Cụ bà miền Nam 101 tuổi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, suốt 40 năm nay ngày nào cũng làm một việc này

DIỆU THUẦN - Ngày 07/10/2023 14:00 PM (GMT+7)

Hơn 40 năm qua, mỗi ngày cụ Kết đều dành một tiếng để tập thể dục, hít đất nhằm rèn luyện sức khỏe. Nhờ thói quen tốt này mà sống qua hơn một thế kỷ, cụ bà rất hiếm khi bị bệnh.

Bắt đầu tập hít đất từ năm 61 tuổi

Những ngày qua, nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ đoạn video về một cụ bà 101 tập hít đất được 30 cái một cách nhanh nhẹn khiến ai xem cũng ngưỡng mộ và tò mò về bí quyết chăm sóc, giữ gìn sức khỏe của cụ.

Ở tuổi 101, mỗi ngày cụ Kết đều hít đất để rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Ở tuổi 101, mỗi ngày cụ Kết đều hít đất để rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Chia sẻ với chúng tôi chiều ngày 5/10, ông Nguyễn Trọng Bảo (75 tuổi, ở huyện Phú Riềng, Bình Phước) cho biết, cụ bà trong video là mẹ ông, tên Nguyễn Thị Kết, sinh năm 1922. “Mấy ngày qua, nhiều người hỏi gọi hỏi thăm mẹ tôi lắm. Các cơ quan, đoàn thể ở địa phương cũng đến nhà hỏi thăm, chúc sức khỏe và tặng quà cho mẹ. Giờ mẹ tôi thành người nổi tiếng rồi”, ông Bảo nói, giọng vui vẻ.

Ông Bảo cho biết, cụ Kết bắt đầu tập hít đất từ năm 61 tuổi để rèn luyện sức khỏe và giúp tinh thần minh mẫn hơn. Khi mới bắt đầu tập, cụ bà chỉ tập được một vài cái. Sau đó, cụ tăng số lần lên và xem hít đất là môn tập yêu thích của mình.

Khi bước vào tuổi 100, ngoài hít đất, cụ Kết còn tập dưỡng sinh và các bài vận động chân tay, nhằm giúp toàn cơ thể dẻo dai, nhanh nhẹn hơn. “Mẹ tôi tập thể dục ngày 2 lần, sáng và chiều. Buổi sáng mẹ dậy lúc 5 giờ tập cùng vợ chồng tôi khoảng 30-45 phút. Sau đó, mẹ ăn sáng rồi làm những việc lặt vặt trong nhà. Buổi chiều, mẹ tập khoảng 30 phút, lúc 17-18h rồi ăn tối, xem tivi, trò chuyện cùng con cháu”, con trai cả của cụ Kết kể.

Cụ Kết đang tập thể dục. Ảnh cắt từ video Hải Yến.

Cụ Kết đang tập thể dục. Ảnh cắt từ video Hải Yến.

Về ăn uống, trước đây, cụ bà sinh năm 1922 ăn đa dạng các loại thực phẩm, luôn ăn đúng bữa và ăn nhiều hơn các món ăn được chế biến từ nguyên liệu dân dã, nhà trồng và nuôi được. Khi tuổi đã cao, răng đã rụng hết, cụ ăn cơm với các món mềm, đã thái nhỏ hoặc xay nhuyễn. Ngoài ra, mỗi tháng cụ uống khoảng 2-3 hộp sữa non dành cho người già do các con cháu mua để bổ sung thêm chất dinh dưỡng, canxi cho cơ thể.

Nhờ ăn uống khoa học, tập luyện thể dục hằng ngày, ở tuổi 101, cụ Kết chỉ bị lãng tai nên nghe câu được câu mất, còn mắt vẫn nhìn rõ, chân tay khỏe mạnh. Đặc biệt, trí nhớ của cụ bà vẫn rất tốt. “Hơn 101 tuổi rồi, mẹ vẫn nhớ tên, tuổi 24 đứa cháu và 34 đứa chắt. Trí nhớ của mẹ còn tốt hơn người 75 tuổi như tôi”, ông Bảo chia sẻ.

Cụ kết trong một lần đi chơi cùng các con. Ảnh: Hải Yến.

Cụ kết trong một lần đi chơi cùng các con. Ảnh: Hải Yến.

Sống hơn 101 tuổi, chỉ nằm viện một lần

Ông Bảo kể, cụ Kết quê ở một tỉnh phía Bắc nước ta. Sau khi lập gia đình, cụ cùng chồng vào Bình Phước lập nghiệp. Tại đây, vợ chồng cụ sinh lần lượt 13 người con, trong đó có 5 người con của cụ đã mất vì nhiều lý do khác nhau.

Dù trải qua nhiều lần sinh, phải làm lụng vất vả để nuôi 8 người con khôn lớn nhưng chưa bao giờ cụ bà than vãn, kể khổ với các con cháu. Mấy chục năm qua, lúc nào ông Bảo cũng thấy mẹ lạc quan, thân thiện và hòa đồng với mọi người. Cũng vì vậy, anh em ông bảo luôn bảo nhau noi gương mẹ để thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Cụ Kết trong bữa tiệc mừng đại thọ được con cháu tổ chức vào năm 2022. Ảnh: Hải Yến.

