Khi nói đến các bệnh liên quan đến ký sinh trùng, nhất là giun sán, nhiều người nghĩ ngay đến việc ăn uống mất vệ sinh, tái sống…Thế nhưng ngay cả những người tưởng ăn uống rất lành mạnh vẫn có nguy cơ bị nhiễm.
Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội
Các bệnh liên quan đến ký sinh trùng hiện rất hay gặp, nguyên nhân chủ yếu là do thói quen ăn uống hàng ngày như ăn đồ tái sống, vệ sinh bàn tay không sạch sẽ trước khi ăn hoặc có thể lây nhiễm qua một số nguồn khác.
Tuy nhiên, gần đây, có không ít thông tin cho rằng, uống các loại nước ép rau quả, ăn hoa quả tươi cũng có thể gây nhiễm ký sinh trùng. Một cô gái chia sẻ trên mạng xã hội rằng, sau một thời gian chăm uống nước ép và ăn trái cây tươi, kết quả xét nghiệm cho thấy ký sinh trùng trong máu của cô nhiều
Cô gái chia sẻ kết quả xét nghiệm máu có nhiều ký sinh trùng. (Ảnh cắt từ Facebook)
Sau khi cô gái chia sẻ nỗi hoang mang, một người thường xuyên đăng các công thức nước ép trên trang cá nhân khẳng định "những người hay ăn đồ sống như rau sống, nước ép, sinh tố…" thì dễ nhiễm ký sinh trùng và khuyên sau mỗi lần "thanh lọc" bằng nước ép mọi người đều nên tẩy ký sinh trùng.
Thực tế, thói quen ăn hoa quả hay nước ép trái cây được rất nhiều người thực hiện, các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng dùng nước ép hay trái cây tươi là tốt cho sức khỏe. Thế nhưng thông tin trên khiến không ít người hoang mang.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia Công nghệ thực phẩm cho biết, dùng nước ép rau củ và ăn trái cây tươi sẽ nhận được nhiều giá trị dinh dưỡng hơn so với khi đã nấu chín. Tuy nhiên, khi sử dụng theo cách này cũng sẽ đối mặt với một số nguy cơ.
“Nguồn lây nhiễm ký sinh trùng qua ăn uống chủ yếu là khi ăn trái cây bị hỏng, người rửa, sơ chế hay người ăn không vệ sinh sạch sẽ bàn tay hoặc một số loại quả không gọt được vỏ như mâm xôi, dâu tây... Còn nếu ăn quả tươi, gọt vỏ, vệ sinh tay sạch sẽ thì nguy cơ nhiễm ký sinh trùng là rất thấp”, PGS Thịnh cho hay.
Các loại quả không gọt được vỏ cần vệ sinh sạch sẽ khi ăn. (Ảnh minh họa)
Đối với các loại nước ép rau củ, ông Thịnh cảnh báo nguy cơ nhiễm ký sinh trùng là có, kể cả sau khi đã sơ chế kỹ lưỡng. “Dù một số loại rau, củ ép uống nước rất tốt như rau ngót, cà rốt, nhưng dù đã được rửa sạch trước khi ép thì vẫn có nguy cơ khiến người dùng nhiễm ký sinh trùng. Bởi ấu trùng hoặc trứng giun sán rất nhỏ, mắt thường không thể nhìn thấy. Đặc biệt nước ép rau má nhiều người hay sử dụng thì nguy cơ càng cao”, ông Thịnh cho hay.
GS.TS.BS Nguyễn Văn Đề - chuyên gia đầu ngành về ký sinh trùng thì cho rằng, không chỉ ăn hoa quả, nước ép củ quả mà ngay cả người không ăn sống bao giờ, vệ sinh rất sạch sẽ vẫn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. GS Đề lấy ví dụ về một nghiên cứu do chính ông thực hiện ở Hà Nội, kết quả cho thấy trứng giun đũa chó mèo có thể bay trong không khí khi gặp một cơn gió và người dân chỉ cần hít phải là đã có thể mắc phải, dù chẳng bao giờ ăn sống, nhà không nuôi chó mèo.
Nước ép một số loại rau củ có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng là rất cao. (Ảnh minh họa)
Với việc uống các loại nước ép, GS Đề cho rằng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng là có, nhất là các loại rau có lá mọc sát mặt đất hoặc rau thủy sinh, bởi khi ép tươi không thể tiêu diệt được ký sinh trùng. Còn đối với các loại củ thì sẽ hạn chế hơn vì trước khi ép sẽ được gọt vỏ, nhất là người thực hiện đeo bao tay khi gọt. Riêng với các loại trái cây, vị chuyên gia này khuyên không nên vì sợ ký sinh trùng mà từ bỏ, quan trọng là hãy vệ sinh tay và dụng cụ cắt, đựng thật sạch, chọn mua các loại quả còn tươi, không thối ủng, dập nát. Các loại trái cây tươi là nguồn cung cấp rất nhiều vitamin cho cơ thể.
Đối với thông tin tiêu diệt ký sinh trùng nói chung, giun sán nói riêng không cần dùng thuốc, có thể dùng các mẹo dân gian… GS Đề cho rằng, điều này là không nên. “Cách tốt nhất để phòng ký sinh trùng là ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ. Tiếp theo là tẩy giun định kỳ hàng năm theo khuyến cáo của bác sĩ. Việc tẩy giun cũng chỉ phòng được những loại ký sinh, giun sán trong đường ruột. Với một số loại giun sán ký sinh ở gan, não, mắt… thuốc tẩy giun thông thường không thể tiêu diệt được, do vậy cần đi khám, xét nghiệm ký sinh trùng định kỳ, nếu mắc ký sinh trùng loại nào, bác sĩ sẽ có thuốc đặc trị loại đó”, GS Đề khuyên.
Tin liên quan
Theo các chuyên gia rất khó để khẳng định rằng trong lòng trắng trứng có giun sán, để khẳng định được thì phải tiến hành xét nghiệm.
Giấc ngủ rất quan trọng với sức khỏe, đôi khi những bất thường khi ngủ còn là dấu hiệu cảnh báo sớm một số bệnh có thể gặp phải. Do vậy, nếu...
Đây là những món ăn nhiều người Việt nghiện mê mẩn nhưng lại có thể khiến bạn bị nhiễm ký sinh trùng nếu chế biến không đúng cách.
Thịt lợn gần như là món bắt buộc phải có trên bàn ăn của mọi nhà nên việc lựa chọn thịt lợn an toàn cũng rất quan trọng, nếu không sẽ gây...
Tin bài cùng chủ đề PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh
Rửa chén bát tưởng chừng là công việc đơn giản, ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng cách có thể sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc...