Vừa qua một phụ nữ người Anh phải nhập viện trong tình trạng chảy máu mũi, nhìn kém, đau nhức dữ dội và phù nửa mặt trái. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị gãy xương hốc mắt do xì mũi.
Bác sĩ cho biết, đây là trường hợp hy hữu trên thế giới.
Theo các bác sĩ, có khả năng vùng xương quanh mắt bệnh nhân bị yếu từ trước và thói quen hút 20 điếu thuốc mỗi ngày đã tác động không nhỏ đến chấn thương.
Bác sĩ khẳng định, xì mũi ở mức độ và cường độ vừa phải không dẫn đến gãy xương hốc mắt. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo cáo bệnh nhân nên tránh xì mũi, bởi chính ông cũng thừa nhận rằng: "Từ sau ca bệnh này, tôi đã xì mũi ít hơn”.
Xì mũi đúng cách, tránh hậu họa
Mũi của chúng ta luôn tiết ra dịch, chất nhày từ các xoang chảy tới mũi đều chứa dịch. Khi gặp các tác nhân kích thích như thời tiết lạnh, ẩm, khói, bụi ô nhiễm mũi và xoang sẽ tiết ra nhiều dịch đặc gây ứ đọng trong mũi.
Vì vậy, khi tắc ngạt mũi, nếu không xì loại bỏ dịch bẩn từ mũi, các chất này sẽ đi từ mũi xuống họng hoặc chảy ngược vào xoang gây viêm xoang hoặc gây chảy máu mũi.
Việc xì mũi không đúng cách cũng sẽ để lại nhiều hậu quả nguy hiểm. Vì mũi và tai thông với nhau qua vòi nhĩ, mũi và xoang thông với nhau qua các lỗ thông xoang. Khi xì mũi không đúng, chúng ta sẽ đẩy nước mũi lẫn với các tác nhân gây bệnh như virút, vi khuẩn gây viêm tai, viêm xoang, lâu dần khiến bệnh nặng hơn, điều trị khó và lâu hơn.
Theo các chuyên gia, để xì mũi đúng, tránh gây tổn thương mũi, cần bịt từng bên mũi, xì hơi mạnh bên đối diện để chất ứ đọng chảy ra hết. Trong trường hợp bị tắc, ngạt mũi nhiều, hay bị chảy máu cam… cần nhỏ thuốc co mạch để thông một phần trước, tránh gây tổn thương, chảy máu mũi khi xì hoặc hút mũi.
Đối với trẻ nhỏ, lưu ý:
- Cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý nhỏ từng giọt để dịch mũi loãng dần, làm ẩm lỗ mũi rồi mới dùng dụng cụ hút mũi.
- Có thể dùng nước muối biển dạng xịt mũi, sau đó mới yêu cầu trẻ xì mũi từng bên một cách nhẹ nhàng.
- Khi nhỏ mũi cho bé, cần đặt bé thẳng đầu, hai lỗ mũi nhìn lên trần nhà. Tư thế này giúp toàn bộ niêm mạc mũi được tráng rửa một cách tối đa.
- Nếu cho trẻ xì mũi, yêu cầu trẻ hơi cúi đầu, ngậm miệng, một tay ấn giữ một bên cánh mũi, và xì mũi bên còn lại.
- Khi dùng khăn giấy đặt trước lỗ mũi để ngăn các chất dịch bẩn bắn ra xung quanh, tránh lây lan các vi khuẩn, dịch bệnh. Việc lau chùi mũi nhiều cũng có thể làm rát đỏ phần da xung quanh mũi của trẻ, vì vậy nên thao tác nhẹ nhàng, từ tốn.