Cụ Kết trong bữa tiệc mừng đại thọ được con cháu tổ chức vào năm 2022. Ảnh: Hải Yến.

Có một điều 8 anh em ông Bảo và các con cháu, chắt trong nhà rất vui là cụ Kết rất hiếm khi bị bệnh phải đi bệnh viện. Những lúc trái gió trở trời, cụ bà cũng chỉ cảm nhẹ, xông nước lá, uống thuốc là khỏi.

“Mẹ tôi chỉ bị bệnh vào năm 1987, mà nằm viện mấy ngày là khỏi. Lúc đó, mấy anh em tôi rất lo lắng. Còn mẹ nói bằng giọng lạc quan: “Mẹ chỉ là lười nên muốn vào bệnh viện nằm ngủ mấy ngày”, ông Bảo nhớ lại.

Chị Hải Yến, cháu ngoại cụ Kết, cũng rất vui và tự hào khi nghe nhắc về bà ngoại. Chị cho biết, ngày xưa, cụ Kết mới học lớp bình dân vụ nên chỉ viết được mỗi tên mình. Tuy nhiên, cụ thuộc rất nhiều bài thơ, văn. Mỗi khi thấy cháu ngoại về thăm là cụ đọc rành mạch các bài thơ, văn mình thuộc cho cháu nghe và dặn cháu những điều tích cực trong cuộc sống.

Chị Hải Yến kể, tháng 6 vừa qua, cụ Kết được các con cháu đưa đi thăm quan các địa điểm du lịch ở tỉnh Bình Dương và TP.HCM khi có người quen ở Hà Nội vào chơi. Dù phải di chuyển giữa các địa điểm du lịch cả ngày, cụ vẫn không biết mệt và mong sẽ được trải nghiệm một lần nữa khi có dịp.

“Lúc ngoại mới ghé nhà tôi (ở TP Thủ Đức), tôi rủ ngoại đi thăm quan Dinh độc lập. Ngoại lắc đầu, nói: "Chỗ đó ngoại đi nhiều rồi, giờ con đưa ngoại đi thăm tòa nhà 81 tầng, đi buýt đường sông, đi xe buýt 2 tầng đi". Đi chơi xong về ngoại lại bảo: "May có vợ chồng con ở đây, bà mới được đi những chỗ này. Thà đi chơi vầy bà vui chứ cho bà 5-10 triệu xài cũng hết mà không biết tới đâu", chị Hải Yến vui vẻ nhớ lại.

Cụ Kết trong lần đi du lịch mới đây với con cháu. Ảnh: Hải Yến.

Cụ Kết trong lần đi du lịch mới đây với con cháu. Ảnh: Hải Yến.

Chị Hải Yến cũng cho biết, điều chị và tất cả mọi người trong gia đình mong hiện nay là cụ Két thật vui, khỏe mạnh để làm chỗ dựa vững chắc cho đại gia đình.

Theo Ths.BS Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, người cao tuổi thường phải đối diện nhiều căn bệnh không nhiễm và viêm nhiễm vì các cơ quan nội tạng trong cơ thể đã bắt đầu “xuống cấp”. Vì vậy, ngoài được sống vui vẻ bên con cháu, ăn uống đủ chất dinh dưỡng các cụ cũng cần thường xuyên vận động để rèn luyện sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và ngừa bệnh tật.

Một nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) cho thấy, người trên 60 tuổi nếu giảm hoạt động thể chất sẽ có chất lượng cuộc sống kém hơn. Ngược lại, việc thường xuyên tập thể dục sẽ giúp người cao tuổi chăm sóc và nuôi dưỡng hệ thống sức khỏe cơ xương khớp, nâng cao sức khỏe toàn thân, tăng cường sự dẻo dai cũng như khả năng cân bằng của cơ thể. Ngoài ra, thường xuyên tập thể dục giúp người cao tuổi có tinh thần thoải mái, trí óc minh mẫn. 

Hít đất (chống đẩy) là một bài tập thể dục điển hình, vô cùng phổ biến. Bài tập này giúp người tập rèn luyện nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, đặc biệt là cơ ngực, cơ tay, cơ vai… Bài tập này không chỉ đang được áp dụng trong quân đội, trường học, cho đàn ông mà nhiều cụ ông cụ bà cũng lựa chọn để rèn luyện sức khỏe, giúp cho hệ cơ xương khớp của mình dẻo dai hơn.

Cụ bà 100 tuổi đi làm 7km mỗi ngày, bí quyết trường sinh nằm ở món người Việt chê bẩn nhưng người Nhật coi là sâm
Làm việc không ngừng, ăn uống đa dạng và đặc biệt thường xuyên ăn lươn chính là những thói quen giúp một cụ bà ở Nhật Bản sống tới 100 tuổi.

Sống thọ

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống thọ