Một phụ nữ 25 tuổi đã vô tình làm hỏng đôi mắt của mình trong hai năm chỉ vì mắc một sai lầm khi sử dụng điện thoại.
Theo Apple Daily, người phụ nữ họ Chen là thư ký và do tính chất công việc, cô luôn phải gắn chặt với chiếc điện thoại mọi lúc vì yêu cầu của sếp muốn cô phải trả lời tin nhắn, điện thoại bất cứ khi nào cần. Cũng vì vậy, mỗi khi phải ra ngoài, cô vẫn thường phải dùng điện thoại ngay dưới ánh sáng mặt trời. Vì ánh sáng ban ngày quá chói nên cô Chen luôn phải chỉnh độ sáng màn hình ở mức cao nhất.
Tuy nhiên cô lại thường quên giảm độ sáng sau giờ làm việc. Vào ban đêm, trước khi đi ngủ cô thường tắt đèn và xem phim trên điện thoại. Vì đã quá quen với độ sáng cao nhất của màn hình nên cô Chen không hề thấy khó chịu và cũng không hề điều chỉnh lại mức sáng.
Điều này diễn ra trong hai năm cho đến tháng 3 năm 2018 khi cô nhận ra có gì đó không ổn với đôi mắt của mình. Lúc đầu, cô cố gắng làm dịu sự khó chịu bằng thuốc nhỏ mắt nhưng vẫn không hiệu quả. Chẳng lâu sau, tình trạng của cô trở nên nghiêm trọng hơn và chỉ bốn tháng sau, đôi mắt cô chuyển sang đỏ ngầu và đau đớn.
Tại bệnh viện, Chen được các bác sĩ thông báo rằng các mạch máu trong giác mạc bên trái của cô bị tắc nghẽn (xung huyết kết mạc). Trong khi đó, tầm nhìn bên phải của cô bị giảm một cách đáng kinh ngạc. Hơn nữa, bác sĩ còn phát hiện trên giác mạc của cô có hơn 500 'lỗ'. Ngay lập tức bác sĩ đã tiến hành điều trị bằng steroid cho cô Chen và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi sau ba ngày.
Theo bác sĩ điều trị cho cô, màn hình điện thoại thông minh của Chen đã liên tục phát ra ánh sáng ở mức 625 lumens, cao hơn 300 lumens so với mức khuyến nghị. Bác sĩ cho biết, sử dụng điện thoại với độ sáng như vậy trong hơn hai giờ giống như việc nhìn chằm chằm vào lò vi sóng.
"Nhìn gần lò vi sóng, người dùng sẽ bị cận thị, mắt đỏ, mỏi mắt, khô mắt nghiêm trọng, cảm giác nóng rát, sau đó là tổn thương giác mạc. Độ sáng màn hình quá cao cũng có tác động tương tự, nó sẽ làm tổn thương mắt, dễ gây cảm ứng đục thủy tinh thể và bệnh võng mạc", bác sĩ Hồng - giáo sư nhãn khoa thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Pingtung Fuying cho biết.
Bác sĩ Hồng cũng cho rằng các độ sáng màn hình khác nhau trong các môi trường khác nhau sẽ có các tiện nghi xem khác nhau. Hiện tại, hầu hết các điện thoại di động đều có chế độ tự động, cho phép điện thoại di động tự động phát hiện môi trường bên ngoài và điều chỉnh độ sáng. Nhưng nói chung tốt nhất là sử dụng cách thủ công để tinh chỉnh, đặc biệt là khi sử dụng điện thoại di động vào ban đêm thì không nên tắt đèn, nên giảm độ sáng của điện thoại xuống 250 lumens để tránh mỏi mắt và tổn thương mắt do ánh sáng xanh.