Khi trời lạnh rất nhiều người chủ quan, chỉ mặc ấm ở phần thân cơ thể, bỏ qua một số bộ phận quan trọng khiến cơ thể bị ảnh hưởng.
Chào bác sĩ,
Thời tiết hiện đang chuyển mùa, tôi dù đã mặc ấm nhưng vẫn bị cảm cúm, đặc biệt đứa con 4 tuổi nhà tôi, bị cúm, sổ mũi gần 2 tuần nay vẫn chưa khỏi. Xin bác sĩ cho biết, ngoài mặc đủ ấm thì cần phải làm gì để sức khỏe không bị ảnh hưởng trong điều kiện thời tiết chuyển mùa?
Xin cảm ơn bác sĩ!
Thời tiết chuyển mùa, không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng bị ảnh hưởng, nguyên nhân là do không khí lạnh tác động hoặc do vi khuẩn, virus tấn công. Thực tế, có nhiều người chỉ chăm chút mặc ấm phần thân cơ thể, khi thấy người ấm là an tâm đi ra ngoài hoặc ở trong phòng mà không quan tâm đến các bộ phận khác trên cơ thể. Chính điều này khiến khí lạnh hoặc vi khuẩn xâm nhập, từ đó gây nên những hệ lụy cho sức khỏe như viêm đường hô hấp, nhiễm lạnh, cảm cúm.
Để bảo vệ sức khỏe, mọi người cần chú ý bảo vệ những bộ phận cơ thể sau:
Bảo vệ mũi - họng
Đây là bộ phận “cửa ngõ” giúp bảo vệ đường hô hấp của mỗi người, do vậy nếu không bảo vệ vững chắc “thành trì” này sẽ rất dễ bị ốm. Tuy nhiên, rất nhiều người lớn và trẻ nhỏ còn chủ quan, ra đường không đeo khẩu trang, thậm chí cho trẻ ngồi trước xe máy.
Khi thời tiết chuyển lạnh, kèm theo ô nhiễm không khí, nếu không bảo vệ mũi họng tốt có thể dẫn tới các bệnh về đường hô hấp như sổ mũi, viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang… thậm chí nặng hơn có thể gây ra tình trạng khô mũi, vỡ mao mạch, chảy máu mũi (chảy máu cam) ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp.
Không bảo vệ mũi họng tốt rất dễ bị cảm cúm, cảm lạnh. Ảnh minh họa.
Dù mũi là bộ phận nhỏ trên cơ thể, nhưng hãy bảo vệ hàng ngày, nhất là khi đi ra đường. Hãy đeo khẩu trang đúng quy cách khi ra đường, đến nơi đông người, nơi có nguy cơ cao lây bệnh. Hãy vệ sinh mũi, dưỡng ẩm, làm ấm mũi trong thời tiết khô hanh.
Đừng quên bảo vệ tai
Nhiều người có thói quen đeo khẩu trang khi ra đường, nhưng việc làm đó mới chỉ bảo vệ được phần mũi và họng, trong khi hai lỗ tai cũng rất cần bảo vệ. Thời tiết lạnh, hệ miễn dịch suy yếu vì thế vi khuẩn, cầu khuẩn hoặc các vi sinh vật khác có thể tồn tại và tấn công bất kể bộ phận nào trên cơ thể, kể cả tai.
Ngoài ra, khi không được bảo vệ, tai bị nhiễm lạnh sẽ gây nên tình trạng đau đầu, khí lạnh thông từ tai xuống mũi khiến tình trạng viêm mũi nặng hề hơn. Khi đó, vi khuẩn có cơ hội phát triển và tăng nguy cơ viêm tai giữa. Vì vậy, hãy bảo vệ tai bằng những những dụng cụ chuyên dụng bịt lỗ tai khi ra ngoài, hoặc dùng mũ trùm đầu nhưng kéo trùm xuống cả hai lỗ tai cũng là cách bảo vệ hiệu quả.
Bảo vệ hai bàn chân
Khác với tai, mũi, họng đôi bàn chân đa số khi ra ngoài đều được chăm sóc rất cẩn thận bởi tất (vớ) hoặc giày dép. Tuy nhiên, khi ở nhà, ở văn phòng nhiều người cảm thấy khó chịu với dụng cụ bảo vệ, nghĩ rằng nhà có sàn gỗ, lát đá sạch nên không chú ý đeo tất, điều này là sai lầm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Hãy bảo vệ và giữ ấm đôi bàn chân ngay cả khi ở nhà. Ảnh minh họa.
Giữ ấm đôi bàn chân vào mùa đông như "giữ chính trái tim của mình", bởi đôi chân được ví là “trái tim” thứ hai của cơ thể. Nếu để chân trần, toàn thân sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có tim mạch, thận… Nguyên nhân là do chân có nhiều dây thần kinh và mạch máu kết nối đến tim, não, gan, thận, dạ dày… Nếu không giữ ấm đôi chân, để chân bị nhiễm lạnh thì hơi lạnh đó sẽ đi đến các cơ quan trong cơ thể, từ đó gây nên những tác hại không mong muốn.
Do vậy, mọi người hãy giữ ấm đôi bàn chân. Khi ra ngoài trời lạnh, nên mang giày, tất cao cổ. Khi ở nhà hoặc bất cứ thời điểm nào cảm thấy lạnh, mọi người cũng phải đi tất ngay. Với những người làm việc ngoài trời, thường xuyên phải lội nước, nên đi giày sục hay ủng để bàn chân được khô ráo. Hãy giữ ấm đôi bàn chân bằng việc ngâm chân với nước ấm, có thêm gừng, lá lốt, tía tô; massage chân để tăng cường sức đề kháng.