Những người trẻ tuổi thường chủ quan với sức khỏe của bản thân, hình thành nên những thói quen xấu như thức khuya, làm việc quá sức,... để rồi cuối cùng phải gánh lấy hậu quả. Chàng trai trẻ 29 tuổi dưới đây chính là một điển hình.
Bác sĩ Tạ Linh Linh khoa thần kinh Bệnh viện y học cổ truyền Hàng Châu chia sẻ với phóng viên FM93 Voice of Traffic về ca xuất huyết não nguy hiểm của một nam bệnh nhân mà cô tiếp nhận vào sáng ngày 4/10.
Bác sĩ Tạ có trách nhiệm chuyển bệnh nhân tới bệnh viện số 3 ở Hàng Châu. Trong thời gian chờ, cô có hỏi thăm tình hình bệnh nhân qua bố mẹ anh. Khoảng 3 giờ sáng, chàng trai trẻ đã cảm thấy cơ thể khó chịu, mệt mỏi. Gia đình anh khi đến phòng để gọi con trai dậy thì không thấy trả lời nên đã bước vào và phát hiện con trai có dấu hiệu bất tỉnh nên ngay lập tức đưa anh tới bệnh viện gần nhất.
Khi đến viện, các bác sĩ đã tiến hành chụp CT não, kết quả cho thấy có xuất huyết nội sọ, lượng máu chảy đến 90ml. Thông thường nếu lượng máu chảy đạt hơn 30ml đã phải phẫu thuật, trường hợp của bệnh nhân còn nhiều hơn gấp 3 lần, có nguy cơ bị bại não do áp lực nội sọ quá cao, cần tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Theo lời kể của gia đình thì nam bệnh nhân khá trẻ, 29 tuổi, hiện đang làm việc cho một công ty Internet lớn ở Hàng châu. Mẹ bệnh nhân cho biết con trai khá bận rộn công việc, thường thức khuya để làm thêm giờ, có lúc thức tới 3,4 giờ sáng. Là người trẻ tuổi, có sức khỏe, lại không có bất cứ tiền sử bệnh nào nên gia đình rất bất ngờ khi biết con bị xuất huyết não.
“Không có lý do rõ ràng cho bệnh nhân bị xuất huyết não đột ngột, có thể do áp lực quá lớn, thay đổi khí hậu, thường xuyên có thói quen xấu (thức khuya, hút thuốc, uống rượu, ăn quá nhiều muối, béo phì), thay đổi lớn trong huyết áp, bị kích động, làm việc quá sức,…” Bác sĩ Tạ giải thích.
Xuất huyết não trước thường chỉ gặp ở người già nhưng nay đã dần xảy ra với cả các đối tượng trẻ do căng thẳng cuộc sống, không quan tâm tới sức khỏe. Các chuyên gia nhắc nhờ mọi người vào thời điểm giao mùa chuyển lạnh, những người cao tuổi, người có bệnh tim mạch và mạch máu não cần chú ý giữ ấm, tránh cảm lạnh.
Bác sĩ Tạ Linh Linh cũng khuyên mọi người nên chú ý tới các dấu hiệu của cơ thể để kịp thời tới bệnh viện kiểm tra, một cơn nhồi máu cơ tim có thể khởi phát bằng biểu hiện đau dạ dày hoặc tiêu chảy sau đó mới đau tim. Những người trẻ tuổi nên chú ý giữ gìn sức khỏe, ngủ sớm, dậy sớm, không thức khuya, không bỏ bữa.
Những căn bệnh nguy hiểm khi bạn thức sau 11 giờ khuya
Theo bác sĩ Thi Minh, Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác trị liệu Đông y Thượng Hải, chuyên về bệnh Mất ngủ và bác sĩ Từ Đại Thành, Phó Chủ nhiệm khoa điều trị, Bệnh viện Đông Tây Y kết hợp thành phố Nam Kinh (TQ), việc thức khuya sau 11 giờ đêm có thể gây ra 7 nguy hại cho sức khỏe:
1. Hại cho da
Từ 22 giờ đến 23 giờ là khoảng thời gian làn da làm nhiệm vụ bảo trì và tái tạo. Nếu bạn thức đêm, các tuyến nội tiết sẽ không có điều kiện để làm việc, gây ra rối loạn hệ thần kinh, từ đó sẽ làm cho da khô, xỉn dần, thâm sạm, tính linh hoạt kém, có mụn trứng cá, tàn nhang, các vết nhăn.
2. Thừa cân và béo phì
Khi mọi người ngủ, cơ thể sẽ phân giải một chất gọi là "leptin", tạm hiểu là giúp cơ thể gầy đi hoặc hao phí bớt. Nếu thời gian này bạn không ngủ, cơ thể sẽ không có cơ hội tự gầy đi, lâu ngày sẽ tích tụ mỡ, khiến bạn tăng cân, béo phì, không thể đào thải mỡ thừa ra khỏi cơ thể.
3. Suy giảm trí nhớ
Khi chúng ta thức khuya, hệ thần kinh giao cảm trong cơ thể vẫn duy trì trạng thái hưng phấn, hứng khởi, đến ngày hôm sau chúng sẽ rơi vào trạng thái làm việc quá sức, cạn kiệt. Lúc này, bạn sẽ có cảm giác chóng mặt, giảm trí nhớ, thiếu tập trung và các vấn đề sức khỏe khác.
Một thời gian dài thức đêm sẽ gây ra suy nhược thần kinh, mất ngủ, các triệu chứng bất lợi khác cũng sẽ xuất hiện sau đó.
4. Gây ra bệnh tim
Nghiên cứu cho thấy, những người thức khuya thường xuyên sẽ có tính khí nóng nảy, thất thường, dễ nổi giận. Không những thế, thức đêm quá khuya cũng khiến cho nội tạng bị "trượt" khỏi lịch sinh hoạt bình thường, nhịp tim không được điều chỉnh kịp thời.
Đó cũng là lý do gây ra nguy cơ cao về bệnh tim mạch, huyết áp…
5. Gây bệnh dạ dày
Nhân tế bào biểu mô dạ dày trung bình cứ khoảng 2-3 ngày lại lặp lại một lần cập nhật, tái thiết mô vào ban đêm. Nếu bạn thức khuya, đi kèm với thói quen ăn đêm, vô tình sẽ tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa.
Nếu dạ dày phải làm việc quá nhiều, không đủ thời gian để nghỉ ngơi và tái tạo sẽ sinh ra mệt mỏi, ốm bệnh.
Ngoài ra, khi thức khuya, quá trình chuyển hóa thức ăn trong dạ dày sẽ bị đình trệ, làm thức ăn lưu lại quá lâu trong dạ dày, thúc đẩy sự tiết dịch dạ dày bất thường, từ đó gây kích ứng dạ dày, dẫn đến viêm loét.
6. Gây tổn thương gan
Khoảng thời gian từ 11h đêm đến 3h sáng là thời gian cao điểm để gan bài tiết độc tố. Nếu trong giai đoạn này cơ thể không ở trạng thái ngủ sâu giấc thì gan sẽ không đủ điều kiện tốt để làm việc, gây ra sự thiếu hụt lượng máu trong gan, từ đó làm tổn thương các tế bào, khó hồi phục và sửa chữa những tế bào hỏng.
Gan là cơ quan trao đổi chất quan trọng nhất trong cơ thể. Nếu gan bị tổn thương, ngay lập tức sức khỏe tổng thể sẽ bị đe dọa, ảnh hưởng lớn đến các cơ quan khác.
7. Gia tăng nguy cơ ung thư
Thức suốt đêm dài sẽ làm giảm khả năng miễn dịch, mệt mỏi, thiếu năng lượng, cảm lạnh, dị ứng phát sinh bất ngờ. Hệ thống miễn dịch là rào cản tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh ung thư, khi giảm khả năng miễn dịch sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư.
Một số nghiên cứu đã khẳng định, thức khuya sẽ thúc đẩy khả năng gây ra ung thư vú, ung thư ruột kết và các bệnh lây nhiễm.