Đã có 955 cán bộ, nhân viên y tế được tiêm vắc-xin COVID-19. Các phản ứng được báo cáo bổ sung đều là phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Bộ Y tế sáng 11-3, cho biết trong ngày 10-3 các cơ sở y tế tiêm vắc-xin COVID-19 cho 433 người cán bộ, nhân viên y tế. Đây là ngày thứ 3 thực hiện chiến dịch tiêm chủng 117.600 liều vắc-xin đầu tiên của AstraZeneca.
Đến nay đã có 955 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, thực hiện tiêm vắc-xin COVID-19.
Trong số này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh): 127 người; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM: 474 người; hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP. Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành: 218 người; Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội): 36 người và Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai: 100 người.
Tiêm viên vắc-xin COVID-19 cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng, chưa có trường hợp nào tiêm chủng ngày 10-3 báo cáo phản ứng sau tiêm vắc-xin COVID-19. Các trường hợp được báo cáo bổ sung của hai ngày tiêm trước đều là các phản ứng thông thường sau tiêm chủng như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… Trong 3 ngày triển khai đầu tiên, công tác an toàn tiêm chủng luôn được Chương trình Tiêm chủng đặt lên hàng đầu và được các địa phương thực hiện nghiêm túc.
Sáng 11-3, nước ta không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Đến nay, nước ta ghi nhận tổng số 2.529 ca mắc COVID-19, trong đó 1.588 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 895 ca. Cả nước có gần 45.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 48 ca chuyển âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; 42 ca lần 2 và 118 ca lần 3. Số bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi là 2.004 ca. Số ca tử vong là 35 ca. |
Theo Người lao động
Bộ Y tế thông tin lịch trình cung ứng 60 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam
Tối ngày 10/3, Bộ Y tế cho biết thông tin cụ thể về lịch trình cung ứng 60 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, bao gồm VNVC chuyển giao 30 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca theo nguyên tắc phi lợi nhuận; 30 triệu liều vắc xin phòng COVID 19 từ COVAX.
Việt Nam là nước thứ hai trong khu Đông Nam Á triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca
Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, chiều 10/3, Tổ công tác liên bộ gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Công an đã họp thảo luận về việc tiếp nhận 30 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 mà Công ty VNVC đặt mua của AstraZeneca để cung ứng cho Việt Nam, trong đó bao gồm 117.600 liều đang được triển khai tiêm chủng cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch tại 13 tỉnh và thành phố.
Tổ công tác liên bộ thống nhất trình Thủ tướng xem xét và quyết định tiếp nhận toàn bộ 30 triệu liều vắc xin này theo nguyên tắc phi lợi nhuận, giá chuyển nhượng ngang bằng với giá mà VNVC mua của AstraZeneca cùng các chi phí khác như thuế VAT, bảo hiểm, vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản… Toàn bộ chi phí đã phát sinh trước thời điểm chuyển giao do VNVC tự chi trả.
Các thành viên tổ đàm phán đánh giá cao nỗ lực của VNVC trong việc phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tìm kiếm nguồn cung, đàm phán với đối tác AstraZeneca, đặt mua vắc xin, chấp nhận rủi ro đặt cọc 30 triệu USD trong thời điểm vẫn đang thử nghiệm lâm sàng.
Bên cạnh đó, VNVC còn tích cực phối hợp cùng Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia triển khai tiêm chủng 117.600 liều đầu tiên theo Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 của Bộ Y tế được ban hành kèm Quyết định số 1467/QĐ-BYT. Việt Nam là nước thứ hai trong khu Đông Nam Á triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Việt Nam là nước thứ hai trong khu Đông Nam Á triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca
Các nguồn cung ứng vắc xin phòng COVID-19 cho Việt Nam đến nay
Hỗ trợ của COVAX Facility (cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vắc xin và các đối tác lập ra, đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin một cách công bằng và hiệu quả):
Theo thông báo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), ngày 25/3/2021 lô vắc xin đầu tiên từ nguồn COVAX Facility với 1,37 triệu liều vắc xin của AstraZeneca trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều sẽ về đến Việt Nam.
Lô tiếp theo với 2,8 triệu liều sẽ tiếp tục về Việt Nam ngày 25/4/2021.
Như vậy, đến hết tháng 4/2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 4,17 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 từ COVAX Facility.
Khoảng 25,9 triệu liều vắc xin còn lại trong cam kết hỗ trợ của COVAX Facility dự kiến được chuyển về Việt Nam trong thời gian từ tháng 8- 11 năm 2021.
Vắc xin AstraZeneca thông qua Công ty VNVC cung ứng:
VNVC là một trong 3 tổ chức được AstraZeneca đồng ý cung cấp vắc xin tại Việt Nam, cùng với COVAX Facility và UNICEF. VNVC chuyển giao vắc xin mua được từ AstraZeneca cho Bộ Y tế theo cơ chế phi lợi nhuận.
