quỵ. Ảnh: BSCC

Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng đang khám cho một bệnh nhân bị tai biến sau đột quỵ. Ảnh: BSCC

Theo tư vấn của vị chuyên gia này, khi phát hiện người có các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách:

- Đỡ người bệnh để không bị té ngã chấn thương. Sau đó, để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói; móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.

- Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Tốt nhất, nên đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, đang bị sặc hoặc bị chèn ép.

- Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác. Đồng thời, không cạo gió, cắt lễ, cúng vái…

- Không để nằm chờ xem có khỏe lại không.

3 tỉnh có tỷ lệ mắc ung thư, tiểu đường và đột quỵ cao nhất Nhật Bản, tất cả liên quan tới 3 thực phẩm này
Nhật Bản nổi tiếng trường thọ nhờ thói quen sống lành mạnh nhưng vẫn có một số địa phương thuộc đất nước này bị đánh giá có sức khỏe kém.

Sống thọ

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đột quỵ