Hà Nội - Chị Thúy, 42 tuổi, chi 50 triệu đồng mua gói 100 buổi tập với huấn luyện viên thể hình (PT) để chỉnh cong vẹo cột sống cho con, song các bác sĩ khuyến cáo nên cẩn trọng.
Lưng của Bảo Ngọc, 14 tuổi, con gái chị Thúy, bị vẹo, lệch về bên phải, rõ rệt hơn lúc em mặc áo dài. Mỗi khi ngồi học lâu, vùng này nhói nhiều kèm theo đau cổ vai gáy. Khi khám ở bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán vẹo cột sống khiến nữ sinh tự ti.
Ngại đưa con đến viện điều trị, chị Thúy thuê PT ở phòng gym gần nhà để tranh thủ sửa dáng cho con trong mùa hè. Nhân viên tư vấn giới thiệu gói 100 buổi trong 3-6 tháng, giá 500.000 đồng/buổi một giờ, cam kết: "Chỉ cần chứng cong vẹo cột sống của bé không phải do bẩm sinh thì hoàn toàn có thể cải thiện được bằng các bài tập".
Giữa tháng 5, Ngọc bắt đầu khóa học 1:1. Các bài tập đa dạng, gồm bài tác động vào vùng lưng dưới, nhất là hông và cột sống dưới; vươn tay chạm ngón chân; tựa lưng vào tường; bài tập Plank; tư thế mèo và bò...
Ngọc là khách hàng thứ 4 trong tuần đăng ký riêng gói để chỉnh cột sống, theo huấn luyện viên Hưng. Anh cũng vừa tốt nghiệp cho 4 học viên khác. Chị Thúy cho rằng tuy chi phí có hơi cao nhưng chị quyết tâm bằng mọi cách cải thiện dáng cho con.
Chị Thu, ở quận Tây Hồ, cũng có con trai Nguyên Phong, 15 tuổi bị gù lưng. Tình trạng làm em mất tự tin, gặp khó khăn khi tham gia các trò chơi thể thao vận động. Phong từng đi khám, được bác sĩ cho dùng thuốc giảm đau điều trị cổ vai gáy, chờ đến khi khỏi các cơn đau, căng cơ sẽ tiếp tục cải thiện cột sống bằng các bài tập điều chỉnh cơ xương khớp.
Tuy nhiên, chị Thu không điều trị tiếp cho con mà tự lên mang tìm hiểu lớp học "dáng đẹp, chuẩn tác phong", với cam kết "chỉnh sửa và cải thiện vóc dáng đẹp, khắc phục các lỗi gù lưng, lệch vai, chân cong" chỉ trong 5 buổi.
Nhận thấy giá cả phù hợp khi chỉ mất hơn 2 triệu đồng có thể cải thiện dáng cho con, chị Thu đăng ký với mong muốn chứng gù lưng của bé sẽ sớm khỏi.
Hình ảnh chụp chứng cong vẹo cột sống của một bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Theo khảo sát của VnExpress, số lượng học viên là học sinh đăng ký tập thể hình tại các trung tâm tăng cao gấp hai, ba lần vào mùa hè, trong đó, nhiều học sinh có nhu cầu chỉnh sửa, cải thiện vóc dáng. Giá cho một buổi tập với huấn luyện viên cá nhân dao động 500.000-900.000 đồng, cam kết đạt được mục tiêu như mong muốn sau ba tháng.
Bác sĩ Calvin Q Trịnh, nguyên Trưởng Trung tâm Hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện 1A, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng HMR, nhận định gù vẹo cột sống khá phổ biến, khoảng 0,5-1% trẻ em mắc bệnh. Ngoài một số trường hợp dị tật bẩm sinh, tư thế ngồi học không đúng, trẻ mang vác quá nặng, kích thước bàn ghế ngồi học không phù hợp lứa tuổi cũng là lý do khiến trẻ gù, vẹo.
Ở mức độ nhẹ, không nghiệm trọng đến sức khỏe, người bệnh vẫn có thể tập luyện nhưng với mục đích để cải thiện sức khỏe, cần tìm những trung tâm uy tín, tránh việc tập luyện quá sức, gây mất cân bằng cơ. "Còn để coi các cách này như một phương pháp chữa bệnh là hoàn toàn sai lầm", bác sĩ nói.
Trường hợp phát hiện trễ, các đốt sống biến dạng, bác sĩ phải điều trị khó khăn như phẫu thuật hàn xương, làm dính các đốt sống bằng cách đặt dụng cụ nắn chỉnh để giữ cột sống thẳng và lành xương. Tuy nhiên, biến chứng của phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống khá nặng nề, như chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương tủy và rễ thần kinh dẫn đến liệt hạ chi, không lành xương - khớp giả. Với trường hợp cột sống lệch, vẹo trong giai đoạn sớm, mức độ nhẹ, phương pháp hiệu chỉnh cơ xương khớp sẽ giúp khắc phục tốt.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, Trung tâm Y học thể thao Starsmec, cho biết việc cha mẹ đưa con đến các trung tâm tập thể hình hay lớp học chỉnh sửa dáng chỉ nên coi là hình thức bổ trợ. Tập luyện đúng cách giúp phát triển, cải thiện sự linh hoạt cơ bắp hiệu quả, tăng sức mạnh xương, từ đó giảm các nguy cơ cong vẹo cột sống, đau mỏi vai gáy ở lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, đối với các bệnh lý về cột sống, muốn điều trị khỏi cần có sự can thiệp của bác sĩ chuyên môn tại các bệnh viện hoặc cơ sở khám chữa bệnh uy tín.
Gù vẹo cột sống không chỉ tổn thương về thể chất mà còn gây bệnh lý tinh thần. Đa số trẻ gặp tình trạng này luôn kèm theo biểu hiện trầm cảm, nhất là ở nhóm bị gù vẹo nặng, thường bị tách biệt với bạn bè và xã hội. Đôi khi cha mẹ cũng rơi vào trạng thái tinh thần tương tự do cảm thấy có lỗi khi để con mắc bệnh.
Kỹ thuật viên giúp một bệnh nhi tập bài tập điều chỉnh cơ xương khớp. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Theo Bộ Y tế, bàn ghế, chiếu sáng nơi học tập, cặp sách mang hằng ngày là những yếu tố nguy cơ gây cong vẹo cột sống ở học sinh. Nhà trường, gia đình cần trang bị bộ bàn ghế phù hợp với kích thước cơ thể các em. Học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có hai quai, tránh đeo lệch về một phía. Ngoài ra, trẻ cần duy trì chế độ học tập, sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý.