Câu chuyện về cô gái 25 tuổi ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội nước này sau khi giảm hơn 18kg trong nửa năm nhưng lại mắc bệnh gan nhiễm mỡ trầm trọng.
Theo truyền thông Trung Quốc, Chen Yi (25 tuổi) vào đầu năm phát hiện bản thân đã nặng hơn 70kg do ăn nhiều lại lười vận động. Do đó, cô quyết tâm giảm cân và lập một kế hoạch ăn kiêng nghiêm ngặt, chỉ ăn rau và ngũ cốc mỗi ngày, sữa và trứng chỉ ăn một hoặc hai lần một tuần. Kết quả sau hơn nửa năm, Chen Yi đã thành công giảm được hơn 18kg và rất vui mừng.
Tuy nhiên, cô không ngờ rằng trong lần khám sức khỏe năm nay, bác sĩ phát hiện chỉ số transaminase của cô cao gấp ba lần bình thường. Sau khi kiểm tra kỹ hơn, cô được chẩn đoán mắc bệnh gan nhiễm mỡ nặng. Điều này khiến cô rất bất ngờ vì rõ ràng bản thân đã gầy đi, tại sao gan lại có nhiều mỡ.
Cô gái giảm hơn 18kg sau nửa năm nhưng không ngờ lại bị gan nhiễm mỡ. (Ảnh minh họa)
Về vấn đề này, bác sĩ Lin Su - Trung tâm Y tế Khu vực Quốc gia, Bệnh viện Hoa Sơn thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) cho biết, trên lâm sàng, những bệnh nhân như vậy không hiếm, họ bị gan nhiễm mỡ là vì ăn kiêng quá mức. Ăn kiêng quá mức có thể dẫn đến cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein, khiến chất béo trung tính trong gan không thể vận chuyển khỏi gan, cuối cùng dẫn đến suy dinh dưỡng nhưng gan nhiễm mỡ.
Bác sĩ Lin Su nhắc nhở rằng giảm cân không chỉ tập trung vào việc thay đổi cân nặng mà còn phải tập trung vào giảm béo một cách lành mạnh. Cách giảm cân đúng đắn là giảm lượng calo nạp vào hợp lý, kết hợp với việc tập luyện phù hợp để giảm cân dần dần và cơ thể thích nghi với sự thay đổi.
Nói chung, bệnh nhân béo phì nhẹ không nên giảm quá 5kg trong một tháng và bệnh nhân béo phì từ trung bình đến nặng có thể giảm 10kg trong một tháng. Ngoài ra, loại béo phì phổ biến nhất là béo bụng, những người có chỉ số BMI bình thường nhưng nhiều mỡ bụng có thể giảm khoảng 1kg mỗi tháng, quan trọng nhất là giảm mỡ và tăng cơ.
Người gầy và người béo đều có thể bị gan nhiễm mỡ
Gan là nơi trao đổi chất quan trọng trong cơ thể con người, một số chất béo và đường dư thừa trong thực phẩm con người tiêu thụ sẽ được chuyển hóa thành chất béo trong gan. Tuy nhiên, chất béo do gan xử lý vẫn cần được vận chuyển đến các tế bào mỡ khắp cơ thể, lúc này cần có một “chiếc xe đặc biệt” - apolipoprotein.
Những người béo phì và những người ăn uống nhiều dễ bị gan nhiễm mỡ, vì nếu ăn nhiều thì gan sẽ tổng hợp nhiều chất béo hơn, nhưng apolipoprotein bị hạn chế và khả năng vận chuyển không đủ sẽ khiến một số lượng mỡ tổng hợp tích tụ lại trong gan, theo thời gian chắc chắn gan nhiễm mỡ sẽ hình thành. Tình trạng này có thể được gọi là "gan nhiễm mỡ do dinh dưỡng quá mức", nguyên nhân là do cơ thể nạp vào quá nhiều năng lượng vì ăn quá nhiều.
Người ăn nhiều hay ít đều có thể bị gan nhiễm mỡ nếu không cân đối dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
Với những người gầy, giảm cân, ăn chay sẽ gặp phải tình trạng khác. Trong trường hợp ăn chay và ăn kiêng, lượng protein của con người bị giảm đi, điều này làm giảm lượng apolipoprotein do gan tổng hợp. Với ít phương tiện vận chuyển chất béo, chất béo tổng hợp ở gan không thể được vận chuyển đến các tế bào mỡ khắp cơ thể kịp thời, dẫn đến tích tụ chất béo trong gan và hình thành gan nhiễm mỡ. Tình trạng này có thể được gọi là gan nhiễm mỡ thiếu chất dinh dưỡng.
Chỉ bằng cách đảm bảo cơ thể có đủ dinh dưỡng thì mọi người mới có thể tránh được bệnh gan nhiễm mỡ dù ăn nhiều hay ăn ít.