Cô gái trẻ loét giác mạc vì sai lầm khi chữa đau mắt đỏ, lan truyền mẹo nhỏ nước tiểu vào mắt chữa bệnh

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 26/09/2023 11:21 AM (GMT+7)

Bệnh đau mắt đỏ hiện vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thậm chí nhiều trường hợp còn bị biến chứng nặng do chủ quan và gặp sai lầm khi chữa bệnh.

Gần đây, bệnh viêm kết giác mạc (đau mắt đỏ) đang có diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Nhiều gia đình có con mắc bệnh phải nghỉ học. Tại các bệnh viện, số ca mắc đau mắt đỏ vẫn gia tăng. Đáng nói, nhiều trường hợp mắc bệnh do chủ quan, tự ý điều trị dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Tại khoa Mắt (Bệnh viện E), số ca đau mắt đỏ đến khám gần đây vẫn tăng, không chỉ trẻ nhỏ mà nhiều người trưởng thành cũng đến khám với biến chứng nặng. Bác sĩ Nguyễn Duy Bích (Khoa Mắt, Bệnh viện E) cho biết mới tiếp nhận, khám và điều trị cho một trường hợp đau mắt đỏ bị biến chứng gây hậu quả đáng tiếc do tự ý dùng thuốc.

Hình ảnh tổn thương mắt của nữ bệnh nhân sau khi tự ý dùng thuốc khi bị đau mắt đỏ. Ảnh: BS Nguyễn Duy Bích.

Hình ảnh tổn thương mắt của nữ bệnh nhân sau khi tự ý dùng thuốc khi bị đau mắt đỏ. Ảnh: BS Nguyễn Duy Bích.

Bệnh nhân là nữ sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, sau khi thấy các biểu hiện ngứa, đỏ, cộm mắt thì tự "chẩn đoán" mình bị đau mắt đỏ và mua thuốc về dùng. Đến ngày thứ 6 khi mắt đau nhức nhiều, kèm theo tình trạng mất thị lực, bệnh nhân mới tới bệnh viện thăm khám.

Bác sĩ Nguyễn Duy Bích cho biết bệnh nhân đến viện muộn, mắt đã ở trong tình trạng nặng, chẩn đoán bị loét giác mạc nghi do nấm và mủ tiền phòng… Hiện nữ sinh này đang được điều trị chuyên khoa theo phác đồ và tư vấn của bác sĩ.

Bệnh viêm kết giác mạc cấp nếu được chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ điều trị, chủ quan không đi khám sớm hoặc người có đề kháng yếu, người bị viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc) sẽ gây ra nhiều biến chứng như viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu).

Với bệnh đau mắt đỏ, các bác sĩ cho biết có 3 sai lầm phổ biến khiến bệnh lâu khỏi hơn, dễ để lại biến chứng. 

- Không rửa mắt, để tự khỏi

Rất nhiều người cho rằng bệnh đau mắt đỏ lành tính, tự khỏi nên chủ quan. Tuy nhiên, có nhiều tác nhân gây bệnh nên mọi người khi mắc hoặc nghi ngờ bị đau mắt đỏ cần đi khám để biết nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị hợp lý.

Không phải trường hợp đau mắt đỏ nào cũng cần điều trị tại bệnh viện, với trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi nhỏ thuốc. Nhiều người chỉ nhỏ 1-2 giọt nước muối là không đúng. Việc rửa mắt sẽ giúp làm trôi và đẩy bớt lượng virus ra ngoài, làm sạch gỉ mắt, khi đó nhỏ thuốc nhanh khỏi hơn.

- Chữa đau mắt đỏ bằng mẹo

Phương pháp chữa bệnh bằng cách nhỏ nước tiểu vào mắt đang được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Mạng xã hội.

Phương pháp chữa bệnh bằng cách nhỏ nước tiểu vào mắt đang được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Mạng xã hội.

Rất nhiều người, nhất là ở vùng nông thôn khi bị đau mắt đỏ thường dùng mẹo để chữa, khiến tình trạng bệnh càng nặng thêm. Theo đó, mẹo chữa đau mắt đỏ thường gặp nhất là xông lá trầu không, ngoài ra có nơi dùng đuôi lươn đắp lên mắt để.

Đặc biệt, gần đây còn rộ lên trào lưu nhỏ nước tiểu vào mắt để chữa đau mắt đỏ. Theo chia sẻ trên mạng, khi bị đau mắt đỏ, lấy nước tiểu cho vào bình nhỏ mắt - nhỏ mỗi bên mắt 3 giọt, mỗi ngày 3 lần. Người chia sẻ còn cho biết cách làm này chắc chắn sẽ khỏi bệnh.  

Các chuyên gia nhãn khoa khẳng định các phương pháp truyền miệng như trên là phản khoa học, đặc biệt sẽ làm tình trạng viêm nhiễm nặng thêm, thậm chí gây mù lòa không thể cứu chữa được. Do vậy, người dân tuyệt đối không nghe theo tin đồn để làm theo.

- Tự ý sử dụng kháng sinh, thuốc chống viêm

Đây là thói quen thường gặp nhất. Rất nhiều người khi bị đau mắt đỏ, không cần biết nguyên nhân đã ra hiệu thuốc mua kháng sinh về nhỏ và điều trị. Điều này rất nguy hiểm, gây nhiều tác dụng phụ, biến chứng, thậm chí là mù lòa.

Ví dụ như người bị nấm giác mạc nếu không biết, thấy ngứa, đỏ mắt liền mua thuốc có chứa corticoid về nhỏ mắt sẽ làm bệnh bùng phát và nặng thêm, gây biến chứng thủng giác mạc hoặc sẽ làm cho vết loét rộng, lâu lành sẹo và có thể dẫn đến thủng giác mạc, gây mù.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán Bộ Y tế.

Đau mắt đỏ lây qua đường nào, nhỏ thuốc gì để mau khỏi? Riêng một loại thuốc nhỏ mắt cấm kỵ dùng
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang virus gây bệnh từ người bệnh.

Bệnh đau mắt đỏ

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh đau mắt đỏ