Dễ mù vĩnh viễn khi tự chữa đau mắt đỏ, bác sĩ hướng dẫn việc cần làm hàng ngày để bệnh nhanh khỏi

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 04/09/2023 08:50 AM (GMT+7)

Khi trẻ bị đau mắt đỏ, nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ rất dễ bị biến chứng nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ mù mắt nếu không được đưa đến viện kịp thời.

Mắc bệnh nặng sau buổi học bơi tại trường

Thời gian gần đây, các bệnh viện có khoa mắt hoặc các bệnh viện mắt trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám và điều trị. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian qua mỗi ngày tiếp nhận 40-50 bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán bị đau mắt đỏ. Tương tự, khoa Mắt tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Đông hay Bệnh viện Mắt Hà Nội cũng tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám.

Đáng chú ý, có trường hợp vì chủ quan với triệu chứng ban đầu nên khiến bệnh càng nặng hơn. Điển hình như bé Huy Hùng (7 tuổi, ở Hà Nội) phải đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám vì hai mắt sưng đau và đỏ nhiều. Mẹ bé cho biết, ban đầu cháu chỉ bị chảy nước mắt, ra nhiều rỉ mắt nhưng gia đình nghĩ trẻ mới ngủ dậy thường bị tình trạng đó nên không chú ý và vẫn cho đi học bình thường.

Tại trường, cháu học bơi tại bể bơi nhà trường, sau đó về nhà thì mắt đỏ rực, dù nhỏ nước muối nhưng không đỡ, sau 3 ngày thì sưng nhiều, lan sang mắt còn lại nên được gia đình đưa đi khám. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu được chẩn đoán bị viêm kết giác mạc, tức viêm phần lòng trắng của cả hai mắt hay còn gọi là đau mắt đỏ.

Đi bơi khi bị đau mắt đỏ không chỉ làm tình trạng nặng thêm mà còn có nguy cơ lây lan bệnh tật. Ảnh minh họa.

Đi bơi khi bị đau mắt đỏ không chỉ làm tình trạng nặng thêm mà còn có nguy cơ lây lan bệnh tật. Ảnh minh họa. 

Các bác sĩ cảnh báo, hiện nhiều người còn tự ý điều trị, xin hoặc dùng lại đơn thuốc cũ, thậm chí là áp dụng biện pháp dân gian để chữa đau mắt đỏ khiến tình trạng nặng hơn, thậm chí đối diện với nguy cơ mù lòa.

ThS.BS.Phùng Thị Thúy Hằng - Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện là thời điểm giao mùa nên các trường hợp đau mắt đỏ chủ yếu do bị nhiễm virus, trong đó gặp nhiều nhất là Adenovirus. Ngoài nguyên nhân virus, đau mắt đỏ còn do vi khuẩn, dị ứng…

“Mặc dù đau mắt đỏ là bệnh lành tính, khi khỏi ít để lại di chứng nhưng lại rất dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, công sở, bể bơi... gây ảnh hưởng tới khả năng lao động, học tập và sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Do vậy, việc điều trị và phòng bệnh đúng cách là rất quan trọng”, bác sĩ Thúy Hằng cho hay.

Làm sao để phát hiện và điều trị đau mắt đỏ

Bệnh nhân bị đau mắt đỏ, sau thời gian ủ bệnh (tính từ khi tiếp xúc với nguồn lây) 2-3 ngày sẽ xuất hiện các dấu hiệu ngứa mắt, cộm đỏ, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều ghèn dử ở mắt, nhất là vào buổi sáng ngủ dậy làm cho hai mi dính vào nhau khiến bệnh nhân rất khó mở mắt. Ghèn mắt cũng làm cho người bệnh thấy nhìn khó, vướng nhưng thị lực thường không giảm. Tình trạng này lúc đầu chỉ bị ở một bên mắt, sau vài ngày xuất hiện sang mắt còn lại.                               

Một số trường hợp có thể có xuất huyết (chảy máu) dưới kết mạc. Nếu nguyên nhân gây bệnh là liên cầu, phế cầu, bạch hầu... thì kết mạc mi thường có lớp giả mạc che phủ, khi bóc giả mạc tái tạo nhanh. Những trường hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc như viêm giác mạc chấm nông, viêm giác mạc đốm làm cho giác mạc bị mờ đục, khi đó thị lực giảm nhiều và kéo dài dai dẳng hàng tháng. Nếu nguyên nhân là Adenovirus thì người bệnh có thể bị sốt nhẹ, chảy nước mũi, có sưng hạch trước tai hoặc hạch góc hàm, viêm họng, amidan sưng viêm.

Nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên để trôi rử ghèn, giúp nhanh khỏi bệnh hơn.

Nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên để trôi rử ghèn, giúp nhanh khỏi bệnh hơn. 

Bác sĩ Hằng cảnh báo, người có các triệu chứng đau mắt đỏ cần đi khám để được tư vấn và điều trị thích hợp, không tự ý mua thuốc về nhỏ mắt để tránh gây ra một số biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra cũng nên tránh sử dụng các thuốc lá cây để đắp hoặc xông mắt. “Việc xông mắt, đắp thuốc không những không có tác dụng mà còn gây biến chứng như xước giác mạc, viêm loét giác mạc gây khó khăn khi điều trị và dễ để lại di chứng như nhìn mờ, mù thậm chí phải khoét bỏ mắt”, bác sĩ Hằng cho hay.

Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ kê thuốc phù hợp để sử dụng. Tuy nhiên, việc rửa mắt hàng ngày bằng nước muỗi sinh lý Nac1 0,9% nhiều lần là điều rất quan trọng, có tác dụng rửa trôi ghèn mắt cùng tác nhân gây bệnh ra ngoài, giúp cho mau khỏi bệnh. Với những người đang đeo kính áp tròng thì nên ngừng đeo để tình trạng không bị nặng thêm.

Phòng bệnh đau mắt đỏ

Bác sĩ Hằng cho biết, bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây, nhất là ở các đồ vật cầm nắm tại lớp học, công sở, hoặc bể mơi công cộng… do vậy, việc phòng bệnh là rất quan trọng. Bác sĩ Hằng khuyến cáo:

- Người bị viêm kết mạc cần nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến những nơi đông người để tránh lây cho người khác.

- Sử dụng đồ vật riêng, không dụi tay lên mắt. Rửa tay trước và sau khi tra thuốc. Khi bắt buộc phải sử dụng các đồ vật chung, phải rửa tay bằng xà phòng trước. Sau khi khỏi bệnh, cần rửa sạch kính đeo mắt bằng xà phòng để tránh tái nhiễm.

- Không sử dụng một lọ thuốc tra mắt cho nhiều người.

- Không sử dụng nước muối tự pha để nhỏ mắt vì không đảm bảo vô trùng. Nồng độ muối và độ pH cũng không thích hợp với mắt. Ngoài ra nước muối tự pha còn thường có lẫn những tạp chất có hại cho mắt.

- Không vứt bừa bãi bông gạc sau khi sử dụng thấm rửa mắt. Thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi nắng. Các phòng khám cần vệ sinh tay và sát trùng dụng cụ đúng quy trình.

Cảnh báo: Hàng loạt trẻ ở Hà Nội bị đau mắt đỏ có biến chứng phải nhập viện
Gần đây, hàng loạt trẻ bị đau mắt đỏ phải đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị, trong đó nhiều trẻ gặp biến chứng nặng.

Bệnh đau mắt đỏ

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh đau mắt đỏ