Việc các mẹ lạm dụng điều hòa sẽ là yếu tố nguy cơ gây bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Vậy khi thời tiết nắng nóng phải sử dụng điều hòa như thế nào cho hợp lý?
Bật điều hòa cả ngày để con không bị ốm
Thời gian gần đây, khoa Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi đến nhập viện điều trị nội trú. Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang - Phó khoa Nhi cho biết, trong số các bệnh nhi đang điều trị tại khoa, chủ yếu vẫn là trẻ mắc bệnh về tiêu chảy và hô hấp. Thống kê sơ bộ cho thấy, có đến 70% các trẻ bị sốt hoặc viêm đường hô hấp.
Ghi nhận tại khoa Nhi cho thấy, các phòng bệnh dường như không còn chỗ trống. Chiều ngày 16/6, tổng số bệnh nhi đang điều trị tại đây có khoảng 200 trẻ, ở mọi độ tuổi khác nhau, nhiều nhất là trẻ từ 1 đến 3 tuổi.
Bác sĩ Sang cho rằng, thời tiết nắng nóng, cộng với việc trẻ nhỏ đã quay lại trường học, thay đổi môi trường sinh hoạt so với trước đó chính là nguyên nhân khiến trẻ nhập viện gia tăng. Ngoài ra, việc một số phụ huynh vẫn còn tâm lý chủ quan, gặp sai lầm trong việc chăm con cũng khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Trẻ Hà Nội nhập viện liên quan đến các bệnh đường hô hấp trong những ngày qua gia tăng mạnh.
Chị Hồng (37 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết, con trai chị 3 tuổi bị sốt và ho trước đó vài ngày, dù đã đi đến viện gần nhà khám nhưng bác sĩ lại cho về. Đến khi con mệt lả, sốt cao gia đình đã đưa đến BV Thanh Nhàn thăm khám và được chẩn đoán viêm phổi, phải điều trị nội trú.
Hàng ngày, do chị Hồng và chồng đều đi làm công ty, nên con gái lớn 12 tuổi ở nhà trông em 3 tuổi. Đồ ăn uống người mẹ này đã chuẩn bị trước đầy đủ. Do thời tiết nắng nóng nên chị bật điều hòa cho 2 con cả ngày. “Tôi chỉ bật điều hòa 27 độ, nhưng bật cả ngày, kể cả tối cũng ít tắt vì các cháu không thích ra ngoài. Từ trước tôi luôn nghĩ việc ở trong môi trường điều hòa ổn định sẽ tốt cho các con, đỡ bị bệnh hơn. Không ngờ con vẫn bị viêm phổi”, chị Hồng nói.
Cũng như chị Hồng, một bà mẹ ôm con nhỏ 11 tháng tuổi, vừa nhập viện hôm 15/6 cho biết, con chị bị viêm phổi trên nền trẻ sinh non. Trước đó, dù chăm sóc kỹ lưỡng như không cho ra ngoài, nóng là bật điều hòa gần như cả ngày (chỉ tắt trong khoảng từ 4h sáng cho đến 9h sáng). “Không hiểu vì sao tôi chăm sóc cẩn thận và giữ con như vậy mà cháu vẫn bị ốm”, người mẹ này chia sẻ.
Rất nhiều phụ huynh lạm dụng điều hòa trong mùa hè khiến trẻ bệnh nặng hơn.
Tuyệt đối không lạm dụng điều hòa
Trước thói quen dùng điều hòa của nhiều gia đình hiện nay, bác sĩ Mai Sang cho rằng: “Việc dùng điều hòa trong điều kiện thời tiết nắng nóng là hợp lý, nhất là gia đình có trẻ nhỏ”. Tuy nhiên, bác sĩ Sang cũng cảnh báo, dùng điều hòa 24/24 hoặc trong thời gian quá dài là không nên, vì sẽ gây nên tình trạng trẻ “nghiện” điều hòa, lười vận động, từ đó dẫn tới hệ lụy sức khỏe khác.
“Đối với các trẻ nhập viện, chúng tôi không dám khẳng định trẻ viêm phổi là do việc sử dụng điều hòa, vì có nhiều nguyên nhân phối hợp với nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách, lạm dụng điều hòa sẽ là yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh”, bác sĩ Sang cho hay.
Cụ thể, việc bật điều hòa cả ngày, nhất là phòng nhỏ sẽ khiến không khí bị khô, từ đó dẫn tới khô da. Đặc biệt, niêm mạc mũi của trẻ cũng bị khô, chính điều này tạo điều kiện để vi rút, vi khuẩn đang trú ngụ sẵn ở đó xâm nhập vào bên trong khi có tổn thương, từ đó gây nên tình trạng viêm nhiễm.
Bác sĩ Mai Sang cảnh báo, phụ huynh tuyệt đối không dùng điều hào 24/24.
Ngoài ra, cũng có gia đình áp dụng biện pháp chống khô bằng cách dùng quạt phun hơi nước. Bác sĩ Sang cho biết, cách này có thể sử dụng được nhưng không lạm dụng, vì phun hơi nước quá nhiều sẽ làm đọng nước, đó cũng là điều kiện để vi khuẩn phát triển, đó là chưa kể nguồn nước ô nhiễm cũng rất gây hại.
Những lưu ý khi sử dụng điều hòa
Theo bác sĩ Sang, khi sử dụng điều hòa tốt nhất không nên bật 24/24h, vẫn phải có khoảng thời gian cho trẻ ra ngoài trời vui chơi. Thời gian thích hợp nhất là vào buổi sáng sớm hay chiều mát, khi vui chơi cũng nên chọn nơi có bóng mát, nhất là vào buổi chiều.
Ngoài ra, cần quản lý trẻ chơi đùa để tránh tình trạng tăng thân nhiệt của trẻ, điều này cũng rất nguy hiểm. Khi trẻ đi chơi về, không nên cho trẻ uống nước lạnh, không cho trẻ tắm ngay, như vậy thân nhiệt thay đổi đột ngột, dễ bị bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh.
Khi cho trẻ sử dụng điều hòa cần lưu ý một số điểm để không ảnh hưởng đến sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Liên quan đến vấn đề này, PGS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, với trẻ nhỏ trong mùa hè khi bật điều hòa cần chú ý một số vấn đề sau:
- Không cho trẻ sinh hoạt cả ngày trong điều hòa. Trước khi ra ngoài cần tắt điều hòa trước 30 phút để cân bằng nhiệt độ.
- Không bật điều hòa quá lạnh, vì như vậy sẽ chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời quá lớn, trẻ rất dễ bị ốm. Nhiệt độ trong điều hòa và ngoài trời chỉ nên chênh nhau không quá 5 độ.
- Không để điều hòa phả thẳng vào giường có trẻ nằm.
- Nên lặp quạt thông gió hoặc bật quạt nhỏ trong phòng để không khí được lưu thông.