Thấy con húng hắng ho nhưng cô Trần nghĩ không sao. Đến hôm sau, con trai đột nhiên khó thở, cổ họng phát âm thanh lạ, cô mới vội vàng đưa con đi viện.
Cô Trần đang chuẩn bị bữa ăn tối trong nhà bếp, đột nhiên nghe thấy tiếng ho rất dồn dập của cậu con trai Tiểu Bảo, hơn 1 tuổi đang chơi với chị gái ngoài phòng khác. Cô Trần nghĩ: vừa mới đây đứa trẻ còn rất tốt, tại sao đột nhiên lại ho dữ như vậy?
Con gái lớn 5 tuổi của cô Trần gọi: “Mẹ mẹ, nhanh ra xem, em bị bệnh rồi, em ho liên tục, con chỉ cho em ăn một chút hạt dưa, ngoài ra không ăn gì khác”. Sau đó, cô Trần thấy cậu con trai bé nhỏ chỉ ho vài tiếng, và cho rằng vấn đề không có gì lớn, nên cũng không quan tâm quá nhiều.
Ngày hôm sau, Tiểu Bảo ngoài ho còn xuất hiện tình trạng khó thở, cổ họng không ngừng phát ra những âm thanh lạ, cô Trần mới đưa Tiểu Bảo đến Khoa cấp cứu của Bệnh viện trung tâm thành phố Trịnh Châu. Bác sĩ Vương Đức Chấn sau khi kiểm tra thì hoài nghi có vật lạ chặn ở đường thở.
Các bác sĩ tại Bệnh viện trung tâm thành phố Trịnh Châu đang soi phế quản cho Tiểu Bảo
Bác sĩ lập tức hoàn thiện các loại kiểm tra tương quan, đồng thời liên hệ bác sĩ Trương Hoa, người phụ trách ở trung tâm dị vật. Bác sĩ Trương Hoa phán đoán có dị vật ở phế quản, lập tức sắp xếp cho Tiểu Bảo đi nội soi phế quản.
Hình ảnh trước và sau khi lấy dị vật
Bởi vì bệnh nhân còn quá nhỏ, các dụng cụ soi phế quản thông thường không thể đi vào đường hô hấp. Ngay lập tức bác sĩ Trương liên hệ với bác sĩ Tổ Dục Na, phó Khoa hô hấp và bệnh nghiêm trọng, cô là người đã thực hiện thành công soi phế quản ở trẻ sinh non có tuổi thai 31 tuần và trọng lượng cơ thể là 2kg.
Bác sĩ Tổ Dục Na đã sử dụng ông soi phế quản siêu nhỏ để tìm dị vật ở phế quản giữa bên phải của Tiểu Bảo, và chưa đầy 1 phút dị vật đã được lấy ra. Quả nhiên, thủ phạm là một hạt dưa, bác sĩ Trương Hoa nói: Dị vật ở khí quản là bệnh phổ biến ở Khoa hô hấp. May mắn, đứa trẻ được đưa đến bệnh viện sớm và bác sĩ đã kịp thời lấy được dị vật ra ngoài, chỉ cần muộn một chút, đứa trẻ rất có khả năng bị nguy hiểm đến tính mạng.
Thủ phạm chính là hạt dưa
Bác sĩ Trương Hoa còn cho biết: “Đối với những trường hợp trẻ hóc dị vật nếu cách xử trí ban đầu đúng thì có thể cứu sống được bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu việc xử trí này không thực hiện đúng và kịp thời trong vài phút đầu, trẻ sẽ bị thiếu oxy lên não khi chuyển đến cấp cứu tại bệnh viện. Đối với những trường hợp như vậy thì dù có cứu được mạng sống cũng để lại di chứng suốt đời”.
Phòng ngừa hóc dị vật
Video: Cách xử lý trẻ hóc dị vật.
Bác sĩ Tổ Dục Na cũng khuyến cáo, phụ huynh cần luôn để ý đến con, tránh cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây hóc, nghẹt đường thở như các loại hạt, thạch, những loại trái cây có hạt nhỏ... Thức ăn nên cắt làm nhiều mảnh nhỏ, cẩn thận khi chế biến và cho trẻ ăn các đồ ăn có xương. Tránh các thói quen nguy hiểm như bóp mũi nhét đồ ăn vào khi trẻ khóc, biếng ăn.
Cha mẹ cần tránh cho trẻ chơi các loại đồ vật dễ gây hóc
Ngoài ra, không nên cho trẻ chơi đồ chơi quá nhỏ, góc cạnh, có nhiều bộ phận dễ tách rời, chơi mà không có sự giám sát của người lớn. Không để đồ chơi, vật dụng quá nhỏ, có thể nguy hiểm trong tầm tay của trẻ, gần nơi ăn, nơi ngủ...
"Khi phát hiện trẻ ngậm phải vật lạ trong miệng, cần giữ bình tĩnh, không gây hốt hoảng, sợ hãi cho trẻ. Khi dị vật đã lọt vào đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử lý đúng đắn, kịp thời để không dẫn đến những hậu quả đáng tiếc", bác sĩ Tổ lưu ý.