Khi mua một miếng cá hoặc con cá, bạn có thể đặt câu hỏi: Có nên ăn da cá không? Da có ngon như phần thịt cá và ăn có lợi gì không?
Cá là nguồn thực phẩm phổ biến trên toàn thế giới và có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Hướng dẫn Chế độ ăn uống cho người Mỹ khuyến nghị người lớn nên ăn tối thiểu 230 gam hải sản mỗi tuần như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh.
Cá chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Theo WebMD, một khẩu phần 90 gam cá trích nướng cung cấp 20 gam protein, vitamin B12 và D, iốt, sắt, phốt pho, niacin và axit béo omega-3. Những chất này có thể giúp giảm nguy cơ trầm cảm, sa sút trí tuệ và bệnh tim, đồng thời đóng vai trò trong chức năng thần kinh và tuyến giáp, sức khỏe nhận thức, tái tạo DNA...
Một nhược điểm duy nhất đối với việc ăn cá là hàm lượng thủy ngân có thể có trong cơ thể cá. Thủy ngân có thể tích tụ và lưu giữ trong chất béo của cá theo thời gian. Thủy ngân dễ gây độc cho con người nếu tiêu thụ với số lượng lớn. Cá ngừ mắt to, cá kiếm và cá thu đều nằm trong nhóm có thủy ngân cao hơn các loại cá khác, do đó nên tránh cho trẻ em và những người đang mang thai hoặc đang cho con bú ăn.
Ăn da một số loại cá tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Có nên ăn da cá?
Da cá thường chứa một số chất dinh dưỡng như vitamin D, vitamin E, iốt, selen, taurine, protein và axit béo omega-3... Những chất dinh dưỡng này có thể tăng cường sức khỏe tim mạch, hỗ trợ sự phát triển cơ bắp và khả năng miễn dịch, bảo vệ não và giúp làn da khỏe mạnh.
Ăn da cá có thể cải thiện sức khỏe làn da do da cá là nguồn cung cấp collagen và vitamin E dồi dào, góp phần làm cho làn da của con người khỏe mạnh.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là thủy ngân cũng có thể có trong da của những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao, vì vậy bạn nên chọn cá có hàm lượng thủy ngân thấp như cá da trơn, cá tuyết, cá bơn, cá hồi, cá rô phi. Các loại cá có hàm lượng thủy ngân trung bình là cá chép, cá mú, cá bơn, cá hồng. Các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao là cá thu, cá kiếm... Với các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao, các chất độc và chất gây ô nhiễm đều có thể có trong da của chúng.
Với cá có hàm lượng thủy ngân không cao, tốt nhất là ăn cả da. (Ảnh minh họa)
Mặc dù ăn da cá là một cách dễ dàng và ngon miệng để bổ sung chất dinh dưỡng, nhưng với một số loại cá, chẳng hạn như cá ngừ, cá thu, da chúng có vị tanh khó ăn hơn một số loại cá khác. Để giúp ăn da cá dễ dàng hơn, hãy thử tìm một phương pháp chế biến mà bạn yêu thích, ví dụ nướng hoặc áp chảo cá để da giòn hơn. Sử dụng dầu ô liu khi chiên cá là một lựa chọn tốt vì dầu ô liu chứa chất chống oxy hóa và tác dụng chống viêm. Tránh luộc và hấp cá vì điều này có thể làm da bị nhão.