Sau 2 ngày tới tiệm massage và được nam nhân viên nắn bóp liên tục suốt 2 tiếng, cô Xie phải nhập viện và được chẩn đoán bị gãy xương.
Cô Xie sống ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc gần đây bị đau nhức chân. Nghe hàng xóm nói gần nhà mới mở một tiệm massage nên cô Xie đã tới. Nam nhân viên ở tiệm massage đã nắn bóp chân cho cô Xie suốt 2 tiếng.
Sau khi nắm bóp một hồi lâu, thay vì cảm thấy thoải mái cô Xie lại thấy rất đau nhưng vẫn cố gắng đi bộ về nhà. 3 ngày sau hôm đi massage, cô Xie cảm thấy chân vô cùng đau đớn, chỗ mắt cá chân sưng lên rất to. Cô vội vàng nhờ người thân đưa tới bệnh viện.
Chân cô Xie sưng to sau 2 ngày tới tiệm massage.
Kết quả kiểm tra cho thấy cô Xie bị gãy xương nhẹ và tạm thời không thể đi lại được. Cô Xie nghi ngờ nguyên nhân là do đi massage, cô nói: “Tôi là một họa sĩ. Tôi thường đứng rất lâu nên chân tôi bị đau. Tôi thường thấy mọi người hay đi massage và gần nhà cũng mới mở một tiệm nên quyết định thử. Sau khi nam nhân viên nắn bóp một hồi lâu tôi có nghe thấy tiếng lạ ở chân nhưng không để ý."
Đánh giá về tình trạng của cô Xie, Gao Hui, bác sĩ Khoa xương khớp, Bệnh viện thành phố Dương Châu cho biết thực sự rất khó để xác định nguyên nhân gãy xương của cô Xie có phải do xoa bóp hay không. Bởi vì người trung niên và người già, đặc biệt là phụ nữ, dễ bị loãng xương nên đôi khi có những tác động dù chỉ hơi dùng sức một chút cũng dẫn tới gãy xương.
Cô Xie có nghề nghiệp là họa sĩ nên việc đứng hay ngồi xổm trong thời gian dài có thể dẫn tới vấn đề về xương khớp. Cửa tiệm massage không có chuyên môn về y tế, không thể biết được liệu cô Xie có tình trạng bệnh lý xương khớp sẵn hay không nên có thể vô tình gây ra tai nạn.
Tác dụng của massage là thư giãn các cơ bắp, giảm mệt mỏi về thể chất. Tuy nhiên nếu bạn có những bệnh lý sẵn về xương khớp như loãng xương thì việc xoa bóp có thể không phù hợp.
Bệnh loãng xương là gì?
Đau vùng thắt lưng có thể là biểu hiện của bệnh loãng xương. (Ảnh minh họa)
Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn nên dễ bị tổn thương hay gãy dù chỉ chấn thương nhẹ. Nhiều người nghĩ rằng bệnh loãng xương là một phần tự nhiên và không thể tránh khỏi của tuổi già.
Bệnh loãng xương không có triệu chứng rõ ràng từ sớm, nhưng theo thời gian, có thể nhận thấy những biểu hiện sau:
- Lưng còng, dáng đứng khom xuống và dần dần sụt cân, chiều cao giảm.
- Đau lưng, bao gồm đau thắt lưng cấp tính và đau thắt lưng mạn tính. Đau cột sống cấp tính do xẹp đốt sống. Đau xuất hiện tự nhiên sau chấn thương nhỏ, thường khỏi sau vài tuần. Đau thắt lưng mạn tính kèm theo biến dạng cột sống, biểu hiện bằng đau thắt lưng kéo dài, có những đợt đau cấp tính rồi lại khỏi, kèm theo các thay đổi tư thế cột sống như gù, vẹo cột sống…
- Gãy xương. Biểu hiện nặng nhất của loãng xương là gãy xương: lún xẹp thân đốt sống, gãy chỏm xương đùi, gãy đầu dưới xương cẳng tay, xương sườn, xương chậu.
Phòng ngừa loãng xương
- Bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi.
- Bỏ thuốc lá.
- Thực phẩm giàu vitamin D như nấm tươi, sữa, trứng, cá hồi, trai, sò... giúp cơ thể hấp thu được canxi.
- Tăng cường rau xanh.
- Hạn chế rượu và caffeine.
- Kiểm tra định kỳ.
- Uống sữa.
- Thực phẩm giàu vitamin K là các loại rau có màu xanh đậm, đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành xương. Các loại rau giàu vitamin K là súp lơ xanh, bắp cải, cải xoắn.
- Tập thể dục thường xuyên.