Cuối tháng 02/2021, 117.600 liều vắc xin của hãng AstraZeneca do SK Bio Hàn Quốc sản xuất đã về đến Việt Nam và được triển khai tiêm chủng từ ngày 08/3/2021.
Dự kiến, các đợt vắc xin tiếp theo với tổng số 29,87 triệu liều sẽ về đến Việt Nam vào tháng 4 (1,48 triệu liều), tháng 5 (2,76 triệu liều), tháng 6 (5,04 triệu liều), tháng 7 (7,32 triệu liều) và tháng 8 (13,27 triệu liều).
Bộ Y tế cho biết, để có nguồn cung ứng vắc xin với mục tiêu đảm bảo bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân Việt Nam Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin
Bộ Y tế nỗ lực, chủ động tiếp cận các nguồn cung ứng vắc xin cho người dân Việt Nam
Để có nguồn cung ứng vắc xin với mục tiêu đảm bảo bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân Việt Nam, sớm chủ động đẩy lùi đại dịch, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, Gamaleya (Sputnik V) để có thể tiếp cận với tất cả các nguồn cung ứng vắc xin nhằm triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam.
Bộ Y tế đồng thời khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin phòng COVID-19 khác trên thế giới để nhập khẩu vắc xin về sử dụng trong nước theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
Theo Sức khỏe đời sống
560 người tiêm mũi 1, giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax Việt Nam
Sau 12 ngày tiêm, đến nay Việt Nam đã hoàn tất tiêm thử nghiệm mũi 1 giai đoạn 2 vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax của Công ty Nanogen trên 560 tình nguyện viên.
PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y cho biết, sau 12 ngày, Việt Nam đã hoàn tất tiêm thử nghiệm mũi 1 giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax của công ty Nanogen cho 560 tình nguyện viên.
Trong số 560 tình nguyện viên, có 80 người được tiêm giả dược, 105 tình nguyện viên là người cao tuổi trên 60, tình nguyện viên cao tuổi nhất là 76 tuổi. 375 tình nguyện còn lại được chia tiêm 3 nhóm liều 25mcg, 50mcg và 75mcg.
Ở giai đoạn 2, vắc xin Nano Covax được thử nghiệm đồng thời tại Học viện Quân y và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An do Viện Pasteur TPHCM thực hiện, mỗi đơn vị tiêm cho 280 tình nguyện viên.
Hiện sức khoẻ tất cả các tình nguyện viên đều ổn định. Sau tiêm, tình nguyện viên sẽ được lấy máu xét nghiệm kháng thể vào ngày thứ 28, 34, 42, 3 tháng và 6 tháng kể từ mũi tiêm đầu tiên.
Sau 28 ngày nữa, 560 tình nguyện viên này sẽ tiếp tục được tiêm mũi 2 vắc xin Nano Covax.
Do giai đoạn 2 phối hợp đa trung tâm nên thời gian thử nghiệm sẽ rút ngắn một nửa, chỉ còn 2 tháng.
Đến tháng 5, nhóm nghiên cứu sẽ có dữ liệu để báo cáo Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 26/2, thử nghiệm giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax do Học viện Quân Y và Viện Pasteur TPHCM phối hợp thực hiện, tiêm tại Hà Nội và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, Long An với tổng 560 tình nguyện viên độ tuổi từ 12-75.
Nano Covax là vắc xin COVID-19 do Nanogen nghiên cứu, phát triển, sản xuất là vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được thử nghiệm trên người. Quá trình thử nghiệm lâm sàng Nano Covax được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021.
Sau khi được cấp phép, Nanogen dự kiến cung cấp vắc xin này với giá 120.000 đồng một liều, sản xuất 50-70 triệu liều một năm, trước mắt đảm bảo đủ nhu cầu trong nước, sau đó mới xuất khẩu.
Với giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19, kết quả cho thấy đã có kháng thể chống lại virus biến chủng mới tại Anh (B117).
Giai đoạn 2 chú trọng đánh giá kháng thể, đồng thời tìm kháng thể của người tham gia thử nghiệm chống lại biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại Anh và Nam Phi Động viên nhóm tình nguyện viên và lực lượng y tế tham gia nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19.
Giai đoạn 3 giữ nguyên nguyên tắc, tuân thủ theo đúng các quy định, với cỡ mẫu khoảng từ 10.000 đến 15.000 đối tượng tham gia nghiên cứu, có thể mở rộng việc lựa chọn các đối tượng tham gia để đảm bảo tính phổ rộng cũng như những vấn đề liên quan đến tính khoa học (bao gồm tình nguyện viên tại các nước có dịch cộng đồng như Ấn Độ, Hungary, Bangladesh…)
Theo Tiền Phong