COVID-19 ngày 25/2: Bộ Y tế chuẩn bị kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19

Ngày 25/02/2021 09:31 AM (GMT+7)

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ sự cảm ơn đối với những nỗ lực của chương trình COVAX Facility, tạo điều kiện để Việt Nam được tiếp cận sớm với nguồn vắc xin phòng COVID-19.

Chiều 24/2, tại Bộ Y tế đã diễn ra cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Y tế với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam về vắc xin phòng COVID-19.

Các bên đã tiến hành trao đổi các nội dung liên quan đến việc tiêm chủng vaccine như cấp phép cho vắc xin, đối tượng tiêm, truyền thông tiêm chủng và các vấn đề liên quan.

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ sự cảm ơn đối với những nỗ lực của chương trình COVAX Facility, tạo điều kiện để Việt Nam được tiếp cận sớm với nguồn vắc xin phòng COVID-19.

COVID-19 ngày 25/2: Bộ Y tế chuẩn bị kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 - 1

GS. TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trường Bộ Y tế chủ trì buổi làm việc với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam về vắc xin phòng COVID-19.  Ảnh: Trần Minh

Về đối tượng ưu tiên tiêm, các bên thống nhất sẽ thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ, đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận vắc xin phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh, thể hiện bản chất tốt đẹp của nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Đại diện các tổ chức quốc tế đồng ý với những trao đổi về việc một số vắc xin bảo quản trong điều kiện khó khăn, phải huy động nguồn lực xã hội hoá như vắc xin của Pfizer.

Với vắc xin của Pfizer, yêu cầu bảo quản ở âm 70 độ C và tiêm trong 5 ngày sau khi rã đông,  nên nếu không tiêm kịp trong thời hạn đó vì những lý do khách quan  thì sẽ gây lãng phí. Thực tế tiêm vắc xin này tại Mỹ cho thấy tỷ lệ không sử dụng ở mức cao.

“Việt Nam mong muốn được tiếp cận với nguồn vắc xin đảm bảo chất lượng, giá hợp lý, phù hợp, bảo quản như theo điều kiện của các vắc xin thông thường mà Việt Nam đang có” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, đồng thời cam kết Bộ Y tế sẽ giải quyết ngay các vấn đề liên quan tới thủ tục để đảm bảo vắc xin của Chương trình COVAX Facility sớm được nhập vào Việt Nam.

Về công tác truyền thông cho kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19 mà các tổ chức quốc tế quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết lãnh đạo Bộ đã giao các đơn vị chuyên môn liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với từng giai đoạn.

COVID-19 ngày 25/2: Bộ Y tế chuẩn bị kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 - 2

GS. TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Trần Minh

Tại cuộc họp về tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 diễn ra ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam với hơn 100 triệu liều.

 Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong và ngoài ngành y tế tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ, làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, giảm tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống.

Đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Y tế đã thảo luận các vấn đề như nguồn cung, thủ tục quy trình phê duyệt, tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, sự cần thiết phải huy động tổng lực ngành Y tế.

Theo đó, tất cả cơ sở y tế công lập sẽ tham gia vào quá trình tiêm chủng, đồng thời huy động lực lượng sinh viên các trường Y để tổ chức tiêm tại các điểm ngoài trạm y tế và các điểm lưu động.

Vấn đề bảo quản vắc xin cũng được bàn bạc, rà soát kỹ. Hệ thống kho lạnh ở các khu vực đủ khả năng bảo quản vắc xin, các thiết bị vận chuyển vắc xin tới các trạm y tế, các điểm tiêm lưu động cũng đảm bảo. 

Thảo luận về đánh giá sau tiêm, các đại biểu nhấn mạnh bất cứ vắc xin nào cũng không thể đảm bảo được độ an toàn 100%, nhất là vắc xin phòng COVID-19 mới được phát triển trong thời gian ngắn. Do đó, việc theo dõi đánh giá phản ứng sau tiêm rất quan trọng. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn đánh giá này, nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục làm rõ để không gây hoang mang trong người dân với những phản ứng sau tiêm.

Bộ Y tế đã phân công tất cả các đơn vị tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng, quy trình tổ chức điểm, buổi tiêm, xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo dõi sau tiêm và đánh giá hiệu quả của vắc xin sau tiêm…

Theo Sức khỏe đời sống

Ca siêu lây nhiễm COVID-19 ở Hà Nội khỏi bệnh

Người đàn ông làm ở nhà máy Z153 lây bệnh cho nhiều đồng nghiệp và 5 người nhà ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) được công bố khỏi bệnh.

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 lúc 6h ngày 25/2 cho hay, 12 giờ qua Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới, tổng số bệnh nhân ở nước ta vẫn là 2.412 người.

Trong số này, có tổng cộng 1.513 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 820 ca.

Từ 27/1 đến nay, đã có 13 tỉnh, thành phố có ca bệnh COVID-19 với 820 ca bệnh. Trong đó, Hải Dương có 636 ca, Quảng Ninh (61), Gia Lai (27), Hà Nội (35), Bắc Ninh (5), Bắc Giang (2), TP HCM (36), Hoà Bình (2), Hà Giang (1), Điện Biên (3), Bình Dương (6), Hải Phòng (4), Hưng Yên (2).

COVID-19 ngày 25/2: Bộ Y tế chuẩn bị kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 - 3

Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 88.583

Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 88.583, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 592; Cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.112; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 75.879.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị thuộc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 có thêm 14 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN1719, BN1746, BN1694, BN1560, BN1950, BN2268, BN1873, BN1968, BN2005, BN1718, BN1717, BN1697, BN2069, BN1696.

Trong số này đáng chú ý có BN1694, là nam giới, 40 tuổi, nghề nghiệp bộ đội, có địa chỉ ở số 479 đường Phúc Diễn, tổ 1, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tại nhà máy Z153 - Cục kỹ thuật, Bộ Quốc Phòng (địa chỉ tại thị trấn Đông Anh).

Người đàn ông này quê Kinh Môn, Hải Dương, từ hôm 16/1 có về quê, tiếp xúc người sau này trở thành bệnh nhân COVID-19 (BN1584), đi đám cưới, gặp nhiều người. Bệnh nhân này được xác định dương tính SARS-CoV-2 sáng 30/1, cùng ngày được Bộ Y tế chính thức thông báo là bệnh nhân COVID-19 số 1694.

Anh này là bệnh nhân COVID-19 liên quan tới ít nhất 8 người gồm 3 đồng nghiệp cùng nhà máy Z153 và 5 người nhà (gồm: vợ, con trai, bố mẹ vợ và em gái vợ). Đáng chú ý con trai học lớp 3 của anh này dương tính khiến gần 100 học sinh, cô giáo... trong trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải cách ly tập trung tại trường tới Tết Nguyên đán. 

Từ những người mắc COVID-19 do tiếp xúc BN1694, lại có những F2 trở thành F0 (ca bệnh) như BN2009 (nữ giám đốc chi nhánh công ty viễn thông ở chung cư Garden Hill, quận Nam Từ Liêm, bị phạt 15 triệu đồng do tiếp xúc với BN1722 là em vợ BN1694 từ 12 ngày trước khi phát bệnh, nhưng không khai báo.

Như vậy, đã có 1.804 bệnh nhân COVID-19 phát hiện ở nước ta khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 62 ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2, 57 ca âm tính lần 2 và 77 ca âm tính lần 3.

Theo Gia đình và xã hội

Có thêm 9 ca mắc mới COVID-19, Bộ Y tế đảm bảo không thiếu vắc xin phòng COVID-19
Tính từ 6h đến 18h ngày 24/02, cả nước có thêm 9 ca mắc mới, số ca bệnh này đều được ghi nhận tại tỉnh Hải Dương.
Theo PV (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19