Bé gái 2 tuổi chỉ nặng có 9kg, bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng vì một sai lầm tai hại của người cha.
"Bác sĩ, chúng tôi lại đến rồi", một cặp cha mẹ ôm đứa con gái gầy guộc đứng trước khoa nhi của Bệnh viện Chữ thập đỏ Hàng Châu, Trung Quốc đến chào bác sĩ.
Xiaoying, hơn 2 tuổi, hồi đầu năm được chẩn đoán bị viêm phổi và phải nhập viện. Mẹ của Xiaoying nói rằng con gái cứ 1-2 tháng lại phải nhập viện và lần nào cũng là viêm phổi phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên. Thấy con bị bệnh dai dẳng như vậy nên gia đình cũng đã chuẩn bị sẵn rất nhiều thuốc ở nhà. Bất cứ khi nào thấy Xiaoying không khỏe thì cho uống thuốc trước. Một vài lần, cô bé cũng mau chóng khỏi bệnh nhưng lần này thì mãi không đỡ nên phải tới viện.
Bé gái 2 tuổi bị viêm phổi nhập viện, bác sĩ phát hiện thêm trẻ còn bị suy dinh dưỡng.
Bác sĩ Jin Haili, trưởng khoa Nhi đã khám sức khỏe chi tiết cho Xiaoying và hỏi cha mẹ về bệnh sử liên quan. Ngoài bệnh viêm phổi, cô bé còn được chẩn đoán thêm là bị suy dinh dưỡng. Kết quả đo cho thấy Xiaoying cao 88cm và chỉ nặng 9kg, theo độ tuổi của em (2 tuổi 3 tháng) thì cân nặng bình thường phải là 12-13kg. Như vậy so với mức trung bình thì Xiaoying nhẹ cân hơn rất nhiều.
Bác sĩ Jin Haili nói với bố mẹ cô bé rằng bệnh viêm phổi cần được điều trị tích cực, nhưng không thể không chú ý đến vấn đề suy dinh dưỡng. Nếu tình trạng dinh dưỡng của trẻ không được cải thiện càng sớm càng tốt và không thể tăng cường vóc dáng, trẻ vẫn có thể dễ bị nhiễm trùng và ốm sau khi xuất viện.
Sau khi tình trạng viêm phổi của Xiaoying được kiểm soát và ổn định, bác sĩ Jin Haili đã mời bác sĩ Zhang Hongying, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng và Chế độ ăn tới hướng dẫn cách ăn cho cha mẹ Xiaoying. Sau khi tìm hiểu, bác sĩ Zhang Hongying hỏi: "Gia đình có thường cho con ăn vặt không?".
Người mẹ ngay lập tức trả lời: "Chúng tôi không bao giờ cho con bé ăn quà vặt". Tuy nhiên, người cha đứng bên cạnh đột nhiên nói nhỏ giọng: "Có ăn, con bé thường ăn khi mẹ vắng nhà".
Người chồng thường giấu vợ cho con gái ăn đồ ăn vặt thường xuyên nên khi đến bữa chính, cô bé thường bỏ ăn. (Ảnh minh họa)
Hóa ra, mỗi khi người mẹ không có nhà, người cha lại thường cho Xiaoying ăn đồ ăn nhẹ như khoai tây chiên, bánh ngọt và đồ ngọt để dỗ con gái ngoan. Đây là bí mật của hai cha con, lúc đầu người cha còn băn khoăn nhưng thấy Xiaoying ăn ngon miệng nên quyết định giữ kín nhưng lại không để ý đến những thay đổi nhỏ trong quá trình trưởng thành và phát triển của con gái. Người mẹ vì không biết điều này nên cứ mỗi khi con gái không chịu ăn cơm và nói "không ăn được nữa", cô lại nghĩ rằng con biếng ăn.
Giờ đây, cô con gái được chẩn đoán là bị suy dinh dưỡng. Bác sĩ đã nhân cơ hội này để khuyên các bậc cha mẹ: Bỏ ăn vặt và dành nhiều thời gian hơn cho bữa tối.
Những sai lầm của cha mẹ khiến con ăn nhiều vẫn suy dinh dưỡng
Trẻ trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển có nhu cầu lớn về chất đạm và chất dinh dưỡng. Ngoài các bệnh gầy còm mãn tính, kém hấp thu đường tiêu hóa, thiểu năng bẩm sinh thì trên lâm sàng còn gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng do ăn không đúng cách và thói quen ăn uống không tốt.
Như sữa mẹ không đủ, cho trẻ ăn thức ăn bổ sung không khoa học, thường xuyên thay đổi nhãn hiệu sữa bột,…. Một số bạn trẻ thiếu kinh nghiệm nuôi con, chế độ dinh dưỡng quá đơn giản gây mất cân bằng dinh dưỡng.
Trẻ ăn ít, kén ăn, cha mẹ thường ăn vặt và bỏ bữa sáng trước mặt con, trẻ sẽ bắt chước theo, chiều chuộng trẻ quá mức, không để trẻ tự ăn, vừa bú vừa chơi, uống sữa đêm cho trẻ trên một tuổi, ăn tối cùng người lớn... Những điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thói quen ăn uống tốt của trẻ.
Nói về vấn đề này, bác sĩ Jin Haili cho biết dù cha mẹ trẻ thiếu kinh nghiệm nhưng họ có năng lực học tập rất tốt. Đối với những bậc cha mẹ trẻ chưa biết nấu ăn, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên học một vài công thức nấu ăn đơn giản, chú ý cân đối năng lượng, chất đạm, chất béo, vitamin và các chất dinh dưỡng khác, không nên nêm quá nhiều gia vị, đảm bảo thành phần nguyên liệu xanh, tươi, dễ tiêu hóa và hấp thu cho trẻ.
Trẻ em luôn tò mò về những điều mới lạ, nếu cha mẹ có thể thêm một số thay đổi về hình dáng, màu sắc vào khẩu phần ăn của trẻ, để trẻ cùng tham gia vào quá trình nấu ăn, cha mẹ và trẻ cùng học nấu ăn thì trẻ sẽ ăn ngon hơn.
Cha mẹ cũng nên bổ sung cho trẻ hải sản, thịt, các sản phẩm từ sữa và các thực phẩm giàu đạm khác, đồng thời ăn thêm cà chua, cam, táo, rau cải và các loại rau củ quả khác giàu vitamin.
Ngoài ra, đối với một số trường hợp đặc biệt như trẻ bị dị ứng sữa thì có thể dùng đạm động vật hoặc đạm thực vật khác để thay thế; đối với trẻ không thích ăn cà rốt có thể dùng các loại rau có màu xanh đậm, cam thay thế; trẻ không ăn được gan động vật , họ có thể sử dụng ngũ cốc nguyên hạt để thay thế...
Trẻ lớn và phát triển nhanh, cha mẹ cần chú ý theo dõi sự tăng trưởng của trẻ, thường xuyên đi khám sức khỏe và điều trị kịp thời nếu phát hiện bất thường, tích cực điều trị bệnh ban đầu.